Hai cái nhìn thế giới và đồ vật

Nhà nghiên cứu văn hóa Phan Cẩm Thượng 16/04/2019 19:45

Nền hội họa Việt Nam thực chất mới có địa vị từ trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, năm 1925, còn nền nghệ thuật cổ chủ là một kho tàng kiến trúc, điêu khắc, trang trí, đồ họa và gốm. Gốm là một ngành đặc biệt làm nổi bật giá trị tạo tác của người Việt, không giới hạn vào sự sản xuất phục vụ cho đời sống.

Hai cái nhìn thế giới và đồ vật

Nghệ sĩ Bảo Toàn tuổi Canh Dần (1950), Nghệ sĩ Trọng Đoan tuổi Nhâm Ngọ (1942), cùng làm triển lãm vào năm Mậu Tuất (2018). Đây là bài viết giới thiệu nhân triển lãm Gốm của hai nghệ sĩ gốm Nguyễn Trọng Đoan và Nguyễn Bảo Toàn, tháng 10-2018, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Triển lãm mang tên “Gốm Đoan - Bảo Toàn”.

Thế giới người ta cũng biết nhiều hơn về gốm truyền thống Việt Nam, so với các ngành nghệ thuật khác. Gốm Lý, gốm Trần, gốm Lê, gốm Mạc định hình cả phong cách nghệ thuật các thời kỳ đó. Nhưng gốm thì vẫn là nghệ thuật ứng dụng, trước tiên phải sử dụng được, sau đó có thể chút ít tạo hình gắn với kiến trúc và trang trí thuần túy, nó không hẳn là một chất liệu điêu khắc.

Những nghệ sĩ gốm Hiện đại không hề muốn câu chuyện như vậy, không muốn giới hạn mình trong việc chỉ chế tác một đồ đựng có chức năng, cũng như không hẳn là làm điêu khắc bằng gốm, mà thực chất thì những điêu khắc gốm từng thấy không hẳn thành công nổi bật. Qua những lần triển lãm điêu khắc trong toàn quốc, thì điêu khắc gốm không đóng một vai trò gì chủ đạo. Vấn đề nằm ở tác giả, ai là người làm ra cái đó, ai là nghệ sĩ, còn đã là người sáng tạo rồi thì chất liệu nào cũng thế thôi. Điều này, được hai ông Nguyễn Trọng Đoan và Nguyễn Bảo Toàn nhận thức sâu sắc, ngay từ các sáng tác đầu tiên, và được trưng bày những năm 1980-1990, bất chấp các hình dáng lúc đó vẫn là bình lọ gốm có công năng. Chặng đường sau đó, hai ông đều muốn né tránh việc làm ra một cái lọ, tiệm cận với điêu khắc, như điêu khắc các con thú của Bảo Toàn, các cây đèn của Trọng Đoan, nhưng vấn đề cũng không phải là cách đó - cách tránh một thứ gốm công năng, mà đến với gốm tạo hình, vấn đề vẫn là cái suy nghĩ ban đầu - họ là con người và con người sáng tạo như thế nào, sau đó thì hình thức nào cũng được. Nghệ sĩ có thể thể hiện mình bằng một đồ gốm có công năng, hoàn toàn có thể, không cần né tránh.

Để đi đến cái đó và hiện thực hóa nó là chặng đường dài nhận thức nghệ thuật của hai người ở xấp xỉ thất tuần, mỗi người có đến gần 40-50 năm lăn lộn trong nghề, kinh qua thời gian phục chế gốm truyền thống để nắm được các kỹ thuật của nghề đất lửa và bàn tay. Nghề này liên tục đổi mới và thất truyền, người sau học mót của người trước, và rất nhiều kỹ xảo đất, men, nhiệt đã chết cũng với những bàn tay tài ba nhất. Hai ông cuối cùng cũng tổng kết được cho mình những kỹ thuật truyền thống từ gốm sành dân dã, gốm men ngọc và hoa nâu Lý Trần, gốm men lam và gồm kiến trúc, để tích hợp những kỹ năng riêng, trước tiên được nhận biết như phong cách cá nhân.

Trên thế giới, gốm sứ là ngành design gắn liền với sản xuất hàng loạt cho tiêu dùng và hình thành các phong cách design cá nhân, nó có tiêu chí với người thợ hay nghệ sĩ gốm. Các vấn đề kỹ thuật ngành nghề được tiêu chuẩn hóa ở mức độ quốc tế về lò nung, điều chỉnh nhiệt, các bài men, kỹ năng tạo hình tay và bàn xoay. Ở các mức độ đó, thì Trọng Đoan và Bảo Toàn có thể đồng hành với đồng nghiệp thế giới, ngay cả với nghề gốm sứ Trung Hoa. Tuy vậy thì mỗi trung tâm gốm thế giới đều giữ những bí quyết riêng của dân gian hay của nghệ sĩ, mà từ đó hình thành các sản phẩm độc đáo. Con đường: Tạo hình - Trang trí - Đồ dùng chạy đi chạy lại trong cáí khoa gốm này, và người ta không nhất thiết phân biệt bằng được giữa công năng và tạo hình, có nhiều bộ bát đĩa độc bản, ăn uống xong người ta treo lên ngắm như treo tranh. Một cái đĩa đựng xúp cũng có thể đẹp như một bức họa. Vấn đề cũng nằm ở chỗ ai là tác giả design ra nó. Rất nhiều nghệ sĩ ghé vào làm gốm theo cách nghiệp dư, nhưng bản thân họ đã là một nghệ sĩ chuyên nghiệp, thì sản phẩm gốm kia cũng đầy giá trị, như Picasso chẳng hạn.

Hai cái nhìn thế giới và đồ vật - 1

Trọng Đoan thoạt tiên theo đuổi thứ gốm tinh nhã, như kiểu gốm men ngọc thời Lý, nhưng ông không dùng chất liệu men ngọc, mà làm một thứ gốm sành dân gian, kết hợp với gốm trắng. Các đồ vật của ông đều cân đối, có sức nặng, có sự tương phản và tương đồng về mầu sắc, như một bình gốm nửa đen nửa trắng. Sự cân đối quán triệt đến cả những tạo hình con vật và đèn vườn, mặc dù các đèn vườn ông làm ra có vẻ đơn giản như cách cắt giấy ghép lại. Tác phẩm nào của ông cũng là mong muốn hoàn thiện, chứa đựng một suy tư thầm lặng, vô hình chứa đựng bên trong cái hữu hình, chính vì thế mà con đường củaông chậm chạp, có vẻ như không có gì thay đổi theo thời gian, dùông làm rất nhiều hình thức.

Bảo Toàn dường như là ngược lại, thậm chí là rất sợ sự tinh khéo, cân đối, ông phải làm ra bằng được cái vụng về, thô phác, méo mó, không cân bằng, cũng như không nhất thiết thể hiện tinh thần, mà chú ý đến cái hồn tự thân của vật chất. Ông chú ý đến cái chất của đồ gốm, chất thô, chất mịn, chất khéo, chất vụng, chất đất, chất men, chất bóng, chất nháp... cứ thế chuyển dần qua từng đợt sáng tác. Bảo Toàn nhặt nhạnh các tư chất này từ đời sống lang thang, giang hồ, rất nhiều cái thuộc về đời sống và con người, nhưng hay bị coi thường, bỏ đi, ông nâng cái tầm thường lên thành cái cao quý. Và cuối cùng cũng không theo đuổi sự tạo hình bằng đồ gốm, một thứ làm ông rất băn khoăn, khi chợt nhận ra cái quang gánh, cái giá bếp cũng có thể đẹp như một bức tượng.

Có thể nói hai ông đã cống hiến một cách khác cho nền mỹ thuật Việt Nam Hiện đại và Đương đại, họ có thể đơn giản đi lại giữa điêu khắc và tạo hình đồ vật, rồi bất ngờ trình bầy nó như một loại sắp đặt (Installation). Hai ông sống như hai người ngoài rìa, có vẻ không quan tâm đến đời thường, thành quả, được mất, nhưng thực chất là hai con người đầy thế sự, rất biết về mình đang ở đâu, đang làm gì, chỉ là đứng ra ngoài sự nhiễu loạn rất dễ làm tổn thương nhân cách.

Nhà nghiên cứu văn hóa Phan Cẩm Thượng