Sán lợn và thói quen ăn uống

Đức Trân 17/04/2019 16:02

Hàng nghìn gia đình đưa con đi xét nghiệm tại các cơ sở y tế, hàng trăm trẻ được xét nghiệm có kết quả dương tính với sán lợn – đó là vụ việc gây chấn động dư luận vừa xảy ra tại huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh sau khi các phụ huynh phát hiện thịt lợn cho trẻ ăn tại trường mầm non nổi đầy hạch trắng, có dấu hiệu của thịt lợn gạo ẩn chứa ấu trùng sán lợn. Tuy vậy, liệu chỉ có ở huyện Thuận Thành – tỉnh Bắc Ninh mới có nhiều trường hợp trẻ nhiễm sán lợn đến thế?

Sán lợn và thói quen ăn uống

Thói quen ăn đồ sống là mầm mống để bệnh sán phát triển.

Sán lợn– nơi nào cũng có

Theo Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế, sán lợn (sán dây lợn) là một bệnh gặp chủ yếu ở các nước đang phát triển ở châu Á (trong đó có nước ta), châu Mỹ La tinh. Ở Việt Nam, bệnh xuất hiện ở tất cả các vùng miền, các tỉnh thành.Theosố liệu báo cáo của các cơ sở điều trị đến nay,có ít nhất 55tỉnh, thành cótrường hợpbệnh sán dây, ấu trùng sán lợn.Lợn gạo là một bệnh nằm trong hệ thống các bệnh ký sinh trùng lây truyền giữa động vật và người, trong đó, lợn mang ấu trùng sán lợn đóng vai trò là vật chủ trung gian truyền bệnh.

Những ngày vừa qua, rất nhiều gia đình vô cùng hoang mang, lo lắng và dồn dập đưa con đi khám, xét nghiệm sán lợn tại hai viện lớn tại Hà Nội - Bệnh viện Nhiệt đới TƯ và Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng TƯ. Trước tình hình đó, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm Nguyễn Thanh Phong khẳng định, không chỉ các cháu nhỏ mà cả người lớn cũng có thể mắc. Và không chỉ ở Bắc Ninh mà qua điều tra dịch tễ học nước ta, nhiều tỉnh thành cũng ghi nhận có sán, giun hay các loại ký sinh trùng đường ruột. Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới WHO cho biết ở nhiều nước trên thế giới cũng có trường hợp nhiễm các loại ký sinh trùng đường ruột – trong đó có sán.

Bệnh sán lợn có thể đến từ rất nhiều nguồn lây truyền khác nhau. Sán dây lợn gây bệnh lợn gạo, con người ăn phải trứng hoặc ấu trùng sán lợn sẽ mắc bệnh và có thể gây biến chứng nguy hiểm. Người mắc bệnh sán lợn do 2 nguyên nhân chính: hoặc là ăn phải trứng của sán dây lợn từ phân người bị mắc sán lợn, đốt sán rụng theo phân và giải phóng ra môi trường, đốt sán rụng theo phân – côn trùng tha phân đi và dính vào rau củ quả. Do đó, rau củ quả cũng có thể chứa trứng sán. Nếu rau đó không đươc rửa sạch, chế biến kỹ càng trước khi ăn thì trứng sán sẽ vào bao tử, vào ruột thành ấu trùng, đi khắp cơ thể. Ăn rau sống sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trứng sán cao hơn cả. Có thể thấy, người dân thường có thói quen ăn uống với các loại rau, củ quả sống để tăng thêm gia vị và độ tươi ngon cho bữa ăn, tuy nhiên, thói quen này lại ẩn chứa nhiều nguy cơ lây nhiều bệnh khác nhau, trong đó có bệnh ấu trùng sán lợn.

Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ thông tin ngày 21/3: Bệnh nhân Hà Đăng N. (40 tuổi, xã Xuân Đài, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ) xuất hiện đau đầu từ nhẹ đến nặng, dùng thuốc giảm đau nhưng không đỡ. Trước nhập viện 1 ngày, bệnh nhân đau đầu nhiều, buồn nôn, kèm theo sốt tăng dần, tê yếu 1/2 người phải, tri giác chậm, giảm dần mới được gia đình đưa đến Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ điều trị.Qua quá tình khám bệnh, được biết, ông N. có thói quen hay ăn tiết canh, thịt chua, nem chạo, rau sống. Nghi ngờ bệnh nhân có thể bị sán làm tổ trong não, các bác sĩ chỉ định cho bệnh nhân chụp CT sọ não. Kết quả phát hiện một ổ sán não khổng lồ ở bán cầu trái và vùng thái dương đỉnh phải của bệnh nhân, gây ra tình trạng phù não đè đẩy đường giữa. Bệnh nhân được chỉ định can thiệp ngoại khoa cấp cứu ngay trong đêm. Cuộc phẫu thuật kéo dài khoảng 2 giờ, ổ sán trong não đã được kíp phẫu thuật sử dụng các trang thiết bị hiện đại như kính hiển vi phẫu thuật, máy hút siêu âm cùng với kinh nghiệm chuyên môn đã lấy được trọn vẹn cả ổ nang sán.

Thực tế, trên thế giới cũng có rất nhiều trường hợp nhiễm sán do thói quen ăn uống. Vào tháng 3 năm ngoái, Bệnh viện Trường Đại học Y Quý Châu (Trung Quốc) đã vô cùng bất ngờ khi phát hiện 30 quả trứng sán dây "nở" bên trong não một người đàn ông trung niên họ Wu nhập viện do đau đầu và buồn nôn trong suốt nửa năm. Ông Wu kể với các bác sĩ rằng bản thân ông từng ăn thịt sống, sau đó ông thấy xuất hiện các triệu chứng đau đầu, nôn mửa và co giật. Chụp cộng hưởng từ (MRI) não ông Wu cho kết quả có hàng chục trứng sán dây, chúng đã khiến ông này bị não úng thủy. Bệnh viện đã tiến hành phẫu thuật mở sọ cho ông Wu và loại bỏ số trứng cùng sán dây khỏi não của bệnh nhân 46 tuổi này. Những con ấu trùng vẫn còn động đậy bên trong quả trứng, vì vậy, khi phẫu thuật các bác sĩ đã vô cùng cẩn trọng để không khiến trứng vỡ. Sau cuộc phẫu thuật, ông Wu còn trải qua nhiều cuộc điều trị khác để loại bỏ hoàn toàn sán dây, bởi nếu vẫn còn sót lại, chúng có thể gây tổn thương mô não của ông.

Phát hiện trẻ mắc sán - Không nên quá lo lắng

Nhiều gia đình sau khi phát hiện trẻ dương tính với sán đều có chung tâm trọng là nôn nóng, sốt ruột, sợ rằng không biết ấu trùng sán lợn có gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ của trẻ không và dù có dùng thuốc thì không biết rằng có thể chữa khỏi bệnh hoàn toàn hay không? Thậm chí nhiều phụ huynh còn có suy nghĩ liệu rằng khi điều trị xong thì trứng sán có còn sót lại trong cơ thể trẻ hay không?

Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Bệnh viện Nhi đồng 1 – TP HCM cho rằng, việc phụ huynh đổ xô đưa con đi xét nghiệm sán lợn là không cần thiết vì không thể xác định chính xác trẻ đang nhiễm loại sán nào, không những tốn tiền mà còn khiến tâm lý hoang mang và lo lắng lan rộng. Phụ huynh không nên lo lắng thái quá khi con em có kết quả xét nghiệm dương tính. Nếu trẻ đã từng nhiễm loại sán này, nay đã hết hoặc đang nhiễm cũng đều cho kết quả dương tính. Hầu hết các loại sán đều có thể được điều trị bằng cách đơn giản là uống thuốc xổ giun. Y văn thế giới cũng như hướng dẫn y khoa chính thống đều khuyến cáo không nên dùng xét nghiệm Elisa để chẩn đoán người đó có nhiễm sán hay không. Xét nghiệm này vẫn cho kết quả dương tính khi họ đã từng bị nhiễm sán nay đã hết, hay nhiễm con sán này lại xét nghiệm ra con sán khác, hoặc chỉ nhiễm loại sán thông thường. Xét nghiệm này đòi hỏi lý luận lâm sàng kết hợp với các xét nghiệm chuyên sâu khác mới có thể khẳng định chính xác. Do đó, không có triệu chứng gì thì không cần đi xét nghiệm. Thông thường, chỉ nên chỉ định xét nghiệm khi có triệu chứng lâm sàng.

BS Khanh cho biết: "Tất cả sán khi xâm nhập cơ thể đòi hỏi phải có thời gian ủ bệnh, xâm nhập vào máu theo chu trình, kích thích cơ thể tạo ra kháng thể chứ không thể ăn hôm nay thì ngày mai có kháng thể liền, có loại mấy tháng sau mới có kháng thể. Do đó, xét nghiệm có âm tính cũng không thể chắc chắn trẻ chưa bị nhiễm sán".

Giun sán có rất nhiều trong môi trường sống... Mặt khác, không phải sán lợn mới lên não, mắt, da... mà rất nhiều loại sán khác cũng tương tự. Đặc biệt, sán chó, sán mèo, các loại giun nằm trong ốc sên vẫn có thể đi lạc lên cơ quan đầu não như viêm màng não, liệt tay chân, thị lực kém, nhiều nhất vẫn là nhóm ăn ốc sên. Việc sán lợn đi lạc vào cơ thể hoàn toàn phụ thuộc khi chúng ta ăn đồ sống tái, ăn rau có chứa ký sinh trùng, vệ sinh không sạch.... Tuy nhiên, đi xét nghiệm dù dương tính đi nữa vẫn có nhiều khả năng bị nhiễm những giun sán thông thường, chưa hẳn là sán lợn.

Thông thường, bệnh nhân có dấu hiệu ký sinh trùng xuất hiện ở da như nổi sần, hôn mê, co giật, yếu liệt chi... được BS nghi ngờ do ký sinh trùng hoặc những bệnh lý liên quan khác đều cho xét nghiệm. Trường hợp kết quả xét nghiệm dương tính thì cũng không có giá trị, bởi mục tiêu xét nghiệm để điều trị là không có. Việc trẻ vừa ăn mà phát hiện bị nhiễm giun sán là hoàn toàn không có khả năng xảy ra, vì trẻ có thể bị nhiễm giun sán trước đó và từ nhiều nguồn khác nhau như từ việc trẻ thường xuyên tiếp xúc với chó, mèo, ăn rau sống, ăn tái, hoặc vệ sinh không được sạch sẽ... Để phòng giun sán nói chung, không riêng gì sán lợn, cần ăn sạch, uống sạch, ăn chín uống sôi, xổ giun định kỳ, bỏ thói quen ăn đồ tái sống, ăn rau không sạch, thực phẩm không an toàn. Do đó, hiện tại, một số nhà trẻ, trường mẫu giáo đã cho trẻ xổ giun định kỳ mỗi năm 2 lần. Chú ý các dấu hiệu của trẻ khi nhiễm sán lợn thường là đi ngoài ra sán, nếu bị nhiễm sán lâu trẻ có thể bị sụt cân, suy dinh dưỡng, trường hợp đặc biệt sán chui lên não có thể gây co giật, hôn mê. Nếu nghi ngờ trẻ nhiễm sán thì chỉ cần cho uống thuốc xổ giun. Nếu trẻ có các dấu hiệu như mắt không thấy đường, co giật, yếu chân thì dù trẻ có bị nhiễm sán hay không cũng phải đưa trẻ đi khám, bác sĩ sẽ làm chẩn đoán hình ảnh mới biết được đó là do nguyên nhân gì. Các triệu chứng này chưa chắc đã do sán gây nên mà có thể do các bệnh u não, động kinh, lao màng não.

Đức Trân