Hiệu quả từ việc nuôi cá lồng
Thời gian qua, nhiều hộ nông dân đã tổ chức nuôi cá lồng (hoặc bè), thu được lợi nhuận kinh tế cao. Kể cả ở những tỉnh miền núi, thì việc nuôi cá lồng cũng được triển khai, giúp nhiều hộ nông dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Thu hoạch cá lồng.
Tại huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai, gần đây đã xuất hiện ngày một nhiều hơn hộ nông dân nuôi cá lồng. Ở một số nơi, việc nuôi cá lồng còn được tập hợp trong các hợp tác xã, càng thu được kết quả cao hơn.
Tới nay, sau hơn 1 năm đầu tư nuôi cá diêu hồng, Hợp tác xã dịch vụ nuôi trồng thủy sản xã Ia Tô (huyện Ia Grai) đã thu về hơn 1 tỷ đồng. Nói như bà con ở đây, bỏ tiền vào nuôi cá nước ngọt trong lồng tại các ao hồ, sông suối đã đem lại kết quả lớn so với cách thả nuôi tự nhiên, hoặc là bắt cá tự nhiên như trước.
Cá diêu hồng là loài rất dễ thả nuôi, dễ chế biến các món ăn nên được thị trường ưa chuộng. Nhưng việc tìm đầu ra cho con cá không phải lúc nào cũng thuận lợi. Cuối cùng thì bà con xã Ia Tô cũng tìm ra cách, đó là việc 6 hộ dân trong xã liên kết thành lập hợp tác xã dịch vụ nuôi trồng thủy sản. Những lồng cá diêu hồng được đặt tại lòng hồ thủy điện Ia Grai 1. Bà con đã thả 30 lồng cá, trong diện tích mặt nước khoảng 1000 mét vuông. Sau 6 tháng nuôi, số cá đều phát triển rất tốt, trọng lượng trung bình khi xuất bán đạt 0,7 kg/con. Thành công đầu tiên đến vào tháng 6/2018 với việc hợp tác xã xuất bán 15 tấn cá, giá trung bình 39.000 đồng/kg, hợp tác xã, thu về gần 600 triệu đồng. Tiếp đó, vụ cá thứ hai cũng thành công. Cộng gộp cả hai vụ, bà con thu về hơn 1 tỷ đồng. Sắp tới, hợp tác xã sẽ thu hoạch vụ thứ ba, dự báo cũng rất thành công. Nói như các thành viên của hợp tác xã thì dù cho giá cá diêu hồng có thể giảm chút ít nhưng sẽ vẫn có lời khá. Đây vẫn là sự lựa chọn tốt khi mà vốn đầu tư được thu hồi nhanh, lãi hơn nhiều so với nuôi gia súc, gia cầm hoặc trồng cà phê, hồ tiêu.
Trên thực tế, thành công của hợp tác xã nuôi cá lồng ở Gia Lai cũng không phải là hiện tượng đơn lẻ. Hiện địa phương cũng đã tổ chức cho bà con nuôi cá lồng trong hồ ao, các dòng sông, dòng suối, hoặc khu vực chứa nước hồ thủy điện. Các loại cá được thả nuôi cũng phong phú, ngoài diêu hồng còn có cá trắm cỏ, trê lai, chép... Ở Gia Lai, không chỉ có hợp tác xã Ia Tô nuôi cá diêu hồng trong lồng ở hồ thủy điện Ia Grai 1, mà tại hồ Ia Châm, hồ Ia Blan, suối Lệ Kim, suối Đá... bà con cũng nuôi cá lồng. Không những thế, bà con cũng đã tính đến việc nuôi cá lồng trong ao hồ kết hợp với phát triển du lịch sinh thái.
Tại Sa Pa (Lào Cai), tới nay việc nuôi cá tầm trong các lòng suối thu được giá trị thương phẩm cao không còn độc quyền của một vài doanh nghiệp có vốn lớn, mà một số hộ dân cũng đã đầu tư nuôi loại cá này. Hay tại huyện miền núi Bắc Giang, người dân cũng làm lồng nuôi cá trong hồ. Tương tự, tại một số địa phương vùng sâu, vùng xa Tây Nam Bộ, bà con cũng đã liên kết nuôi cá lồng trong kênh rạch hoặc một số đoạn sông thuận lợi.
Kinh nghiệm rút ra là, việc nuôi cá lồng trước hết phải nắm vững kỹ thuật nuôi thả, chăm sóc cá, kể cả đề phòng bệnh cho cá. Tiếp đến là cần có nguồn vốn đầu tư, thông thường là chưa tính lãi trong vòng 1 năm, để sau 2 vụ thu hoạch sẽ có tiền đầu tư tiếp.
Nhưng quan trọng nhất chính là việc các hộ nuôi cá lồng tự nguyện liên kết thành lập tổ hợp tác, hoặc cao hơn là hợp tác xã để có thể tận dụng được nguồn vốn, kĩ thuật nuôi thả, và nhất là đầu ra cho con cá. Sự liên kết ấy sẽ tránh được tính may rủi trong chăn nuôi cũng như không bị ứ đọng sản phẩm.