Đẩy mạnh tiến độ cải cách doanh nghiệp nhà nước

H.H. 18/04/2019 08:00

Được ưu đãi nhiều, giao trọng trách lớn nhưng vai trò của khối doanh nghiệp nhà nước (DNNN) chưa phát huy được hết. Cải cách DNNN mạnh hơn, thực chất hơn là yêu cầu được đặt ra trong bối cảnh hội nhập và trong kỷ nguyên số 4.0.

Hiệu quả hoạt động của DNNN so với doanh nghiệp (DN) thuộc các thành phần kinh tế khác vẫn luôn luôn là một chủ đề được dư luận trong nước và quốc tế quan tâm. Các DN 100% vốn nhà nước đang được giao quản lý và sử dụng một khối lượng tài sản rất lớn nhưng hiệu quả sản xuất kinh doanh và đóng góp của một số DNNN còn thấp, chưa tương xứng với nguồn lực Nhà nước đầu tư, một số dự án của DNNN còn thua lỗ, thất thoát vốn lớn.

Trong khi đó công cuộc cải cách DNNN, nhất là cơ cấu lại, cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước triển khai còn chậm. Quá trình cổ phần hóa DNNN còn nhiều hạn chế, tiêu cực và có một số khó khăn, vướng mắc, thể chế chậm được giải quyết, nhất là thể chế định giá đất đai, tài sản.

Thống kê cho biết từ chỗ cả nước có 12.000 DNNN vào đầu những năm 1990, đến nay chỉ còn khoảng 500 DNNN (100% vốn nhà nước). Dự kiến năm 2020, cả nước còn khoảng 100 DNNN. Giai đoạn 2016-2020, đã phê duyệt phương án cổ phần hoá 136 DNNN. Tuy nhiên, kết quả cổ phần hóa chưa đạt yêu cầu. Nhiều chuyên gia đã từng nêu, từ trước tới nay chúng ta quản lý DNNN theo kiểu tăng cường thanh tra, kiểm tra… như vậy vô tình chúng ta khoác cho DNNN cái áo chật chội mà không nói đến cái gốc của tái cơ cấu, đổi mới DNNN là quản trị tốt. Đây mới là mấu chốt để góp phần cải thiện vấn đề tái cơ cấu, đổi mới DNNN.

Do vậy cần phải đặt DNNN vào điều kiện thị trường, buộc phải cạnh tranh trên thị trường thì mới phát triển được. DNNN phải tăng cường tính công khai minh bạch, đăng ký trên thị trường chứng khoán mới đo được hiệu quả.

Ông Nguyễn Văn Khách - Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng, phải thúc đẩy sự thay đổi trong quản trị. Thực hiện việc tách biệt chức năng chủ sở hữu nhà nước với chức năng quản lý nhà nước, hình thành tổ chức chuyên trách thực hiện quyền và nghĩa vụ chủ sở hữu vốn nhà nước đầu tư (Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN đã được thành lập) thay mặt Chính phủ thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu vốn nhà nước tại các tập đoàn kinh tế nhà nước, các Tổng công ty và các DNNN quy mô lớn quan trọng. Xây dựng hệ thống quản trị DNNN tiệm cận thông lệ quốc tế, cụ thể là các nguyên tắc quản trị DN hiện đại của OECD, từng bước áp dụng cho các DNNN đã cổ phần hóa, DNNN nói chung; các bộ, ngành cần khẩn trương chuyển giao các tập đoàn, Tổng công ty nhà nước về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN.

Giới chuyên gia cho rằng, Nhà nước cần xây dựng và công khai chiến lược, chính sách đầu tư tại các DNNN. Minh bạch hóa thông tin hàng năm về đầu tư vốn nhà nước tại các DN, công khai danh sách và số lượng DN có vốn nhà nước; mức độ đầu tư, hiệu quả đầu tư; hiệu quả kinh doanh của các DNNN... Thể chế hóa công tác giám sát, đánh giá DNNN bằng quy định pháp luật. Hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả thực hiện chức năng chủ sở hữu nhà nước, các tiêu chí giám sát, đánh giá hiệu quả vốn đầu tư nhà nước cả về định tính và định lượng, các tiêu chí đánh giá, giám sát rủi ro tài chính và quản trị DNNN theo cấp độ công ty mẹ và cả tập đoàn.

H.H.