Nguyễn Thái Bình - Tấm gương sáng của tuổi trẻ Việt Nam
Nhiều người, nhất là anh chị em học sinh, sinh viên và trí thức ở độ tuổi “thất thập cổ lai hy” chắc còn nhớ một sự kiện rất quan trọng diễn ra vào ngày 2/7/1972 mà báo chí nước ta cũng như thế giới đã dành cả tuần, thậm chí cả tháng đưa tin, bình luận, lên án. Và sinh viên, trí thức cả ở miền Bắc lẫn miền Nam cũng như ở Mỹ liên tục xuống đường biểu tình phản đối. Đó là cái chết của Nguyễn Thái Bình tại sân bay Tân Sơn Nhất.
Tượng Anh hùng Nguyễn Thái Bình tại quê nhà Cần Giuộc, Long An.
Nguyễn Thái Bình sinh ngày 14/1/1948 tại xã Trường Bình, nay thuộc thị trấn Cần Giuộc tỉnh Long An trong một gia đình nông dân đông con. Học xong tiểu học ở Cần Giuộc, anh theo cha lên Sài Gòn tiếp tục học trường Pétrus Ký, nay là trường trung học Lê Hồng Phong. Thương cha làm thư ký đánh máy cho công ty thương cảng Sài Gòn lương thấp không thể nuôi sống 12 đứa con, ngoài việc học, Bình làm nghề nhặt banh cho Hội Quần vợt Sài Gòn để kiếm tiền phụ giúp cha.
Bình là một học sinh ngoan, chăm học, học giỏi, sẵn sàng giúp đỡ bạn bè và tích cực tham gia các hoạt động xã hội song chưa bao giờ tham gia biểu tình phản đối chiến tranh như nhiều học sinh khác.
Sau khi đỗ tú tài toàn phần (1966), anh cùng lúc trúng tuyển vào các trường Y, Dược, Nông - Lâm - Súc, Học viện Hành chính Quốc gia. Anh quyết định đầu quân vào trường Nông – Lâm – Súc. Tháng 3/1968 anh được cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) cấp học bổng Leadership sang Mỹ du học. Lúc đầu, anh theo học tại Đại học Cộng đồng ở Pressno California, học giỏi nên mùa hè năm 1969 được trường cho đi thăm hầu hết các tiểu bang của Hoa Kỳ. Qua chuyến đi đó, anh lần đầu thấy được mặt trái của xã hội Mỹ trong lúc Tổng thống Nixon đang thực hiện chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh.
Một năm sau anh trúng tuyển vào Đại học Washington, trở thành sinh viên Việt Nam duy nhất của trường theo học ngành ngư nghiệp và công nghiệp thực phẩm.
Tháng 4/1970 hay tin chính quyền Lon Non tàn sát Việt kiều ở Campuchia, anh hết sức căm phẫn, lần đầu tiên tham gia mít tinh và phát biểu ý kiến phản đối hành động man rợ của bọn sát nhân.
Hè năm 1970, Bình về thăm gia đình và quê hương gần hai tháng. Với chiến Honda 67 anh chu du khắp miền Nam. Anh xuống miền Tây rồi ngược lên miền Trung và đã tận mắt chứng kiến những tàn khốc của chiến tranh do bom đạn Mỹ gây ra. Trong dịp này, một người Mỹ biết Bình học giỏi đã gợi ý anh ký hợp đồng với điều kiện sau khi tốt nghiệp sẽ làm việc cho một công ty Mỹ với lương cao và nhiều ưu đãi như được cấp nhà riêng, xe ôtô và chia lợi tức. Anh đã từ chối với lý do học để phục vụ đất nước và góp phần cải thiện cuộc sống cho đồng bào mình.
Trở lại Mỹ, anh tích cực liên hệ với các tổ chức chống chiến tranh Việt Nam của Việt kiều cũng như của nhân dân Mỹ, tham gia các cuộc biểu tình, mít tinh, diễn thuyết, hội thảo ở nhiều nơi để tố cáo tội ác của đế quốc Mỹ xâm lược và nói lên nguyện vọng hòa bình của nhân dân Việt Nam. Anh còn là một sáng lập viên của tờ Thời báo Gà – cơ quan ngôn luận của Trung tâm Tài liệu Việt Nam – một tổ chức phản chiến của Việt kiều tại Mỹ. Nhiều bài viết chính trị, nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật, thơ ca, nhạc họa của anh được đăng tải trên các báo, tập san chống chiến tranh ở Mỹ và của các Hội Việt kiều ở Pháp, Canada… Anh tiếp xúc với các đoàn thể, với nhiều nhân vật người Mỹ chống chiến tranh Việt Nam, trong đó có ngôi sao điện ảnh nổi tiếng Jana Fonda.
Ngày 10/2/1972 Nguyễn Thái Bình cùng 9 sinh viên Việt Nam chiếm văn phòng Tổng lãnh sự của chính quyền Sài Gòn ở số 886 Quảng trường Liên Hiệp Quốc tại New York và phát đi những bản tuyên bố tố cáo tội ác của bọn xâm lược Mỹ tại Việt Nam, đòi trả tự do cho hơn 200 nghìn tù chính trị tại miền Nam Việt Nam, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu phải từ chức và thành lập chính phủ liên hiệp thông qua bầu cử thực sự dân chủ. Cảnh sát Mỹ đã bắt giam Bình và các bạn anh, song theo công pháp quốc tế, họ buộc phải miễn tố. Tháng 3/1972 Bình bị cắt học bổng.
Mặc dù bận rộn tham gia hoặc trực tiếp tổ chức các chiến dịch phản chiến tại Mỹ, Nguyễn Thái Bình học vẫn giỏi. Ngày 10/5/1972 anh được công nhận hạng danh dự ở trường Đại học Washington. Trong lễ trao học vị lần thứ 97 của trường, anh đã phân phát truyền đơn và phát biểu một bài có tựa đề “Nợ máu chống chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam” và viết trên lưng áo của mình dòng chữ: “Việc Mỹ ở Việt Nam là vô đạo lý” làm gián đoạn buổi lễ.
Ngày 1/6/1972, Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) gửi thư báo cho Bình biết chính quyền Sài Gòn đã yêu cầu Chính phủ Mỹ cắt chương trình đào tạo của anh kể từ ngày 1/6/1972 và đã chuẩn bị sẵn vé máy bay để đưa anh trở về Sài Gòn.
Cảm nhận rõ âm mưu của kẻ thù, trước khi về nước, Bình đã bàn bạc với bạn bè đồng đội và viết hai bức thư ngỏ. Một “Gửi những người yêu hòa bình và công lý trên thế giới và một “Gửi Tổng thống Mỹ Nixon” chỉ trích những hành động tội ác chống lại nhân dân Việt Nam của đế quốc Mỹ. Trong bức thư này có đoạn: “Để đảm bảo Việt Nam chống lại sự xâm lược của Mỹ, chống lại cuồng vong man rợ của kẻ cầm đầu một nước mạnh nhất thế giới, cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam sẽ đầy khó khăn, gian khổ… Trái bom duy nhất của tôi là trái tim người, nó có thể nổ tung để đòi tình yêu thương, lòng trung thực và niềm hy vọng, nó có thể thức tỉnh lương tri của những kẻ thù của nhân dân Việt Nam. Nếu tôi không thành công thì hàng triệu người Việt Nam sẽ thay tôi chiến đấu cho tới khi cuộc chiến tranh kết thúc”.
Ngày 1/7/1972 Nguyễn Thái Bình lên đường về Tổ quốc. Theo báo cáo của bộ phận an ninh sân bay Tân Sơn Nhất thời đó, trên chuyến bay, Bình đã khống chế, ra lệnh chiếc Boing 747 của hãng Pan American Word Airways do cơ trưởng Gene Vaughn điều khiển chuyển hướng tới Hà Nội. Nguyễn Thái Bình ngồi ở số ghế 495 yêu cầu hành khách ngồi xung quanh lên phía trước và không cho họ dùng phòng vệ sinh.
Thực ra Nguyễn Thái Bình không có bom và hơi ngạt mà chỉ có một bọc ni lông và một con dao nhỏ, các tờ giấy nói trên chỉ có mục đích dọa phi hành đoàn. Trong khi tổ lái vẫn điều khiển máy bay đáp xuống Sài Gòn, tên Vaughn đến gặp và nói chuyện với Bình để đánh lạc hướng anh, khẩu súng ngắn Smith and Wesson 357 Magnum được chuyển cho Mills -một cảnh sát tại bang California Mỹ sang Việt Nam để làm việc cho hãng Fedéral Electric Corporation - rồi Vaughn cùng hai hành khách khống chế Nguyễn Thái Bình để tên cảnh sát Mills hạ sát bằng 5 phát đạn bắn vào lưng và vứt xác anh xuống đường băng qua cầu phao cấp cứu.
Sự trả thù hèn hạ của Mỹ đối với người thanh niên trí thức Việt Nam yêu nước đã gây nên sự xúc động và phẫn nộ của nhân dân cả nước, kiều bào ở nước ngoài và bạn bè trên thế giới.
Hay tin Thái Bình bị sát hại, các bạn của anh tại Đại học Washington đã tổ chức tưởng niệm anh; nhiều tổ chức sinh viên Việt kiều ở các nước tổ chức truy điệu. Hội Sinh viên Việt Nam tại Mỹ đã họp báo tại San Francisco công bố hai bức thư ngỏ của Anh gửi Tổng thống Mỹ và nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới.
Dưới áp lực của nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới, đặc biệt là phong trào phản chiến của nhân dân Mỹ, Nguyễn Văn Thiệu buộc phải trả tự do cho gia đình anh.
***
Ngã xuống trên mảnh đất quê hương ở tuổi tràn đầy sức sống, Nguyễn Thái Bình đã nêu một tấm gương sáng về tinh thần yêu nước và khí phách anh hùng của thế hệ trẻ Việt Nam ở thời đại Hồ Chí Minh. Ghi nhận công lao to lớn mà anh đã đóng góp vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ngày 30/4/2010 Chủ tịch nước truy tặng liệt sĩ Nguyễn Thanh Bình danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân. Tại thành phố Hồ Chí Minh nơi anh đã hy sinh có đường phố và nhiều trường học mang tên anh.