Sách quan trọng để dân tộc có thể đi lên
“Dù hình thức có những thay đổi nhưng đọc và sách sẽ vẫn là điều vô cùng quan trọng để đất nước, dân tộc có thể đi lên” - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cùng các đại biểu dự Hội nghị.
Ngày 18/4, tại Hà Nội, Bộ TTTT đã tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết 5 năm thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Sách Việt Nam.
Đến dự buổi lễ có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam… cùng đại diện các bộ, ban, ngành trung ương và nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.
Dành thời gian để đọc sách
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh với sự chung tay của các bộ ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, các nhà xuất bản cùng đông đảo những người có tấm lòng, văn hóa đọc đã được khôi phục lại và có bước phát triển đáng mừng.
Phó Thủ tướng cũng chia sẻ câu chuyện một lần đem bìa các tông cho một chị thu gom đồng nát, thấy chị có một gói được bọc rất cẩn thận, Phó Thủ tướng mới hỏi chị đây là gói gì? Chị trả lời là gói sách. Hỏi thêm chuyện, chị cho biết, mỗi khi nhận được những quyển sách cũ chị đều gói cẩn thận để mang về cho con hoặc cho các cháu hàng xóm ở quê.
Nhấn mạnh “có rất nhiều những tấm gương cao đẹp như thế”, Phó Thủ tướng bày tỏ sự trân trọng và cảm ơn các cá nhân, doanh nghiệp, nhà xuất bản đã dành tài chính và tấm lòng của mình để đưa sách và tri thức đến với người dân ở những vùng khó khăn, nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo…
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị.
Ghi nhận những kết quả đã đạt được, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng bày tỏ mong muốn các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và cộng đồng nỗ lực hơn nữa để Ngày Sách Việt Nam và văn hóa đọc đi vào thực chất, lan tỏa đến mọi ngõ ngách, mọi cơ quan, mọi ngành, cấp, bởi đâu đó vẫn còn chưa tích cực, hình thức.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị phải đẩy mạnh hơn để phong trào tự học, đọc sách lan tỏa trong xã hội, trong giới trẻ, mà trước hết từ cán bộ, công chức trong bộ máy nhà nước. Có nhiều công việc có thể làm tốt hơn nếu công chức dành thời gian để đọc, chưa nói đến đọc sách mà là đọc các văn bản.
Giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành liên quan, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Bộ TTTT đơn vị được giao chủ trì triển khai Ngày Sách Việt Nam, bên cạnh việc tiếp tục làm theo kế hoạch cụ thể, bài bản để đưa Ngày Sách Việt Nam đến các bộ, ngành, vùng, miền, còn phải là đầu mối kiến nghị chính sách, cả chính sách kinh tế để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà xuất bản, cho việc đưa sách về mọi nơi. Bộ VHTTDL, cơ quan được giao phối hợp thực hiện Ngày Sách Việt Nam, đồng thời là đơn vị chủ trì đề án phát triển văn hóa đọc phải tiếp tục làm thật tốt việc này.
Toàn cảnh Hội nghị.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị các cơ quan liên quan cần tích cực lồng ghép hơn vào tất cả các phong trào, từ xây dựng gia đình văn hóa, phong trào khuyến học, khuyến công, khuyến nông… đều gắn với đọc. Phải làm sao tiếp tục tạo môi trường, điều kiện thuận lợi nhất, khuyến khích mọi người viết sách để có nhiều tác phẩm tốt, tác phẩm hay; tôn vinh nhiều tác giả, văn nghệ sĩ, tôn vinh những người đưa sách đến cộng đồng, đến với mọi người, mọi nhà. Đồng thời, phải phát huy tốt hơn vai trò của các hội, đặc biệt là Hội Xuất bản, Hội Khuyến học… trong xây dựng chính sách và cần tích cực tuyên truyền nhiều hơn về văn hóa đọc trong xu thế mới.
“Bây giờ nhiều người nói về công nghệ thông tin, cách mạng công nghiệp lần thứ tư nhưng loài người nói chung, dân tộc ta nói riêng muốn vươn lên thì nhất định phải nâng cao dân trí, tăng cường phổ biến tri thức, phải học nhiều hơn, đọc nhiều hơn... Dù hình thức có những thay đổi nhưng đọc và sách sẽ vẫn là điều vô cùng quan trọng để đất nước, dân tộc có thể đi lên” - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
Đọc sách, mắt như đèn muôn dặm
Cũng tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho biết cách đây khoảng 200 năm, Cao Bá Quát đã nói “đọc sách, mắt như đèn muôn dặm”. Nhưng qua 30 năm kinh tế thị trường, với nhịp sống nhanh hơn, vật chất nhiều hơn, tỷ lệ người đọc sách ngày một giảm đi. Theo một khảo sát quốc tế năm 2016, thì Việt Nam chúng ta chỉ có 30% người đọc sách thường xuyên, 26% không đọc sách và 44% thỉnh thoảng đọc sách.
Thời gian dành cho đọc sách hàng tuần, cao nhất là Ấn Độ với gần 11h, một số nước châu Á như Đài Loan là 5h, xếp thứ 27, Nhật Bản là 4h, xếp thứ 28, Hàn Quốc là 3h, xếp thứ 29. Việt Nam khoảng 1h.
Người Việt Nam chúng ta thụ hưởng 4,2 cuốn sách mới mỗi người, mỗi năm, nhưng trong đó 2,3 cuốn là sách giáo khoa. Như vậy, mỗi người mỗi năm chỉ thực sự thụ hưởng gần hai cuốn sách, và thuộc nhóm thấp trên thế giới. Malaysia, một nước gần chúng ta và trong khối ASEAN, là 12 cuốn sách mỗi người, mỗi năm, gấp 3 lần Việt Nam.
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các tập thể, cá nhân.
Cũng theo Bộ trưởng một số quốc gia có luật về khuyến đọc. Thí dụ như Nhật Bản có Luật “Chấn hưng văn hoá đọc” và Luật “Khuyến khích hoạt động đọc sách của trẻ em”. Trong luật “Chấn hưng văn hoá đọc” của Nhật Bản có ghi “Văn hoá đọc là thứ không thể thiếu trong việc kế thừa và nâng cao tri thức, trí tuệ được tích luỹ trong lịch sử lâu dài của nhân loại và trong việc giáo dục tính người”. Ở Việt Nam chúng ta, cách đây 5 năm, ngày 24/2/2014, TTg CP đã quyết định lấy ngày 21-4 hàng năm là Ngày sách Việt Nam, nhằm 3 mục tiêu gồm khuyến khích người Việt Nam đọc sách; tôn vinh giá trị của sách; nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội đối với việc xây dựng và phát triển văn hoá đọc Việt Nam.
“Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên của cuộc cách mạng số. Công nghệ đang thay đổi cách chúng ta sống và làm việc. Nhưng công nghệ ngày nay lại thay đổi nhanh và liên tục, gần như là từng ngày. Một cá nhân, hay một dân tộc, muốn tồn tại, thích ứng và phát triển thì chỉ còn cách duy nhất là liên tục học và học cả đời, liên tục đọc và đọc cả đời. Và do vậy, đây là một quyết định thể hiện sự quan tâm kịp thời và tầm nhìn của Đảng và Nhà nước ta nhằm chấn hưng văn hoá đọc Việt Nam. Có thể coi đây như là một tuyên bố ban đầu để tiến tới một chiến lược sách quốc gia hoặc một luật về khuyến đọc Việt Nam” - Bộ trưởng Bộ TTTT nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Hội nghị.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng chia sẻ 5 năm qua, chúng ta đã làm được nhiều việc. Số cuốn sách tăng 22%, số bản sách tăng 55%. Tuy chưa phải phổ cập, nhưng Ngày sách Việt Nam đã về được đến cấp huyện, xã; tủ sách đã về đến lớp học và hộ gia đình; giờ đọc sách đã vào đến lớp học; Tết đến mọi người đã lì xì, mừng tuổi bằng sách. TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã có đường sách. Nhiều địa phương đã tổ chức ngày hội sách. Hàng năm đã tổ chức Giải thưởng sách quốc gia. 10 nhà xuất bản đầu tiên đã chuẩn bị cho việc xuất bản điện tử.
5 năm tới, chúng phải làm rất nhiều việc nữa. Số cuốn sách tăng 50%, số bản sách tăng 100%. Nhiều cơ chế chính sách mới phải được ban hành để chấn hưng văn hoá đọc Việt Nam. Ngày sách, tủ sách, đường sách, hội chợ sách, giờ đọc sách sẽ được phổ cập rộng rãi. Giải thưởng sách Quốc gia sẽ được đổi mới, tổ chức với qui mô lớn hơn, thu hút sự quan tâm của xã hội, với giải thưởng lớn hơn. Hợp tác quốc tế về sách rộng rãi hơn.