Cơ sở nào giảm 10-15% đại biểu HĐND?

H.Vũ 18/04/2019 23:00

Chiều 18/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Qua thảo luận nhiều đại biểu đã bày tỏ quan điểm không đồng tình trước quy định mới của dự thảo luật khi giảm số phó chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, phó trưởng ban chuyên trách của HĐND cấp tỉnh từ 2 người xuống còn 1 người; tăng số phó chủ tịch UBND cấp xã loại II từ 1 người lên 2 người.

Cơ sở nào giảm 10-15% đại biểu HĐND?

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình phát biểu tại buổi thảo luận.

Cần giải trình rõ 4 vấn đề

Qua thẩm tra Dự thảo luật, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, giải trình rõ 4 vấn đề để xem nội dung nào cần đưa vào Luật sửa đổi lần này, nội dung nào cần cụ thể hóa trong các văn bản dưới luật, các chương trình, đề án khác.

Theo đó, thứ nhất, Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 56/2017/QH14 đã đề ra nhiệm vụ tiếp tục nghiên cứu, kiện toàn cơ cấu tổ chức của Chính phủ theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu xây dựng nền hành chính dân chủ, hiện đại, chuyên nghiệp, năng động. Trong đó, cần điều chỉnh hợp lý chức năng, nhiệm vụ, phạm vi quản lý ngành, lĩnh vực giữa các bộ, cơ quan ngang bộ; tiến hành rà soát, thực hiện cho tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đảm nhận; xã hội hóa dịch vụ công, đẩy mạnh việc giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập; thực hiện cải cách thủ tục hành chính, chính phủ điện tử, chính quyền điện tử, đổi mới phương thức làm việc, giảm hội họp, giảm giấy tờ hành chính.

Thứ hai, Ủy ban Pháp luật đề nghị làm rõ chức năng, nhiệm vụ, tính chất và yêu cầu hoạt động của các cơ quan thuộc Chính phủ phù hợp với đặc thù công việc để xác định mô hình tổ chức thích hợp, không áp dụng mô hình tổ chức như của các bộ theo đúng yêu cầu của Quốc hội được xác định trong Nghị quyết số 56/2017/QH14.

Thứ ba, theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định, về phân quyền, phân cấp giữa trung ương và địa phương, Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương mới chỉ quy định mang tính nguyên tắc về quan hệ giữa Chính phủ và chính quyền địa phương mà chưa có những quy định cụ thể về phân quyền, phân cấp, ủy quyền. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để Chính phủ thực hiện được nhiệm vụ thống nhất quản lý nhà nước trên phạm vi toàn quốc mà vẫn bảo đảm quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương trong phạm vi được phân quyền, phân cấp. Đây cũng là vấn đề mà Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 56/2017/QH14 đặt ra cần tiếp tục nghiên cứu, thể chế hóa chủ trương, định hướng nêu trên để bổ sung vào nội dung sửa đổi, bổ sung hai luật này và các luật có liên quan.

“Thứ tư, có ý kiến trong Ủy ban Pháp luật cho rằng, mô hình tổ chức chính quyền địa phương trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương còn quy định tương đối đồng nhất giữa các loại đơn vị hành chính, chưa có sự phân biệt giữa các đơn vị hành chính ở nông thôn, hải đảo và đô thị; nhiều trường hợp còn có tư tưởng bình quân, cào bằng. Vì vậy, đề nghị Dự thảo Luật cần có những quy định mang tính linh hoạt hơn, để trường hợp cần thiết, Quốc hội có thể cho phép áp dụng thí điểm mô hình chính quyền địa phương phù hợp ở từng loại đơn vị hành chính”-ông Định cho hay.

Giảm HĐND thì ai sẽ giám sát quyền lực?

Điểm mới của Dự thảo Luật lần này là quy định giảm số phó chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, số phó trưởng ban chuyên trách của HĐND cấp tỉnh từ 2 người xuống còn 1 người; tăng số phó chủ tịch UBND cấp xã loại II từ 1 người lên 2 người. Tuy nhiên vấn đề này không nhận được sự tán thành của các đại biểu.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng, HĐND các cấp rất nhiều việc, giờ giảm phó chủ tịch HĐND sẽ rất khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ. Vậy chúng ta đã xin ý kiến các tỉnh thì vấn đề này như thế nào? Không nhất trí giảm phó chủ tịch HĐND cấp tỉnh, huyện, ông Hà Ngọc Chiến, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cho rằng, cần phải giữ nguyên 2 phó chủ tịch HĐND tại các cấp vì hiện nay chúng ta đang nhất thể hóa bí thư kiêm chủ tịch HĐND, nếu chỉ còn 1 phó chủ tịch HĐND điều hành công việc là rất là khó.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, giảm ở cơ quan dân cử còn tăng ở khối chính quyền là không hợp lý. Khi làm Hiến pháp đã bàn việc làm sao nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp, sau 10 năm thí điểm không tổ chức HĐND tại một số địa phương đã khôi phục lại là có HĐND tại các cấp. Chính phủ đề xuất giảm như vậy cần đánh giá tác động cho rõ, cơ sở nào để giảm 10-15% đại biểu HĐND? Đồng thời làm rõ cơ sở nào để tăng UBND cấp xã loại II trong khi Chính phủ đang xây dựng chính quyền điện tử, rồi chính quy công an xã.

Trong khi đó, ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội nhìn nhận, vấn đề quan trọng trong tinh giản bộ máy là sắp xếp để hiệu quả tốt hơn chứ không phải chỉ giảm. “Chúng ta chỉ chạy theo giảm biên chế chứ không tính đến làm sao cho nó hoạt động hiệu quả hơn. Nhất là tại các tỉnh đang giảm các sở thì quyền lực tập trung ở UBND, bây giờ giảm lại HĐND thì ai giám sát quyền lực?”-ông Bình đặt vấn đề.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực cho rằng, trong cơ cấu bộ máy chính quyền nhất định phải có giám sát quyền lực. Do đó giảm hay tăng cuối cùng phải chứng minh được hoạt động có hiệu quả hơn. Vì vậy cần làm rõ việc tăng hay giảm, nhất là việc giảm phó chủ tịch HĐND và tăng phó chủ tịch UBND cấp xã loại II.

H.Vũ