Bước vào kỷ nguyên số: Doanh nghiệp cần thích ứng với công nghệ

Minh Phương 19/04/2019 08:30

Giới chuyên gia nhận định, trong thời đại của cuộc cách mạng 4.0, số hóa doanh nghiệp là xu thế tất yếu không thể đảo ngược. Chính bởi vậy, các doanh nghiệp Việt Nam không còn cách nào khác là phải tìm cách thích ứng với xu hướng của kỷ nguyên số.

Bước vào kỷ nguyên số: Doanh nghiệp cần thích ứng với công nghệ

Ứng dụng công nghệ giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả kinh doanh, sản xuất.

Thiếu tâm lý đón đầu

Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra như vũ bão. Hàng loạt các công nghệ mới như blockchain, trí tuệ nhân tạo (AI), robot... được ứng dụng ngày càng nhiều, đây là lúc các doanh nghiệp (DN) Việt Nam phải có những chiến lược, định hướng thích nghi với nền kinh tế số. Theo nghiên cứu của Microsoft, chuyển đổi số góp phần tích cực giúp DN gia tăng năng suất lao động. Điển hình như trong năm 2017, tác động của chuyển đổi số tới tăng trưởng năng suất lao động vào khoảng15%, và dự kiến đến năm 2020 con số này là 21%.

Việt Nam đang được đánh giá là một trong những quốc gia có tiềm năng lớn để phát triển nền kinh tế số. Tại Việt Nam, xu thế số hoá đã xuất hiện ở hầu hết mọi lĩnh vực, từ thương mại, thanh toán cho đến giao thông, giáo dục, y tế…

Ông Phí Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội tin học TP Hồ Chí Minh (HCA) nhận định, số hóa DN là xu thế không thể đảo ngược bởi hiện tại và trong tương lai, dữ liệu sẽ trở thành tài sản lớn nhất của DN, lợi ích mang đến cho DN ngày càng đa dạng và giá thành thu thập dữ liệu cho DN sẽ giảm nhanh.

Bên cạnh đó, các công cụ hỗ trợ giúp con người phân tích dữ liệu dễ dàng hơn, năng suất hơn và hiệu quả hơn như AI, Machine Learning (học máy), dữ liệu lớn (Big Data). Công nghệ thông tin với nền tảng thứ ba cũng sẽ giúp cho DN ứng dụng các công nghệ vào sản xuất kinh doanh với giá thành rẻ hơn, linh hoạt hơn. Với hàng loạt những lợi thế mà nền kinh tế số mang lại, ông Tuấn cho rằng, mỗi một DN cần phải tạo ra một môi trường số hóa cho chính mình, sẵn sàng cho kết nối với DN khác trong hệ sinh thái số hóa.

Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ở nước ta hiện mới chỉ có khoảng 22% DN cho rằng cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tác động đến họ; 32,7% DN cho rằng cách mạng công nghiệp 4.0 chưa tác động nhưng sẽ tác động. Như vậy, mới chỉ có 1/2 số DN Việt Nam nhận thức rằng cách mạng công nghiệp 4.0 đã, đang và sẽ tác động đến DN. Cũng theo khảo sát của VCCI, hiện chỉ có 6,6% số DN của Việt Nam cho rằng họ có đủ nguồn lực để thay đổi hoàn toàn từ hệ thống cũ sáng hệ thống công nghệ mới, 34,6% DN sẽ thay đổi từng bước do không đủ nguồn lực, 27,5% đang trong quá trình chuẩn bị vốn và nguồn lực và có tới 31,1% DN vẫn chưa làm gì để theo kịp cách mạng công nghiệp 4.0.

Phân tích rõ hơn về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, phần lớn các DN trong nước, nhất là DN vừa và nhỏ chưa sẵn sàng tham gia vào chuỗi giá trị mới của nền kinh tế số. Phần lớn DN Việt Nam là DN nhỏ và siêu nhỏ nên quy mô vốn cũng nhỏ. Chính vì quy mô quá nhỏ, DN không thể đủ lực để có thể đầu tư đổi mới khoa học công nghệ cũng như nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để vượt lên. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, việc thiếu kỹ năng và nguồn lực, văn hóa bảo thủ và khép kín, thiếu kỹ năng phân tích nâng cao để phát triển tư duy hành động và thiếu năng lực lãnh đạo trong việc điều hành chuyển đổi số là những rào cản đối với các DN hiện nay.

Buộc phải thích ứng

Song, dù muốn hay không, các DN Việt Nam vẫn cần phải tìm mọi cách để thích ứng với nền kinh tế số. Trong thời đại kỹ thuật số phát triển nhanh như vũ bão hiện nay, số hoá luôn là lợi thế cạnh tranh lớn đối với các DN. Chính bởi vậy, DN dù lớn hay nhỏ nhưng muốn xây dựng lợi thế cạnh tranh, nâng cao hiệu quả kinh doanh, tăng cường, cải tiến sản phẩm, dịch vụ, mở rộng thị trường thì không thể nói “không” với chuyển đổi số.

Điều các DN Việt Nam cần làm hiện nay đó là phải hiểu thấu đáo nền kinh tế số, có đủ năng lực để có thể tiếp cận và nhận ra những thách thức đến từ nội tại, nhận rõ thị trường, xây dựng lòng tin và năng lực kinh doanh.

Khẳng định việc chuyển đổi số là con đường tất yếu mà các DN Việt Nam phải đi, GS.TSKH Hồ Tú Bảo - Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán (VIASM) nêu quan điểm: “Các DN cần hiểu rõ và có chiến lược theo đuổi hành trình một cách cụ thể. Đồng thời, các DN cần nắm vững và có sự đầu tư đúng đắn cho những công cụ quan trọng của chuyển đổi số như: AI, khoa học dữ liệu, phân tích kinh doanh…”.

Có thể thấy, kỷ nguyên số đang buộc các DN Việt Nam phải chuyển đổi, phải thích nghi. Nêu lên một ví dụ về những ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, ông Nguyễn Xuân Dương – Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty may Hưng Yên cho rằng, việc ứng dụng các dây truyền sản xuất hiện đại sẽ giúp các DN giảm được rất nhiều chi phí về thời gian, nhân công. “Khi robot dần thay thế con người ở nhiều khâu, năng suất, hiệu quả sẽ tăng lên gấp nhiều lần” – ông Dương nhấn mạnh.

Giới chuyên gia nhận định, nền kinh tế số với những mô hình, phương thức kinh doanh mới đã và đang tạo ra những cơ hội lớn để phát triển kinh doanh cho các DN. Nếu tận dụng được, các DN Việt Nam có thể nâng cao hiệu quả kinh doanh, mở rộng thị trường và thị phần, thậm chí lấn sân vào những thị trường mới. Đặc biệt, kinh tế số sẽ tạo động lực cho các DN nhỏ và vừa phát triển hơn, trở thành động lực then chốt của tăng trưởng kinh tế.

* “Công nghệ thông tin với nền tảng thứ ba sẽ giúp DN ứng dụng các công nghệ vào sản xuất, kinh doanh với giá thành rẻ hơn, linh hoạt hơn… Từ lợi thế này, mỗi DN cần phải tạo ra một môi trường số hoá cho chính mình và sẵn sàng cho kết nối với DN khác trong hệ sinh thái số hoá” - ông Phí Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội tin học TP HCM.

Minh Phương