Hà Nội: Quyết liệt kiểm soát tuyển sinh đầu cấp
Mùa tuyển sinh 2019-2020, Sở GDĐT Hà Nội cho biết sẽ kiểm soát chặt chẽ và hạn chế ở mức cao nhất việc tuyển sinh trái tuyến của các trường trên địa bàn, đặc biệt đối với các trường đã tuyển đủ chi tiêu được giao, đồng thời sẽ tiếp tục giảm số học sinh/ lớp, tăng số học sinh được học 2 buổi/ngày. Đây là những giải pháp tích cực của ngành GDĐT Hà Nội để chuẩn bị tốt những công việc cho năm học mới.
Sau 10 năm Hà Nội hợp nhất, số học sinh tăng 41%, nhưng số phòng học chỉ tăng được 35-36%.
Sẽ phân chia lại địa bàn tuyển sinh
Theo Sở GDĐT Hà Nội, năm học 2019-2020 với học sinh vào lớp 10 THPT sẽ có 101.453 học sinh xét tốt nghiệp và dự kiến số đăng ký dự thi khoảng 90.000 em (ít hơn năm học trước gần 5.000 em). Đối với tuyển sinh vào lớp 10 THPT tự chủ tài chính và THPT ngoài công lập, có hai phương án được áp dụng: hoặc xét tuyển căn cứ vào điểm xét tuyển của thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm học 2019-2020, hoặc dựa trên kết quả rèn luyện, học tập của học sinh ở cấp THCS. Ông Phạm Văn Đại- Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội cho biết, ngoài hai phương thức nói trên, các trường tuyệt đối không được tổ chức thi tuyển hay sử dụng một phương án khác để tuyển sinh.
Vấn đề quá tải trường lớp cũng là vấn đề dư luận đặc biệt quan tâm với ngành GDĐT, ông Phạm Quốc Toản- Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục (Sở GDĐT) chia sẻ: Trong năm 2019, số học sinh vào lớp 1 so với lớp 5 ra trường tăng khoảng 30.000, số học sinh vào lớp 6 tăng khoảng 2.000 so với năm trước. Như vậy, sau 10 năm Hà Nội hợp nhất, số học sinh tăng 41%, nhưng số phòng học chỉ tăng được 35-36%.
Giải quyết vấn đề quá tải trường lớp, theo ông Nguyễn Viết Cẩn- Trưởng phòng Kế hoạch tài chính (Sở GDĐT), về lâu dài cần phải quy hoạch lại mạng lưới trường lớp. Trong năm 2019, theo chỉ đạo của thành phố, các quận huyện phải rà soát, cải tạo cơ sở vật chất hiện có. Cụ thể, năm 2019 sẽ đầu tư cải tạo 239 trường, xây mới và cải tạo hơn 100 trường tại các quận.
Ông Phạm Văn Đại thông tin thêm, Sở GDĐT đã làm việc với các quận huyện, yêu cầu các địa phương tùy tình hình cụ thể, tính toán để phân tuyến tuyển sinh, phân chia lại địa bàn tuyển sinh phù hợp. Năm nay, Hà Nội sẽ kiểm soát chặt chẽ, hạn chế ở mức cao nhất việc tuyển sinh trái tuyến của các trường trên địa bàn, đặc biệt đối với các trường đã tuyển đủ chi tiêu được giao. “Nếu sĩ số học sinh/ lớp vượt so với quy định của Điều lệ trường học, Phòng GDĐT phải có văn bản báo cáo Sở, không để xảy ra hiện tượng quá tải học sinh ở các trường học”- ông Đại nhấn mạnh.
Đẩy mạnh phân luồng sau THCS
Năm 2019- 2020 Hà Nội có một số điều chỉnh mới trong công tác tuyển sinh đầu cấp. Trong đó đáng lưu ý là giải pháp phân luồng, hướng nghiệp học sinh sau THCS. Ông Phạm Văn Đại cho hay, hiện Sở đã xây dựng đề án phân luồng sau THCS trình thành phố phê duyệt.
Theo đó, học sinh tốt nghiệp THCS (hết lớp 9) sẽ có một bộ phận vào học cơ sở đào tạo nghề kết hợp học chương trình văn hóa theo hệ Giáo dục thường xuyên. Sau 3 năm, học sinh sẽ có hai bằng (tốt nghiệp chương trình giáo dục thường xuyên và nghề). Một bộ phận khác sẽ vào học các trường THPT.
Trong số học sinh sẽ hoàn thành chương trình THCS năm nay của Hà Nội, có 11.000 học sinh không đăng ký dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT. Một phần trong số này rẽ ngang học nghề và học hệ giáo dục thường xuyên, một số khác đăng ký tuyển sinh vào các trường THPT ngoài công lập theo phương thức xét học bạ (không thi).
Việc xét tuyển của các trường THPT ngoài công lập sẽ tiến hành ngay sau khi năm học 2018-2019 kết thúc. Sẽ chỉ có 62% số học sinh dự tuyển vào THPT vào trường công lập.
Trước những băn khoăn của phụ huynh về công tác tuyển sinh lớp 10 THPT sắp tới, ông Phạm Quốc Toản khẳng định những bất cập của mùa tuyển sinh năm trước sẽ được khắc phục. Sở sẽ nghiêm túc yêu cầu các trường ngoài công lập không được thông báo nhiều mức điểm chuẩn khiến phụ huynh rơi vào khủng hoảng. Những trường hợp đã nhập học nhưng muốn rút hồ sơ chuyển nguyện vọng khác, các nhà trường phải tạo điều kiện không được giữ hồ sơ của học sinh gây khó khăn.
Để hỗ trợ học sinh, phụ huynh học sinh, trong kỳ tuyển sinh vào lớp 10, Sở GDĐT Hà Nội sẽ công bố phổ điểm thi công khai để phụ huynh, học sinh hình dung về khả năng trúng tuyển vào các “top” trường khác nhau, có lựa chọn chính xác.
* Sở GDĐT Hà Nội cho hay, năm học 2019-2020: Về thời gian tuyển sinh, việc cấp mã số học sinh, các trường mầm non, tiểu học, THCS hoàn thành trước ngày 25/5. Đăng ký tuyển sinh trực tuyến lớp 1 từ ngày 1-3/7; mầm non 5 tuổi từ ngày 4-6/7; lớp 6 từ ngày 7-9/7. Từ ngày 10-12/7, các trường tổng hợp số lượng học sinh đăng ký trực tuyến.
Tuyển sinh trực tiếp được thực hiện từ ngày 13-18/7 và sau ngày 18/7, những trường tuyển chưa đủ chỉ tiêu được giao phải báo cáo Phòng GDĐT để căn cứ tình hình thực tế, Phòng sẽ cho phép các trường được tuyển bổ sung học sinh cho đủ chỉ tiêu từ ngày 20-22/7.
Với mục tiêu đáp ứng đủ nhu cầu học tập cho học sinh, Sở GDĐT Hà Nội yêu cầu các Phòng GDĐT, nhà trường tuân thủ quy định “5 rõ” trong tuyển sinh vào các trường mầm non, lớp 1 và lớp 6, gồm: Rõ tuyến, rõ chỉ tiêu, rõ thời gian, rõ phương thức và rõ trách nhiệm.
Năm học 2019-2020, Sở GDĐT cho phép các trường ngoài công lập được tuyển sinh sớm hơn, từ ngày 26/5 đến ngày 12/7/2019; với các trường công lập, thời gian tuyển sinh được áp dụng từ ngày 1 - 18/7/2019.