Dâng hương kỷ niệm 1080 năm Ngô Quyền xưng Vương, định đô ở Cổ Loa
Sáng 20/4, tại đền thờ Ngô Quyền (thôn Cam Lâm, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây), TP Hà Nội tổ chức Lễ dâng hương kỷ niệm 1080 năm Ngô Quyền xưng Vương và định đô ở Cổ Loa.
Tham dự buổi lễ có ông Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy; bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP; ông Nguyễn Văn Phong, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy; bà Nguyễn Lan Hương, Trưởng ban Dân vận Thành ủy; ông Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND TP cùng các lãnh đạo thị xã Sơn Tây, xã Đường Lâm và nhân dân địa phương.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải dâng hương tưởng nhớ Vua Ngô Quyền.
Trong không khí thành kính, trang nghiêm, các vị lãnh đạo thành phố Hà Nội, thị xã Sơn Tây đã dâng hương, tưởng nhớ vua Ngô Quyền, người anh hùng dân tộc vĩ đại, lập nên nhà Ngô, chọn Cổ Loa làm kinh đô, tạo nên bước ngoặt lớn chấm dứt hoàn toàn thời kỳ Bắc thuộc và chống Bắc thuộc kéo dài hơn 1.000 năm, mở ra kỷ nguyên độc lập cho đất nước.
Ngô Quyền (897 - 944) sinh ra và lớn lên ở thôn Cam Lâm, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây. Khi trưởng thành, ông nổi tiếng là một trang hào kiệt, văn võ toàn tài. Ông được tướng Dương Đình Nghệ tin yêu gả con gái và giao trông giữ đất Ái Châu. Tháng 3 năm Đinh Dậu (937) Kiều Công Tiễn phản nghịch giết Dương Đình Nghệ để đoạt chức Tiết Độ Sứ, nên khắp nơi lòng người đều oán ghét. Được tin, Ngô Quyền vô cùng căm giận, liền bí mật kéo quân từ Thanh Hóa ra đóng quân ở vùng Hải Phòng chiêu mộ thêm binh lực, luyện tập binh sỹ, chờ ngày diệt quân tham bạo.
Trước nguy cơ bị tiêu diệt, Kiều Công Tiễn đã hèn nhát cho tay sai đem vàng bạc châu báu sang cống nạp Vua Nam Hán xin cầu cứu. Cuối năm 938 - Hoằng Thao thống lĩnh đội thủy quân gồm 20 vạn quân và hàng ngàn chiến thuyền theo bờ biển vùng Đông Bắc ồ ạt tiến vào nước ta.
Nắm chắc âm mưu của giặc, Ngô Quyền bí mật cử quân đi giết Kiều Công Tiễn trừ họa bên trong, mặt khác ông hạ lệnh cho quân sỹ cùng nhân dân địa phương vùng Thủy Nguyên - Yên Hưng chặt gỗ, đẽo nhọn rồi đóng vào nơi cửa sông Bạch Đằng. Đây là thế trận hết sức hiểm trở, ông cho chuẩn bị 200 thuyền nhẹ tới chỗ giặc đóng quân để khiêu chiến, giả thua chạy, lừa chiến thuyền giặc lọt vào trận địa.
Chiến thuyền của giặc do Hoằng Thao chỉ huy ồ ạt tiến vào sông Bạch Đằng, gặp đoàn thuyền chiến của ta khiêu chiến, đoàn chiến thuyền của giặc đốc thúc đuổi theo. Chờ cho nước thủy triều rút, Ngô Quyền hạ lệnh phản công từ các mũi, vừa lúc nước thủy triều rút mạnh, thuyền giặc càng lao nhanh, đâm vào mũi cọc, bị vỡ tan tành.
Chiến thắng Bạch Đằng của Ngô Quyền có ý nghĩa lịch sử to lớn, là mốc son chói lọi chấm dứt hơn một nghìn năm Bắc thuộc; phá tan mưu đồ “đồng hóa” của chủ nghĩa Đại Hán tộc; mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc – Kỷ nguyên phát triển của quốc gia phong kiến độc lập, tự chủ trên đất nước Việt Nam. Chiến thắng đó đã để lại cho chúng ta nhiều kinh nghiệm quý, nhất là nghệ thuật đánh bại quân xâm lược ngay từ cửa ngõ đất nước. Chiến thắng Bạch Đằng lịch sử là cơ sở có ý nghĩa quyết định để mùa Xuân năm 939, Ngô Quyền tiến lên xây dựng một chính quyền hoàn toàn độc lập. Ông xưng Vương hiệu, định đô ở Cổ Loa – kinh đô của nhà nước Âu Lạc thời An Dương vương và trị vì từ năm 939 đến năm 944.