Không thể 'hạ cánh an toàn'

H.Vũ 22/04/2019 08:30

Điều 84 Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức quy định: “Cán bộ, công chức, viên chức sau khi nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới bị phát hiện có hành vi vi phạm trong thời gian công tác thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật: Khiển trách, cảnh cáo, xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm tại thời điểm có hành vi vi phạm”.

Cùng với 3 hình thức kỷ luật trên thì “điểm mừng” theo như Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, thì qua tổng hợp ý kiến các bộ, ngành, địa phương và các tầng lớp nhân dân đều nhất trí với việc bổ sung quy định về xử lý kỷ luật hành chính đối với cán bộ, công chức, viên chức sau khi nghỉ việc, nghỉ hưu mới phát hiện có hành vi vi phạm trong thời gian công tác. Một đề xuất mới, một quy định mới dù chưa ban hành nhưng đã nhận được sự đồng tình cao từ phía các tầng lớp nhân dân và cán bộ đảng viên.

Đặc biệt, không chỉ 3 hình thức kỷ luật trên, mà Ủy ban Pháp luật của Quốc hội còn đề nghị cần tách nội dung này thành điều riêng quy định theo hướng: “Cán bộ, công chức, viên chức sau khi nghỉ việc, nghỉ hưu vẫn phải chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm của mình trong thời gian công tác. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, xử lý hành chính hoặc xử lý kỷ luật. Nếu gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật và quy định về một số hình thức xử lý kỷ luật cụ thể trong Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức”.

Tương ứng với từng đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm cần quy định hình thức kỷ luật phù hợp bảo đảm hệ quả pháp lý gắn trực tiếp với quyền lợi cụ thể mà cán bộ, công chức, viên chức đó được hưởng trong thời gian công tác hoặc nghỉ hưu.

Đồng thời, cần quy định nguyên tắc xác định thẩm quyền xử lý, trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật để bảo đảm tính khả thi và thống nhất trong quá trình thực hiện. Như vậy, không chỉ là 3 mức kỷ luật thông thường đối với các cán bộ công chức, viên chức, mà điều mà các nhà làm luật hướng đến còn là vấn đề trách nhiệm pháp lý đằng sau đối với mỗi mức độ vi phạm, thậm chí là bồi thường thiệt hại.

Xét trên thực tế, quy định trên không những thể chế hóa yêu cầu trong Nghị quyết Trung ương, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn, mà cũng chính là “lời giải” để bịt những “lỗ hổng” pháp lý cho những sự “hạ cánh an toàn”; những “chuyến tàu vét”; những “hoàng hôn nhiệm kỳ”; hay chí ít là những “sự bổ nhiệm cán bộ một cách thần tốc”- là những vấn đề gây bức xúc trong dư luận xã hội suốt một thời gian dài.

Đó cũng là bởi thời gian qua pháp luật chưa có những quy định mang tính chặt chẽ, cụ thể về trách nhiệm của cán bộ, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo lúc đang còn đương chức nên ở những thời điểm “nhập nhoạng”, giao thoa, chuẩn bị chuyển giao quyền lực, nghỉ hưu cũng là lúc hàng loạt những quyết định bổ nhiệm, tuyển dụng, luân chuyển cán bộ được ký ban hành một cách “thần tốc” mà thiếu bóng dáng trách nhiệm trong tâm thế...nghỉ hưu là xong chuyện.

Do đó, rất nhiều cán bộ yếu kém bỗng “nở rộ” trên con đường “quan lộ” cùng với sự lửng lơ trách nhiệm của những cán bộ “làm quy hoạch” đã phần nào làm suy giảm đi niềm tin của người dân đối với bộ máy công quyền, hay công tác cán bộ tiềm ẩn trong các khâu chạy chọt, thân quen, bè phái.

Trong công tác xây dựng pháp luật, vấn đề không chỉ nằm ở việc có những chế tài để xử lý những vi phạm trước mắt mà quan trọng hơn chính là tính dự báo, phòng ngừa, ngăn chặn để nó không thể xảy ra, hay nói cách khác chính là “tầm nhìn” trong làm luật.

Bởi thực tiễn cuộc sống luôn vận động và thay đổi, có khi luật vừa ra đời thì quy định đã lỗi thời. Vừa qua, việc Đảng xử lý đối với người đương chức và cả cán bộ đã về hưu, đặc biệt là cán bộ cao cấp trong Ðảng là điều cần thiết, là dấu hiệu đáng mừng trong xây dựng chỉnh đốn Ðảng, thể hiện sự cương quyết trong xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm đã thể hiện rõ không có “vùng cấm” đối với bất cứ ai vi phạm.

Thế nhưng điều mà nhân dân mong mỏi không chỉ là xử lý không có “vùng cấm” của Đảng, mà cần được thể chế hóa trong quản lý của Nhà nước thông qua việc luật hóa quy định “xử lý cán bộ về hưu có vi phạm” để không thể “hạ cánh an toàn”. Chỉ khi nào cán bộ công chức, viên chức phải chịu trách nhiệm về những việc làm của mình khi đang còn đương chức thì quyền lực mới được kiểm soát, được sử dụng đúng chỗ, đúng trách nhiệm theo quyền hạn được giao thay vì những quyết định thiếu trách nhiệm hay thiếu tầm nhìn dự báo.

H.Vũ