Đột phá lương tối thiểu

Lê Bảo 22/04/2019 08:00

Để đảm bảo đúng tinh thần của Nghị quyết 27-NQ/TW là đến năm 2020, tiền lương tối thiểu phải đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động, nhiều chuyên gia cho rằng: Hội đồng Tiền lương quốc gia phải sớm đánh giá mức sống tối thiểu, điều kiện sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp để đề xuất với Chính phủ phương án điều chỉnh cho năm 2020.

Đột phá lương tối thiểu

Người lao động chờ rút tiền lương hàng tháng.

Nhiều lao động không đủ mức sống cơ bản nhất

Sự ra đời của Hội đồng Tiền lương quốc gia năm 2013 là một tiến bộ lớn trong chính sách và thông lệ điều chỉnh cơ chế tiền lương của Việt Nam kể từ thời kỳ đổi mới. Với sự ra đời của Hội đồng này, việc điều chỉnh lương tối thiểu đã trở thành 1 quy trình có sự tham gia của 3 bên (đại diện của Chính phủ, tổ chức của NLĐ và người sử dụng lao động), được thực hiện thường kỳ (có thời gian biểu hàng năm rõ ràng cho việc điều chỉnh lương tối thiểu), thông qua quy trình thể chế của Hội đồng Tiền lương quốc gia.

Tiền lương tối thiểu đã tăng khá nhanh trong giai đoạn 2013-2016 (khoảng 13-15%) trước khi giảm xuống còn 7% (2017), 6,5% (2018) và 5,3% (2019).

Để có được tỷ lệ tăng lương trên, Hội đồng Tiền lương quốc gia cũng đã trải qua không ít lần bất đồng quan điểm. Đánh giá về thực trạng trả lương trên thị trường, ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng Ban Quan hệ lao động thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, năm 2018, tiền lương cơ bản trung bình của NLĐ làm đủ giờ là 4,67 triệu đồng/tháng, tăng 4,2% so với năm 2017.

Riêng ngành may, 1 trong 7 ngành thâm dụng lao động lớn nhất, mức lương cơ bản thấp nhất ở mức 4,225 triệu đồng/tháng. Còn thu nhập của NLĐ trung bình khoảng 5,53 triệu đồng/tháng, tăng 1,4% so với năm 2017; trong đó các khoản thu nhập ngoài lương cơ bản như làm thêm giờ, trợ cấp, chiếm khoảng 18%. Còn với mức tăng 5,3% trong năm 2019, khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng cho biết mới chỉ đáp ứng được 95% mức sống tối thiểu cho NLĐ.

“Tiền lương, thu nhập của NLĐ có cải thiện nhưng không đủ trang trải cuộc sống, đa số chỉ vừa đủ trang trải và phải làm thêm giờ mới đủ sống. Nếu chỉ tính công việc hoàn thành trong giờ làm việc tiêu chuẩn, không tính các khoản phụ cấp, lương thực tế của nhiều công nhân may được khảo sát không đủ sống ở mức cơ bản nhất” – ông Quảng nói.

Bà Đinh Hà An - quản lý chương trình Quyền lao động của Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI), cũng chỉ ra kết quả tương tự từ các cuộc khảo sát, nghiên cứu lao động trong ngành may do cơ quan này thực hiện năm 2018.

Theo đó, mức lương cơ bản của NLĐ ngành này là khoảng 5,11 triệu đồng/tháng, chiếm 64% tổng thu nhập hàng tháng của NLĐ. Đây là khoản mà NLĐ chắc chắn nhận được. Còn lại là các khoản phụ cấp, lương tăng ca, thưởng khác chiếm 36% tổng thu nhập của NLĐ.

Tuy nhiên khoản này có thể bị trừ hoặc không nhận được vào giai đoạn ít việc. Không chỉ thu nhập bấp bênh, NLĐ còn phải dành khoảng 81% lương cơ bản và phụ cấp vào chi tiêu hàng tháng.

Đột phá lương tối thiểu - 1

Vẫn còn nhiều người lao động không có được mức sống cơ bản nhất.

Năm 2020, lương phải đáp ứng mức sống tối thiểu

Để chuẩn bị cho cuộc họp của Hội đồng Tiền lương quốc gia tới đây bàn về phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2020, Bộ LĐTBXH đã có công văn đề nghị các địa phương rà soát báo cáo tình hình thực hiện, những thuận lợi và khó khăn trong triển khai mức lương tối thiểu vùng năm 2019 theo Nghị định 157/2018/NĐ-CP của các DN thuộc địa bàn quản lý.

Đặc biệt là các vấn đề được và chưa được, nguyên nhân và cách thức điều chỉnh mức lương theo thang lương, bảng lương từ hợp đồng lao động của NLĐ trong các loại hình DN. Ngoài ra mới đây, Hội đồng Tiền lương quốc gia tổ chức khảo sát tình hình tiền lương, thu nhập của NLĐ tại 4 DN da giày, may mặc tại TP HCM và Đồng Nai. Kết quả khảo sát sẽ bổ sung vào khuyến nghị tới Chính phủ về mức lương tối thiểu vùng năm 2020.

Nhận định về cuộc họp đàm phán tiền lương tối thiểu vùng năm 2020 tới đây, đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, quá trình đàm phán và xác định lương tối thiểu vùng cho năm 2020 sẽ có thêm yếu tố mới. Mức lương tối thiểu cần được điều chỉnh tăng đủ để đáp ứng được mức sống tối thiểu vào năm 2020. Điều này căn cứ theo tinh thần của Nghị quyết số 27-NQ/TW, theo đó đến năm 2020, tiền lương tối thiểu phải đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ.

“Tới đây quá trình đàm phán và xác định lương tối thiểu vùng cho năm 2020 sẽ phải xác định rõ các nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ để làm căn cứ tính lương tối thiểu. Nhưng việc xác định mức sống tối thiểu này hàng năm luôn gây tranh cãi về cách tính khác nhau của nhiều cơ quan như Tổng cục Thống kê, bộ phận kỹ thuật của Hội đồng Tiền lương quốc gia và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Do đó, cần phải có 1 cơ quan duy nhất có trách nhiệm công bố chính thức, nhằm tránh việc tranh cãi không cần thiết” – ông Quảng nhấn mạnh.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy khi được thiết kế chặt chẽ, tiền lương tối thiểu đem lại sự bảo vệ hiệu quả cho NLĐ khỏi việc bị trả lương quá thấp mà không tạo ra tác động tiêu cực đối với việc làm.

Thực tế từ các nước cũng cho thấy, thương lượng tập thể góp phần vào sự ổn định xã hội bằng cách giải quyết các mâu thuẫn giữa người sử dụng lao động và NLĐ bằng một quy trình thống nhất để cùng điều chỉnh mức lương và điều kiện làm việc, phù hợp với cá nhân từng DN và/hoặc các ngành kinh tế cụ thể, trong khi cho phép NLĐ được chia sẻ thành quả tăng trưởng kinh tế và năng suất công việc một cách công bằng.

Kết hợp lại 2 yếu tố, tiền lương tối thiểu và thương lượng tập thể đóng góp cho công bằng xã hội và kinh tế, giúp cho xã hội tiến đến tăng trưởng toàn diện đóng góp vào việc ổn định chính trị và xã hội của quốc gia.

Dự kiến, trong tháng 7 hoặc tháng 8 tới đây, Hội đồng Tiền lương quốc gia sẽ tổ chức các phiên đàm phán điều chỉnh lương tối thiểu năm 2020. Các bên tham gia chính sẽ là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Bộ LĐTBXH…

Lê Bảo