Đưa vốn ưu đãi đến với người nghèo

H.H. 25/04/2019 08:30

Thời gian qua, nhờ các chính sách ưu đãi cũng như hỗ trợ người nghèo, người vùng dân tộc thiểu số (DTTS), một số đối tượng chính sách đã có thể tiếp cận vốn vay ngân hàng để sản xuất kinh doanh, tạo cơ hội cho con em đi học, đi xuất khẩu lao động, tăng thu nhập cho gia đình, cải thiện đời sống.

Nhiều người nghèo đã tự vươn lên thoát nghèo bền vững, đồng thời tạo ra nhiều mô hình làm ăn có hiệu quả, công ăn việc làm cho những hộ nghèo khác.

Tuy nhiên, nhu cầu vốn tín dụng ưu đãi ngày càng lớn trong khi nguồn vốn ưu đãi có hạn, vốn tín dụng ngân hàng vẫn chưa đáp ứng hết được nhu cầu vốn cho phát triển sản xuất, kinh doanh và nâng cao đời sống nhân dân, nhất là các khu vực kinh tế khó khăn, vùng sâu, xa…

TS Trần Hữu Ý - Giám đốc Trung tâm đào tạo Ngân hàng Chính sách Xã hội cho hay, đồng bào các DTTS ở Việt Nam chiếm tỷ lệ khoảng 15% tổng dân số cả nước, nhưng lại chiếm đến hơn 50% tổng số hộ nghèo và thu nhập bình quân chỉ bằng 1/6 mức thu nhập bình quân của cả nước. Do đặc điểm cư trú của đồng bào DTTS ở vùng sâu, vùng xa, miền biên giới còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp; Đảng và Nhà nước, ngành ngân hàng đã ban hành nhiều chính sách đối với các hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số, trong đó, có chương trình tín dụng chính sách dành riêng cho đồng bào DTTS giúp đồng bào cải thiện cuộc sống, hội nhập với xu hướng phát triển chung của cả nước, tiến tới giảm nghèo bền vững, đồng thời góp phần giữ vững an ninh quốc phòng, ổn định xã hội ở các địa phương.

Theo đánh giá của TS Ý, nguồn vốn dành riêng cho hộ đồng bào DTTS có sự tăng trưởng đều qua các năm trong giai đoạn nghiên cứu của đề tài (từ 2014 – 5/2017). Mức vay chương trình hộ đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn cũng được nâng lên từ 5 triệu đồng/hộ lên mức 8 triệu đồng/hộ. Nguồn vốn tín dụng chính sách đối với đồng bào DTTS đã đầu tư cho gần 100% hộ đồng bào DTTS tại các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, tại vùng sâu, vùng xa, có những hộ đã vay được vốn từ 2 đến 3 chương trình tín dụng chính sách. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần giải quyết được những vấn đề căn bản thiết yếu của cuộc sống đồng thời giúp hộ đồng bào DTTS nâng cao chất lượng cuộc sống, tạo thêm việc làm, giảm bớt khó khăn, giảm bệnh tật, thất học, góp phần phát triển kinh tế vùng đồng bào DTTS.

Giới chuyên gia cho rằng, chính sách phát triển kinh tế - xã hội đối với đồng DTTS có ý nghĩa quan trọng, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với sự phát triển hài hòa các vùng miền, đồng thời đảm bảo ổn định xã hội, phát triển kinh tế, giữ vững an ninh – quốc phòng, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, các vùng miền còn khó khăn. Tuy vậy, việc triển khai thực hiện các chương trình tín dụng còn gặp nhiều khó khăn, mà có nguyên nhân xuất phát từ cả phía ngân hàng hàng (nguồn vốn cho vay, chất lượng tín dụng, cán bộ..), cũng như phía người vay (trình độ dân trí, năng lực sử dụng vốn vay, tình trạng di cư, ý thức trả nợ). Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân của việc bố trí nguồn lực, sự phối hợp của các cơ quan, tổ chức liên quan chưa đồng bộ, tích cực.

Phó Viện trưởng Viện Chiến lược (Ngân hàng Nhà nước) Nguyễn Thị Hiền cho hay, Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng chương trình giáo dục tài chính toàn diện và sẽ quyết liệt triển khai trong thời gian tới, trong đó đặc biệt chú trọng giáo dục kiến thức tài chính cho cộng đồng, nhất là các đối tượng còn có khó khăn trong việc tiếp cận sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, trong đó có đồng bào và phụ nữ DTTS.

H.H.