Tầm nhìn thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Năm 2019 tròn 50 năm chúng ta thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969-2019). Đã nửa thế kỷ trôi qua nhưng những lời dặn dò của Người trong Di chúc vẫn còn nguyên giá trị. PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc- nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) khẳng định như vậy trong cuộc trò chuyện với Đại Đoàn Kết.
PV:Đã qua nửa thế kỷ nhưng những điều Hồ Chủ tịch viết trong bản Di chúc vẫn ấm áp tình cảm, chứa đựng những giá trị bất biến, thưa ông?
Nguyễn Trọng Phúc: Cần phải khẳng định, Di chúc là văn kiện lịch sử vô giá, kết tinh tư tưởng, đạo đức, tâm hồn, nhân cách của một con người, một lãnh tụ mà cả cuộc đời vì nước, vì dân, không màng tới danh lợi bản thân. Như chúng ta đều biết, cả cuộc đời Bác cống hiến cho dân tộc, cho nhân loại là cực đại, không có gì dành cho bản thân mình. Điều này Bác cũng thể hiện trong Di chúc. Bác viết: “Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”.
Tôi nói Di chúc như là một văn kiện mang chở tinh thần đổi mới, bởi vì toàn bộ Di chúc hướng tới tương lai, xây dựng lại thành phố, làng mạc đẹp đẽ, đàng hoàng hơn trước chiến tranh. Như Bác viết: “Còn non, còn nước, còn người/Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay”. Nội dung Di chúc mang tính thời sự nóng hổi.
Thưa ông, sinh thời Bác Hồ đã dự báo rất nhiều điều chính xác về những vấn đề quan trọng của đất nước, vậy sự đoán trước tương lai ấy được thể hiện thế nào trong Di chúc?
- Tính dự báo là điểm đặc sắc trong Di chúc của Bác. Trong bản Di chúc đề ngày 10/5/1969, Hồ Chủ tịch đã tiên đoán chính xác vấn đề mang tính vận mệnh dân tộc: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể còn kéo dài mấy năm nữa. Đồng bào ta có thể phải hy sinh nhiều của, nhiều người. Dù sao, chúng ta phải quyết tâm đánh giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn… Dù khó khăn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà”.
Tất cả những gì Người dự báo, đều hoàn toàn trở thành sự thật. Chỉ 6 năm sau khi bản Di chúc được công bố, năm 1975, dân tộc ta đã được ca khúc khải hoàn, khi đã đánh đuổi ngoại xâm, thống nhất đất nước. Rồi nhiều vấn đề trọng đại của Đảng, Nhà nước, của đất nước được đề cập trong các nghị quyết gần đây, đã được Di chúc nói đến. Chẳng hạn vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng, vấn đề con người, chăm lo đời sống nhân dân, vai trò của nhân dân, đoàn kết, dân chủ...
Ông nói, Di chúc của Người đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự, vậy ông có thể phân tích rõ điều này?
- Rất nhiều điều Bác viết trong Di chúc còn nóng hổi tính thời sự. Chẳng hạn, Bác viết: Làm sao cho đất nước hùng cường, sánh vai với các cường quốc năm châu. Bây giờ đất nước đã đổi mới gấp nhiều chục lần so với thời còn Bác, đó là thành công nhất trong thực hiện Di chúc của Bác.
Thứ 2, Bác viết Di chúc khi đó cuộc kháng chiến chống Mỹ còn đang ác liệt, nhưng Bác đã dự báo là sẽ thắng lợi hoàn toàn. Nhưng điều quan trọng không chỉ là độc lập, thống nhất mà còn giữ được nền độc lập thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ. Chúng ta đã giành được độc lập thì phải củng cố vững chắc nền độc lập dân tộc, làm cho đất nước hòa bình độc lập, nhân dân được sống trong tự do, ấm no hạnh phúc, đó là lý tưởng cao nhất. Giờ mình đang bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền thống nhất toàn vẹn Tổ quốc, đó cũng là cách thiết thực nhất thực hiện Di chúc của Bác.
Thứ 3 là vấn đề quan tâm đến đời sống của dân. Mục tiêu của cách mạng là rất rõ ràng, nhưng ý cuối cùng là vì dân. Không phải đến khi viết Di chúc Bác mới đề cập đến vấn đề này. Bác từng viết có dân là có tất cả, giành lại độc lập, phát triển đất nước, đổi mới, đều nhờ công sức của dân, tất nhiên dưới sự lãnh đạo của Đảng. Nhân dân ta từ ngày có Đảng, một lòng đi theo Đảng. Đạt được thành quả cách mạng quan trọng như vậy Đảng phải có kế hoạch tốt chăm lo đời sống của dân về mọi mặt. Và giờ chúng ta đang thực hiện điều này, đó là xóa đói, giảm nghèo, mọi người được sung sướng, hạnh phúc. Bác mong mọi người được sống trong sung sướng ấm no hạnh phúc. Đó là quan điểm vì dân, hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Học Di chúc của Bác là chăm lo tốt hơn đời sống của dân. Chống lại biểu hiện suy thoái, tham nhũng thờ ơ vô cảm với dân.
Thứ 4, muốn cho sự nghiệp cách mạng ngày càng phát triển thắng lợi phải chăm lo bồi dưỡng những thế hệ cách mạng, đặc biệt thế hệ trẻ. Sau khi Bác mất, thế hệ trẻ đã hoàn thành xứng đáng sự nghiệp giải phóng dân tộc, phát triển đất nước. Công cuộc đổi mới phải tiếp tục bồi dưỡng thế hệ thanh niên hiện nay; phải thực hiện cho được căn dặn của Bác là xây dựng bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau, làm cho họ thành người kế tục xây dựng sự nghiệp cách mạng để trở thành những người sống có lý tưởng, hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Trong Di chúc, Bác đã dặn rất rõ về việc chỉnh đốn Đảng cũng như phòng chống quan liêu, “diệt” tham nhũng. Ông có thể nói kỹ hơn về vấn đề này?
- Xây dựng, chỉnh đốn Đảng- đây là vấn đề Bác đặc biệt quan tâm. Trong Di chúc của Bác, câu nổi tiếng mà ta hay trích là: “Đảng ta là Đảng cầm quyền. Mỗi Đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch. Phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ trung thành của nhân dân”.
PGS Nguyễn Trọng Phúc.
Bên cạnh đó, Bác cũng đã nhắc: Chống những cái hư hỏng, những biểu hiện hư hỏng là một cuộc chiến đấu khổng lồ và xét cho cùng mọi sự hư hỏng, mọi sự tha hóa, biến chất gốc của nó là chủ nghĩa cá nhân. Chủ nghĩa cá nhân như những vi trùng độc hại sinh ra nhiều căn bệnh.
Bác yêu cầu phải giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng như giữ gìn con ngươi trong mắt mình. Cùng đó phải thực hành dân chủ, tự phê bình nghiêm chỉnh trong Đảng từ đó phát huy dân chủ, trí tuệ tập thể, thực hiện dân chủ rộng rãi trong Đảng tự phê bình và phê bình hết sức nghiêm túc. Hiện nay chúng ta đang thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII là làm theo Di chúc của Bác. Nếu làm tốt sẽ loại trừ những sai lầm, khuyết điểm, suy thoái, là thành công theo đúng lời căn dặn của Bác. Phải giữ gìn phẩm chất đạo đức như lời căn dặn của Bác. Kinh nghiệm của các nước đổ vỡ cũng bắt đầu từ suy thoái trong Đảng, sức chiến đấu của Đảng không còn thì rất nguy hiểm.
Gần đây nhiều vụ tham nhũng lớn đã được xử lý. Theo ông, chúng ta học hỏi và áp dụng được gì từ tư tưởng, biện pháp của Bác Hồ trong việc xử lý tham nhũng, quan liêu?
- Cái chính vẫn là tự tu dưỡng. Dù là ai, ở cấp nào, là Ủy viên Trung ương hay tướng lĩnh, thậm chí là lãnh đạo cấp cao hơn nữa nếu không tu dưỡng thì cũng trở thành nạn nhân, tù binh của chính sự thoái hóa biến chất. Các cụ ngày xưa có câu: Tu thân trước sau đó đến tề gia rồi đến trị nước. Nếu tu thân mà chưa được thì đừng nghĩ đến tề gia hay nói đến trị quốc. Cho nên, bài học là tự rèn luyện.
Bác từng nói là phải kiểm tra, kiểm soát hành vi của mỗi người, nếu làm đúng thì biểu dương, sai thì nhắc nhở, “tuýt còi” để phòng ngừa. Theo Bác, chúng ta phải chủ động phòng ngừa, nếu để ra sai phạm thì phải xử lý và trừng trị đến nơi đến chốn.
Dù Bác rất nghiêm khắc trong việc xử lý cán bộ Đảng viên vi phạm nhưng Bác không coi trừng phạt là mục đích cuối cùng, mà là để giáo dục. Bác vẫn nhắc một ý là “cán bộ Đảng viên ăn ở với nhau phải có tình có nghĩa. Nếu ăn ở với nhau không có tình có nghĩa thì có đọc bao nhiêu sách, trí tuệ như thế nào đi chăng nữa cũng không là người Cộng sản chân chính được”.
Giống như bây giờ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói “xử một người nhưng mà để cứu muôn người”. Đó là vì nghĩa lớn, vì lợi ích quốc gia dân tộc. Chứ không phải xử lý đồng chí của mình mà mình thấy vui vẻ. Không ai vui vẻ gì chuyện đấy, bất đắc dĩ lắm mới phải xử lý để giữ nghiêm kỷ cương phép nước, giữ nguyên kỷ luật Đảng.
Trân trọng cảm ơn ông!