Việt Nam trước các FTA thế hệ mới: Hành động để biến thách thức thành cơ hội
Tính đến thời điểm này, Việt Nam đã tham gia ký kết 12 Hiệp định Thương mại tự do (FTA). Các FTA được đánh giá là sẽ mở ra cho Việt Nam những cơ hội mới trong giao thương, xuất khẩu hàng hóa. Và quan trọng hơn, các FTA với những quy chuẩn quốc tế sẽ tạo động lực để Việt Nam cải thiện môi trường kinh doanh mạnh mẽ, cùng với đó nâng sức cạnh tranh để có thể hội nhập sâu rộng.
Xuất khẩu của Việt Nam tăng trường đầy ấn tượng.
Cú hích tăng trưởng xuất khẩu
Năm 2018 và 3 tháng của quý I/2019, nền kinh tế Việt Nam ghi nhận được những thành công đáng nể, trong đó phải kể đến việc chúng ta đã tích cực tham gia đàm phán, thúc đẩy hội nhập và thông qua Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vào cuối năm 2018. Giới chuyên gia nhận định, việc trở thành thành viên của CPTPP có thể xem như một dấu mốc rất quan trọng trong quá trình hội nhập của Việt Nam.
Với hàng loạt các nội dung cam kết về điều kiện mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ và đầu tư và sớm được đưa vào thực thi, CPTPP được đánh giá là Hiệp định có ý nghĩa rất lớn, có sự tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế Việt Nam so với các FTA thế hệ mới khác.
Ngày 14/1/2019 vừa qua, Hiệp định này đã chính thức có hiệu lực. CPTPP có hiệu lực được kỳ vọng sẽ tạo một cú hích mạnh mẽ cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ngay từ năm nay và cả những năm tiếp theo. Cụ thể, xét trên mặt bằng chung, khoảng từ 78-95% số dòng thuế của Biểu thuế quan sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay khi CPTPP có hiệu lực. Một số ít mặt hàng còn lại có mức độ “nhạy cảm” cao với các nước sẽ có lộ trình xóa bỏ thuế trong vòng 5-10 năm... CPTPP thực thi, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như nông sản, thủy sản, dệt may, giày dép, đồ gỗ, hàng điện, điện tử và linh kiện điện tử, cao su sẽ được hưởng ngay mức thuế 0% khi đặt chân sang các thị trường thuộc CPTPP. CPTPP được kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu, giảm thâm hụt thương mại và mức độ phụ thuộc vào các thị trường truyền thống; tăng xuất khẩu và mở ra các thị trường mới cho doanh nghiệp (DN) nước ta.
Theo chia sẻ của cộng đồng DN Việt, CPTPP có hiệu lực sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho DN. Các nước thành viên của CPTPP khi đầu tư vào Việt Nam không chỉ là cơ hội tiếp cận thị trường mà còn mở rộng ra khu vực Đông Nam Á, châu Âu, ngược lại DN Việt Nam được tiếp cận các thị trường mới, có nhiều cơ hội hơn trong xúc tiến đầu tư.
Nhiều DN cho rằng, những lợi thế về thương mại, xuất khẩu cho DN là rất rõ ràng vì thuế giảm sâu, nhưng cái mà DN được nhất chính là những thay đổi về thể chế cho phù hợp, là sự thông thoáng trong kinh doanh. Bởi, tham gia CPTPP hay các FTA nói chung, có nghĩa rằng, Việt Nam sẽ phải thay đổi các văn bản pháp luật không còn phù hợp với sân chơi hội nhập, phải tuân thủ các quy tắc của các FTA thế hệ mới. Và đây chính là lúc những “dây trói” ràng buộc trong môi trường kinh doanh trước đây được tháo bỏ.
Như vậy, rõ ràng những lợi thế mà FTA thế hệ mới này mang lại chắc chắn sẽ mở ra nhiều cơ hội cho rất nhiều các lĩnh vực hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, giới chuyên gia cũng chỉ rõ, bên cạnh những cơ hội mà chúng ta nhìn thấy, thách thức cũng không phải là ít. Bởi, xu hướng các nền kinh tế trên thế giới đều rất mở, hội nhập sâu nên khi Việt Nam tham gia vào các FTA thế hệ mới sẽ phải cạnh tranh với các nước đang phát triển khác, kể cả với những nước trong khu vực.
Nhà nước, doanh nghiệp cùng vào cuộc
Nhận định về CPTPP cũng như các FTA mà chúng ta đang cam kết thực thi, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, nếu nền tảng nội lực yếu thì cho dù có tham gia các FTA, chúng ta vẫn khó có thể bắt kịp với các nước không có FTA nhưng có nền tảng nội lực tốt hơn. Tăng nội lực là đòn bẩy quan trọng để chúng ta có thể tăng khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, có thể hấp thụ được những cơ hội mới từ các FTA mang đến. Ngược lại, khi không đủ năng lực, chúng ta sẽ mất đi những cơ hội ở phía trước.
Theo bà Phạm Chi Lan, những quy định, chuẩn mực mà các FTA đưa ra không hề “dễ chịu” chút nào. Song, nếu coi đó là động lực để Việt Nam có thể thay đổi thì chính những chuẩn mực, quy định đó lại tạo ra những cơ hội mới. Từ những áp lực này, Việt Nam chắc chắn sẽ có sự “lột xác”, từ một nước chỉ chuyên làm gia công, chúng ta sẽ phải nỗ lực đổi mới công nghệ, tăng cường giá trị nội địa, tận dụng tối đa những lợi ích mà hội nhập mang lại.
Cũng thừa nhận rằng, Việt Nam sẽ phải chuẩn bị nội lực tốt để có thể thích ứng với những cam kết trong các FTA thế hệ mới, trong đó có CPTPP, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng, việc thực thi một FTA thế hệ mới như CPTPP với những cam kết rất cao trong tất cả các lĩnh vực đặt ra cho nền kinh tế đất nước và cộng đồng DN những thuận lợi mới, những thách thức mới. Dù những thuận lợi chúng ta đã nhìn thấy rất rõ, song người đứng đầu ngành Công thương cũng cho rằng, nếu không chuẩn bị nội lực thì chính chúng ta sẽ tự làm khó mình. “Không chỉ các bộ, ngành Trung ương mà ngay cả các địa phương, cơ sở cần có những hiểu biết cơ bản về CPTPP để từ đó tạo sự đồng thuận, hiểu rõ trách nhiệm của mình để từ đó thực thi hiệp định CPTPP ở mức cao nhất, đem lại động lực phát triển mới” - Bộ trưởng Bộ Công thương nhấn mạnh.
Được biết, ngay khi Hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực từ ngày 14/1/2019, Chính phủ đã ban hành Kế hoạch về việc thực hiện CPTPP tại Quyết định số 121/QĐ-TTg ngày 24/1/2019. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ theo dõi, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức đại diện DN triển khai thực hiện và có báo cáo định kỳ về kết quả thực hiện, cũng như kiến nghị các biện pháp cần thiết để bảo đảm Kế hoạch được thực hiện hiệu quả và đồng bộ. Theo ông Ngô Chung Khanh- Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương), thực hiện yêu cầu của Chính phủ, các địa phương đã tập trung xây dựng, triển khai kế hoạch thực hiện CPTPP. Theo đó, tính đến hết ngày 3/4/2019, Bộ Công thương đã nhận được báo cáo của 13 bộ, ngành, cơ quan cấp Trung ương và 35 cơ quan cấp địa phương. Các báo cáo về Bộ Công thương cho thấy, về cơ bản, các bộ, ngành, địa phương đều xây dựng Kế hoạch theo 5 nhóm lĩnh vực chính, trong đó chú trọng vào công tác tuyên truyền về Hiệp định dưới nhiều hình thức đa dạng khác nhau; tiến hành rà soát, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành nhằm đảm bảo phù hợp với các quy định của CPTPP; triển khai các chương trình hỗ trợ và nâng cao năng lực cạnh tranh, xây dựng chính sách và cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực, khu vực trong phạm vi quản lý,...
Có thể thấy, cả nhà quản lý cũng như cộng đồng DN, từ cấp Trung ương đến cấp địa phương đã nỗ lực để có thể thể đón nhận những cơ hội mà FTA thế hệ mới này mang lại, biến những thách thức, khó khăn thành những động lực để vươn lên, từ đó tạo đà tăng trưởng cho toàn nền kinh tế.
Nhận định trước những chuyển động này của toàn xã hội, PGS.TS Nguyễn Văn Nam- Chủ tịch Hội đồng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh khẳng định: Việc chúng ta phải hành động là điều chắc chắn, bởi nếu DN chỉ dừng lại ở mức độ nhận thức mà không hành động, hiệu quả của việc gia nhập CPTPP sẽ không khác gì việc chúng ta ngồi trên “đống vàng” mà không biết cách khai thác. “Chính bởi vậy, sự vào cuộc của nhà quản lý, DN là tất yếu, là điều chúng ta cần phải làm để thích nghi để có thể hành động kịp thời, biến mọi thách thức trong FTA thế hệ mới thành cơ hội để phát triển” - ông Nam nhấn mạnh.