Gần 200 bệnh nhân đau mắt đỏ mỗi ngày, coi chừng mất kỳ nghỉ lễ vì bệnh lây lan
Chia sẻ Dân trí BS Hoàng Cương, BV Mắt Trung ương cho biết, vừa bước vào mùa nóng, số bệnh nhân đau mắt đỏ đang gia tăng, có khoảng 160 - 200 ca đến viện khám mỗi ngày. Do tính chất dễ lây lan, bệnh dễ xảy ra trong gia đình, trường học khiến cả nhà đều mắc bệnh.
Bệnh nhân đến khám vì đau mắt đỏ.
Một người đau mắt đỏ cả nhà lo
Đưa con gái 10 tuổi đến BV Mắt Trung ương khám vì đau mắt đỏ, chị Thu Thuỷ (Hoàng Mai) bày tỏ lo lắng nhà còn 2 đứa em, ông bà nội nên chỉ sợ lây cho cả nhà. Chị cũng không dám đưa con về ông bà ngoại vì quân số trẻ em nhà ngoại còn đông hơn, lên đến 10 đứa.
"Cả kỳ nghỉ lễ này coi như mất nghỉ ngơi, chơi bời vì phải ở nhà chăm con, mà làm sao để không lây lan cho những thành viên còn lại trong gia đình mới là điều đáng ngại", chị Thuỷ cho biết.
Theo BS Hoàng Cương, bệnh về mắt gặp nhiều nhất trong mùa nóng. Thời điểm mùa hè, có những ngày bệnh viện mắt tiếp nhận đến 3000 bệnh nhân tới khám, trong khi những ngày thường chỉ khoảng 1000 bệnh nhân. Đặc biệt đầu hè, tỉ lệ bệnh nhân đau mắt đỏ gia tăng, khoảng 160 - 200 bệnh nhân tới khám mỗi ngày.
Do tính chất lây lan mạnh, bệnh dễ xảy ra ở cả gia đình. “Một cái dụi mắt của người bệnh rồi cầm, nắm các vật dụng sinh hoạt chung như tay nắm cửa, nút bấm cầu thang, ga đệm… có thể mang vi rút ra ngoài. Người chưa mắc bệnh khi tiếp xúc với vi rút từ các vật dụng sinh hoạt này, đưa tay lên mũi, mắt là có thể bị nhiễm bệnh", BS Hoàng Cương cảnh báo.
BS Hoàng Cương cũng khuyến cáo người dân khi mắc bệnh tuyệt đối không tự ý sử dụng các loại thuốc chống viêm corticoid, thành phần thường có một kháng sinh là: polymyxin, neomyxin hoặc chloramphenicol (có tác dụng chống nhiễm khuẩn), và một thành phần là corticoid như dexamethazon.
"Khi mắt bị đỏ, sưng, phù nề, nhỏ mắt loại thuốc này sẽ nhanh chóng làm giảm đỏ mắt, người bệnh thấy dễ chịu nên rất thích dùng và còn truyền miệng cho nhau. Thế nhưng, corticoid là con dao hai lưỡi, vì có tính kháng viêm mạnh nên hiệu quả điều trị nhanh, nhưng nếu người bệnh dùng không đúng, lạm dụng thuốc hoặc dùng thuốc kéo dài sẽ gây ra tai biến do thuốc như dị ứng, làm trầm trọng thêm bệnh", BS Hoàng Cương cảnh báo.
Với đau mắt đỏ, bác sĩ thăm khám trực tiếp, không có tổn thương ở đáy mắt, không có biến chứng giác mạc bác sĩ có thể kê corticoid liều thấp, ngắn ngày để bệnh nhân nhanh khỏi hơn, đỡ ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt do thời gian bị đau mắt đỏ kéo dài.
Nhưng ngược lại, nếu bệnh nhân đã có biến chứng tổn thương giác mạc, tuyệt đối không nhỏ mắt corticoid, vì sẽ khiến tình trạng đau mắt đỏ trầm trọng hơn.
Chưa kể, lạm dụng corticoid kéo dài còn có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm không chỉ cho mắt (như gây tăng nhãn áp, tổn thương thần kinh thị giác, giảm thị lực… mà còn có thể gây những triệu chứng toàn thân. Vì thế, tuyệt đối không tự ý sử dụng các loại thuốc chứa corticoid trong điều trị.
Giữ vệ sinh để phòng bệnh
Các bác sĩ khuyến cáo, vi rút đau mắt đỏ rất dễ lây lan khi tiếp xúc gần. Trong dịp nghỉ lễ, nơi tập trung đông người sẽ là điều kiện lý tưởng để phát tán vi rút.
Vì bệnh đau mắt đỏ rất dễ mắc, dễ gây thành dịch nên người mắc bệnh phải có ý thức phòng bệnh không để lây lan cho người khác.
Với trẻ em, người lớn chăm cho trẻ phải hết sức lưu ý để không lây bệnh. Đặc biệt cần rửa tay xà phòng ngay khi rửa mắt, nhỏ thuốc cho người bệnh. Nghỉ học, nghỉ làm, hạn chế tiếp xúc để tránh lây nhiễm cho người xung quanh. Tuyệt đối không dùng chung các vật dụng cá nhân như khăn, chậu rửa mặt, cốc uống nước, nên thay giặt ga trải giường...
Khi có dấu hiệu đau mắt đỏ, hãy cách ly để phòng lây lan cho người thân trong gia đình. Dùng nước muối sinh lý rửa mắt mỗi ngày 4 - 5 lần để rửa trôi vi rút. Cần lưu ý không dùng chung lọ nước muối, không để đầu lọ thuốc chạm vào mắt.
Người bị đau mắt đỏ cũng cần cho mắt nghỉ ngơi, ngừng lướt máy tính, điện thoại, tivi, nhắm mắt, nhìn xa... để tránh hiện tượng chói, chảy nước mắt.