Gỡ ‘4 vấn đề trọng tâm’ để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

M.Loan-H.Vũ 02/05/2019 14:32

“Thu hút có chọn lọc các phân đoạn thị trường khách du lịch có khả năng chi trả cao và lưu trú dài ngày” - là chuyên đề được ông Ngô Quang Tùng, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và ông Ngô Văn Tuấn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đồng chủ trì sáng 2/5 trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế tư nhân 2019.

Gỡ ‘4 vấn đề trọng tâm’ để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Quang cảnh phiên họp.

Sản phẩm du lịch chưa thực sự hấp dẫn và có sự khác biệt

Ngày 16/1/2017, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW Về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Theo đó, du lịch nước ta được kỳ vọng đến năm 2020 sẽ thu hút được 17 - 20 triệu khách quốc tế, 82 triệu lượt khách nội địa, chỉ tiêu tổng thu du lịch là 35 tỷ USD, tạo ra 4 triệu việc làm cho người lao động và cơ bản đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn để tạo động lực phát triển các ngành, lĩnh vực khác. Phấn đấu đến năm 2030, du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác.

Để triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, Chính phủ đã ban hành chương trình hành động. Trong đó, Đề án “Cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn” đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phê duyệt tháng 12/2018 mục tiêu ghi rõ: “Trong thời gian tới, ngành du lịch sẽ tập trung khai thác các thị trường khách du lịch có khả năng chi trả cao, nghỉ dưỡng dài ngày; đẩy mạnh thu hút phân khúc thị trường khách du lịch theo một số loại hình du lịch chuyên đề mà Việt Nam có lợi thế như du lịch cộng đồng, du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch sự kiện, hội nghị, hội thảo (MICE), du lịch golf, du lịch ẩm thực”.

Từ thực tế đó, theo Ban Kinh tế Trung ương việc lựa chọn chuyên đề: “Thu hút có chọn lọc các phân đoạn thị trường khách du lịch có khả năng chi trả cao và lưu trú dài ngày” để tập trung trao đổi, hiến kế, đề xuất hoàn thiện các cơ chế, chính sách về 4 nhóm vấn đề quan trọng: như cải thiện tính cạnh tranh của chính sách thị thực Việt Nam; cải thiện năng lực cạnh tranh và tính bền vững của du lịch Việt Nam; cải thiện hạ tầng hàng không Việt Nam; và chiến lược quảng bá du lịch Việt Nam.

Theo ông Ngô Văn Tuấn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có sự tham gia, liên kết của rất nhiều ngành, như: Văn hóa, thể thao; Giao thông vận tải; Công thương; Nông nghiệp; Tài chính; Ngân hàng; Ngoại giao; Công An; Thông tin và truyền thông. Trong những năm qua, ngành Du lịch đã có bước phát triển nhanh và đạt được nhiều kết quả quan trọng, rất đáng khích lệ.

Ông Ngô Văn Tuấn đã khái quát một số thành tựu như: tốc độ tăng trưởng khách du lịch quốc tế, khách du lịch nội địa tăng trên 10%/năm; đóng góp trên 6,8% GDP. Hạ tầng du lịch và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch ngày càng phát triển. Loại hình sản phẩm, dịch vụ du lịch ngày càng phong phú và đa dạng. Chất lượng và tính chuyên nghiệp từng bước được nâng cao. Lực lượng doanh nghiệp du lịch lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, tạo được một số thương hiệu có uy tín ở trong nước và quốc tế. Bước đầu hình thành một số địa bàn và khu du lịch trọng điểm. Sự phát triển của ngành du lịch đã và đang góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và xuất khẩu tại chỗ; bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, tài nguyên thiên nhiên; tạo nhiều việc làm, nâng cao đời sống nhân dân; đẩy mạnh quá trình hội nhập quốc tế, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.

Tuy nhiên bên cạnh những thành quả đó, theo ông Tuấn, ngành du lịch còn phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và kỳ vọng của xã hội. Đơn cử như: sản phẩm du lịch chưa thực sự hấp dẫn và có sự khác biệt, khả năng cạnh tranh chưa cao. Chất lượng dịch vụ du lịch chưa đáp ứng yêu cầu. Hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch chưa cao. Môi trường du lịch, an toàn thực phẩm và an toàn giao thông còn nhiều bất cập. Công tác xúc tiến, quảng bá du lịch còn nhiều hạn chế về nguồn lực; sự phối hợp và tính chuyên nghiệp, hiệu quả chưa cao. Nguồn nhân lực du lịch vừa thiếu vừa yếu. Doanh nghiệp du lịch chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa; vốn, nhân lực và kinh nghiệm quản lý còn hạn chế. Vai trò của cộng đồng trong phát triển du lịch chưa được phát huy.

Đề xuất miễn visa 5-10 năm

Theo ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, hiện nay du lịch có hơn 40.000 doanh nghiệp, trong đó đại bộ phận là doanh nghiệp tư nhân, do đó phát triển du lịch cũng là phát triển kinh tế tư nhân. Những kết quả cho thấy du lịch đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, với lượng khách và doanh thu tăng gần gấp hai lần. Tuy nhiên số liệu cho thấy trong 4 tháng đầu năm 2019 cho thấy, lượng khách du lịch tăng 7,6% là thấp nhất trong những năm vừa qua. Do đó vấn đề đầu tiên là cần cải thiện tính cạnh tranh trong thị thực cho khách đến Việt Nam.

Ngay sau đó, ông Trương Tấn Sơn, đại diện Saigontourist cho rằng thủ tục cấp thị thực của chúng ta khiến những người xin cảm thấy không được chào đón. Do đó cần miễn thị thực visa cho nhiều quốc gia, miễn 5 đến 10 năm với người có thu nhập cao, những người đi du lịch, công tác thường xuyên.

Ông Sơn cũng cho rằng, hiện nay các sản phẩm du lịch của Việt Nam không rõ đang nhắm tới gì, nghỉ dưỡng hay mua sắm giải trí? Và theo ông Sơn Việt Nam đang thiếu những sản phẩm thương mại quốc gia, trong khi Hàn Quốc có sâm, châu Âu có shopping, Cuba có xì gà. Từ đó theo ông Sơn chúng ta cần nhắm đến khai thác khách du lịch từ các thị trường tiềm năng như Bắc Âu, Bắc Mỹ.

Cùng chung quan điểm, ông Phạm Hà, Giám đốc công ty du lịch Sang Trọng cho rằng trong 4 nút thắt của ngành du lịch thì có vấn đề về “visa”. Bởi theo ông Hà đây là rào cản rất lớn. “Hiện tại đang là 15 ngày, chúng ta có thể nâng lên 30 ngày thậm chí dài hơn. Tôi kiến nghị chúng ta bỏ visa càng nhiều nước càng tốt. Indonesia bỏ tới 169 nước. Chúng ta hoà bình, thân thiện nhưng lại không bỏ visa. Về sản phẩm du lịch, chúng ta vẫn loay hoay định vị Việt Nam là điểm đến như thế nào?. Từ trước tới nay chúng ta vẫn định vị là điểm đến văn hoá, nếu vậy khách chỉ đến một lần. Nếu định vị Việt Nam là điểm đến du lịch biển, khách sẽ trở lại để thử những trải nghiệm mới và chúng ta cần tạo điều kiện khách trở lại thuận lợi hơn” - ông Hà đề xuất.

Và quan điểm “cần tạo điều kiện visa thuận lợi” cũng nhận được sự đồng tình từ ông Lê Quang Tùng, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Thu hút khách chi trả cao

Dẫu Việt Nam đứng thứ 32 toàn cầu về số lượng và sự hấp dẫn của tài nguyên thiên nhiên, văn hoá với 8 di sản thế giới được UNESCO công nhận, tuy nhiên để du lịch thực sự phát huy vai trò là một ngành kinh tế mũi nhọn quốc gia, phát huy đúng vai trò ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp thì theo ông Lê Quang Tùng, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch “vẫn còn có rất nhiều việc cần tiếp tục làm”. Mà theo đó là cần tiếp tục cải thiện, sự đầu tư mạnh mẽ, tập trung với quyết tâm cao của tất cả các bên để giải quyết các vấn đề cả trước mắt và lâu dài.

Dẫn chứng theo các số liệu thống kê và đánh giá của chuyên gia cho thấy, du lịch quốc tế đến Việt Nam đang tăng trưởng nhanh nhưng ông Tùng nhìn nhận, năm 2018 tổng số du khách quốc tế vẫn thấp so với một số nước trong khu vực như: Thái Lan (38 triệu), Malaysia (25 triệu), Singapore (18,5 triệu), Indonesia (15,8 triệu). Trong khi đó, khách chi tiêu còn khiêm tốn. Tỷ trọng của các thị trường chi tiêu cao có xu hướng giảm dần từ năm 2015. Đơn cử như khách Bắc Mỹ giảm từ 7,6 đến 5,8; châu Âu từ 14,6% xuống 13,1%; trong khi khách châu Á tăng mạnh.

“Các thị trường ngách chi tiêu cao như golf vẫn chưa đủ sức cạnh tranh với các nước trong khu vực. khách quốc tế đến Việt Nam nghỉ lâu hơn nhưng chi tiêu ít hơn so với các nước trong khu vực. Khách chi tiêu ở ta là 96 USD một ngày nhưng ở Sing là 330 USD mỗi ngày. Nếu không được giải quyết thì sẽ là trở ngại để ngành du lịch nước ta phát triển xứng đáng với tiềm năng và đạt được những kỳ vọng. Vì vậy ngành du lịch cần tập trung khai thác các thị trường chi trả cao, du lịch chuyên đề, tăng tỷ trọng khách du lịch tự trải nghiệm thay vì trọn gói” - ông Tùng cho hay. Đồng thời đề xuất cần đa dạng hoá và nâng cao chất lượng sản phẩm, thúc đẩy các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, công tác kết hợp du lịch cao cấp, cá nhân hoá cao. Đa dạng thị trường nguồn, phát triển thị trường chi tiêu cao như Nhật, Bắc Mỹ, Bắc Âu, Trung Quốc và Hàn Quốc và hướng tới phân khúc thị trường cao cấp.

Nhưng để làm được điều đó theo ông Tùng cần tạo điều kiện visa thuận lợi, thu hút khách chi trả cao, du lịch tàu biển; tập trung khả năng kết nối hàng không, nâng cao năng lực vận tải hành khách của các hãng; quản lý điểm đến, môi trường, an toàn an ninh cho du khách; chú trọng đào tạo kỹ năng ngoại ngữ, chuyên nghiệp cho nhân lực ngành du lịch từ cấp thấp đến quản lý cao cấp.

* Ông Ngô Văn Tuấn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương: “Các rào cản cần được tháo gỡ để tăng tính chuyên nghiệp cho người lao động”

Trong 3 năm trở lại đây, ngành du lịch đang thể hiện sự tăng trưởng mạnh mẽ khi số lượt khách du lịch quốc tế không ngừng gia tăng và nguồn thu từ du lịch cũng tăng trưởng liên tục, kinh tế tư nhân thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế. Cải cách hành chính được đẩy mạnh, môi trường được cải thiện. Kinh tế tư nhân được đối xử bình đẳng, sức cạnh tranh không ngừng được cải thiện, bước đầu hình thành một số tập đoàn lớn. Đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh. Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp kết hợp từ nhiều ngành, 99% doanh nghiệp du lịch là tư nhân, do đó có sự đóng góp to lớn của kinh tế tư nhân. Tuy nhiên để phát triển ngành du lịch, các rào cản cần được tháo gỡ để tăng tính chuyên nghiệp cho người lao động trong ngành du lịch.

M.Loan-H.Vũ