Làm gì để khơi thông dòng vốn, tín dụng?
Đó là vấn đề được nhiều đại biểu đặt ra tại Hội thảo chuyên đề với chủ đề: “Khơi thông dòng vốn trung-dài hạn cho phát triển kinh tế - xã hội” do ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nướcViệt Nam; và ông Trần Xuân Hà, Thứ trưởng Bộ Tài chính đồng chủ trì nằm trong khuôn khổ chương trình Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 diễn ra sáng 2/5.
Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại hội thảo.
Kinh tế tư nhân vẫn khó tiếp cận các nguồn vốn
Ngày 3/6/2017, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nghị quyết 10 cũng nêu rõ các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để phát triển kinh tế tư nhân, trong đó có nhiệm vụ phải tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân, nhất là tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn lực của kinh tế tư nhân. Theo đó, Nhà nước tạo điều kiện bình đẳng, thuận lợi cho kinh tế tư nhân tiếp cận vay vốn ngân hàng, huy động vốn trên thị trường chứng khoán, nhất là phát hành trái phiếu doanh nghiệp và sử dụng các dịch vụ tài chính với chi phí hợp lý; Phát triển đa dạng các định chế tài chính, các quỹ đầu tư mạo hiểm, các quỹ bảo lãnh tín dụng, các tổ chức tài chính vi mô, các tổ chức tư vấn tài chính, dịch vụ kế toán, kiểm toán, thẩm định giá, xếp hạng tín nhiệm. Đẩy mạnh cơ cấu lại và phát triển đồng bộ thị trường chứng khoán, thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp và các thị trường chứng khoán phái sinh để thị trường chứng khoán thực sự trở thành một kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng của các doanh nghiệp tư nhân.
Phát biểu tại hội thảo ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh: Sau gần 2 năm thực hiện Nghị quyết 10, với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và sự tham gia tích cực của nhân dân, cộng đồng tài chính và doanh nghiệp, kinh tế tư nhân đã có những bước phát triển quan trọng. Các chủ trương, quan điểm của Nghị quyết 10 từng bước được thể chế hóa; nhiều chính sách, pháp luật đã được Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương ban hành nhằm khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho kinh tế tư nhân phát triển.
Điểm nhấn theo ông Nghĩa là hệ thống tài chính, ngân hàng tiếp tục được củng cố, cơ cấu lại và phát triển ổn định, an toàn và đáp ứng tốt hơn nhu cầu vốn, dịch vụ tài chính, ngân hàng cho nền kinh tế. Kinh tế tư nhân tiếp cận thuận lợi, bình đẳng hơn các nguồn vốn chính thức và các thị trường các yếu tố sản xuất. Năm 2018, tỷ lệ dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng so GDP hơn 130%; quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu tương đương 71,6% GDP (vượt chỉ tiêu 70% GDP đề ra tại Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn 2011-2020); tổng giá trị trái phiếu niêm yết trên thị trường đạt 1.122 nghìn tỷ đồng, tương đương với 20,3% GDP.
Tuy nhiên, ông Nghĩa cũng chỉ rõ đến nay hệ thống tài chính, ngân hàng vẫn chưa đáp ứng đầy đủ vốn cho phát triển kinh tế - xã hội. Kinh tế tư nhân vẫn đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, rào cản phát triển, trong đó có vấn đề tiếp cận các nguồn vốn, nhất là nguồn vốn trung và dài hạn. Nhiều phản ánh, kiến nghị về tình trạng thiếu vốn và khó khăn trong huy động, vay vốn từ thị trường tài chính. Những khó khăn, vướng mắc về tiếp cận vốn của kinh tế tư nhân xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, khách quan và chủ quan, từ cơ chế, chính sách và từ bản thân doanh nghiệp và các định chế tài chính, tín dụng, ngân hàng.
Xét về thực trạng cấu trúc thị trường tài chính hiện nay, theo ông Nghĩa hệ thống ngân hàng vẫn là kênh cung ứng vốn quan trọng nhất trong nền kinh tế, trong khi thị trường vốn vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển. Do đó, để thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững kinh tế - xã hội nói chung và phát triển kinh tế tư nhân nói riêng theo tinh thần Nghị quyết 10, cần phải bảo đảm phát triển mạnh mẽ hơn các thị trường tài chính và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho kinh tế tư nhân tiếp cận vốn.
Do đó, ông Nghĩa cho rằng cần trao đổi, đối thoại về những khó khăn, rào cản, ách tắc xung quanh một số trọng tâm như: Khơi thông tín dụng trung - dài hạn của hệ thống ngân hàng; Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp; Phát triển mô hình quỹ hưu trí tự nguyện và mô hình quỹ đầu tư bất động sản.
Làm sao để thúc đẩy phát triển quỹ đầu tư bất động sản tại Việt Nam?
Đó là vấn đề được nhiều đại biểu đặt ra bởi quỹ đầu tư bắt động sản đã manh nha từ năm 2012. Trước vấn đề trên, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam cho rằng, thị trường bất động sản theo xu hướng của nền kinh tế, đang có dấu hiệu giảm sút. Năm 2009-2010, thị trường sốt giá nhưng không có người mua gây lên khủng hoảng và đóng băng, kéo theo ngành ngân hàng khó khăn.
Dẫn chứng trong quý I-2019, tỷ lệ hấp thụ đạt 90%, vàtín dụng vào bất động sản bị siết chặt và giảm mạnh, tổng dư nợ vào bất động sản chỉ hơn 500.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng nhỏ. Hiện tại, giảm sút theo hướng sức mua của người dân mạnh nhưng hàng hóa không có bởi 2 năm nay, các thủ tục cấp phép bị siết chặt, người dân chuyển sang mua đất nền. Do đó theo ông Nam, các ngân hàng nên siết chặt cho vay đất nền.
Toàn cảnh hội thảo.
Là nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cũng như người từng phụ trách vấn đề bất động sản, ông Nam cũng nhìn nhận, quỹ bất động sản cho phép đầu tư vào dự án chưa hoàn thành mới thực sự là động lực cho các dự án. Tuy nhiên, quỹ bất động sản theo như Nghị định 58, Nghị định 60, quỹ có sự pha trộn giữa quỹ đầu tư bất động sản và quỹ tín thác bất động sản. Bên cạnh đó, Thông tư 36 chuẩn bị sửa đổi, ban hành lộ trình 2 năm. Gần đây, việc điều hành có sự nhìn trước, thông báo trước và có lộ trình từ từ. Do đó theo ông Nam, bên cạnh sửa đổi khung pháp luật, các quy định chưa thúc đẩy hình thành và hoạt động quỹ.
Từ đó ông Nam kiến nghị ngân hàng tiết kiệm nhà ở theo mô hình của Đức, Séc. Những tổ chức này mang lại nhiều lợi ích cho người nghèo, người có thu nhập trung bình. Đồng thời cần sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong Thông tư 36 trong vốn ngắn hạn cho vay dài hạn, khoản 3 điều 8 Nghị định 20 do ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của doanh nghiệp. “Lý do dân không đầu tư vào các quỹ là do gửi ngân hàng an toàn hơn, thực tế nhiều quỹ có mức độ rủi ro cao. Nhà nước nên miễn thuế cho quỹ này, nên đánh thuế cho những người được chia cổ tức của thuế theo mô hình của Thái Lan, Indonesia” - ông Nam hiến kế.
Khắc phục tình trạng “đói vốn”
Tại hội thảo, đại diện các cơ quan quản lý Nhà nước và đại diện khu vực kinh tế tư nhân cũng đối thoại chính sách, trao đổi về thực trạng, khó khăn, vướng mắc và hiến kế, kiến nghị các cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển nguồn vốn tín dụng trung-dài hạn, thị trường trái phiếu và các mô hình đầu tư tài chính mới. Theo ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước, đa số nguồn vốn là ngắn hạn, dư nợ tín dụng vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Sự chuyển dịch từ tiền tệ sang thị trường vốn là tất yếu. Hiện, thị trường trái phiếu Chính phủ phát triển mạnh mẽ, kiểm soát lạm phát, và 2 năm trở lại đây trái phiếu doanh nghiệp chuyển dịch tích cực. Ông Hà cũng khẳng định, đối với tổ chức tín dụng, Ngân hàng nhà nước sẽ đưa ra quy định rõ ràng. Về lãi suất ưu tiên là 6,5%, thị trường tín dụng ngân hàng khác với thị trường vốn, nhất là khi phát hành trái phiếu. Qua đó, 18% số vốn dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Trong khi đó, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) cho rằng, bên cạnh sự điều chỉnh từ phía Nhà nước, các doanh nghiệp bất động sản cũng cần nâng uy tín doanh nghiệp để đủ điều kiện vay vốn. Đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, hiện nay có nhiều điểm mới mở ra khả năng huy động vốn, nhưng thông tin cần hết sức minh bạch.
Từ thực trạng doanh nghiệp “đói vốn” hiện nay, theo ông Cấn Văn Lực, Giám đốc Viện đào tạo và nghiên cứu Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam BIDV thì về thị trường tài chính cần phải tiếp tục hoàn thiện thể chế, tái cơ cấu thị trường tài chính và thị trường vốn, tăng cường minh bạch thông tin, cũng như xây dựng văn hóa minh bạch thông tin và văn hóa xếp hạng tín nhiệm.
Bên cạnh đó, ông Lực cũng cho rằng, với quỹ hưu trí tự nguyện thì chính sách thuế phải phù hợp hơn, quy định linh hoạt hoạt động của quỹ, cho phép rút trước hạn. Còn trong thị trường bất động sản, Chính phủ cần hoàn thiện khung pháp lý, giải đáp các vướng mắc về chuyển nhượng bất động sản, tăng tính thanh khoản, nhất là chứng chỉ quỹ, sửa đổi luật chứng khoán đồng thời cần có chính sách thuế phù hợp hơn mà vẫn quản lý được rủi ro đi kèm.