Nghề rèn của người Nùng An là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Quốc Đạt 05/05/2019 08:00

UBND huyện Quảng Uyên (tỉnh Cao Bằng) đã tổ chức lễ công bố nghề rèn của người Nùng An, xã Phúc Sen là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Nghề rèn của người Nùng An là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Phụ nữ cũng tham gia nghề rèn ở xã Phúc Sen, huyện Quảng Uyên.

Nghề rèn, đúc của người Nùng An ở xã Phúc Sen (Quảng Uyên) đã có lịch sử hàng trăm năm. Sản phẩm của làng nghề như dao, kéo, công cụ sản xuất nông nghiệp… đạt chất lượng tốt, có danh tiếng và được người tiêu dùng ưa chuộng. Hiện nay, xã Phúc Sen có 6/10 xóm làm nghề rèn với 157 lò rèn, giải quyết việc làm cho trên 300 lao động, thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng. Chủ tịch UBND xã Phúc Sen Nông Thị Dung cho biết: Nhờ nghề rèn, đời sống nhân dân ổn định, khấm khá. Nghề rèn góp phần giúp xã Phúc Sen đạt chuẩn nông thôn mới năm 2016.

Với ý nghĩa lịch sử, văn hóa quan trọng trong đời sống người Nùng An, ngày 29/1/2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Quyết định số 446 công nhận nghè rèn của người Nùng An, xã Phúc Sen là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Uyên Nông Văn Thông, việc nghề rèn của người Nùng An, xã Phúc Sen được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là sự tôn vinh, ghi nhận giá trị đối với nghề rèn của địa phương. Đây là cơ hội quảng bá, nâng cao giá trị thương hiệu sản phẩm nghề rèn cho xã. Huyện Quảng Uyên sẽ tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức về giá trị lịch sử, văn hóa nghề rèn xã Phúc Sen trong nhân dân; đẩy mạnh hỗ trợ công tác truyền nghề cho thế hệ trẻ trong xã; thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường làng nghề; bảo vệ, quảng bá, nâng cao giá trị thương hiệu nghề rèn xã Phúc Sen trong và ngoài nước…

Quốc Đạt