Độc đáo những lễ cúng rừng
Không chỉ có người Nùng, người Thái có lễ cúng rừng độc đáo, bà con người Pa Dí, người Dao đỏ, người Hà Nhì… sống ở tỉnh Lào Cai hàng năm cũng đều tổ chức lễ cúng rừng. Đặc biệt, mới đây, người Giáy xã Bản Qua cũng đã khôi phục Lễ cúng rừng “Doong Sía”.
Thầy cúng thực hiện các nghi thức trong lễ cúng rừng của người Dao đỏ ở thôn Dền Sáng (Bát Sát - Lào Cai).
1. Xã Bản Qua thuộc huyện Bát Xát (tỉnh Lào Cai) là nơi có đông bà con người Giáy sinh sống. Đầu xuân Kỷ Hợi 2019, bà con nơi đây đã tổ chức khôi phục Lễ cúng thần rừng “Doong Sía” nhằm gửi gắm những mong ước, sự hy vọng về một năm mới no đủ, gia đình mạnh khỏe, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi...
Theo ông Nguyễn Văn Tâm- Phó Chủ tịch UBND xã Bản Qua: Nhằm bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc trên địa bàn, xã đã tạo điều kiện thuận lợi để cộng đồng người Giáy trong xã khôi phục Lễ cúng rừng Doong Sía. Đây là nghi lễ tín ngưỡng có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh của đồng bào Giáy. Việc khôi phục lễ cúng rừng sẽ là khởi nguồn cho các hoạt động văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc của đồng bào Giáy trên địa bàn xã.
Trong tiếng Giáy, “Doong Sía” nghĩa là “Rừng có thần”. Theo người xưa kể lại, khi người Giáy về đất Bản Qua lập nghiệp đã mang theo 6 viên đá tượng trưng cho 6 lĩnh vực trong xã hội và đặt theo tên gọi khác nhau, đó là: Lở Tả Lỳ đại diện cho lĩnh vực quân sự; Phan Tả Lỳ đại diện cho lĩnh vực nông nghiệp; Sử Tả Lỳ đại diện cho lĩnh vực y tế; Ú Tả Lỳ đại diện cho lĩnh vực chăn nuôi; Lù Tả Lỳ đại diện cho lĩnh vực thư ký, ghi chép; Sì Tả Lỳ đại diện cho lĩnh vực lâm nghiệp.
Trải qua thời gian, đời này qua đời khác, 6 viên đá được đặt xung quanh vị trí thờ tự cao nhất để cai quản làng, xã. Với người Giáy ở Bản Qua, lễ cúng thần rừng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Trong suy nghĩ cũng như trong tiềm thức của họ, các vị thần luôn phù hộ cho cuộc sống của con người. Thầy cúng Hoàng A Bình ở thôn Bản Vền, xã Bản Qua cho biết: Hằng năm, cứ vào ngày cuối cùng của tháng Giêng, người Giáy xã Bản Qua thường tổ chức lễ cúng các vị thần trong khu rừng cấm để cầu mong một năm mọi điều tốt đẹp. Nơi tổ chức lễ cúng là khu vực rừng cấm thuộc thôn Bản Vền. Lễ vật không cầu kỳ mà tùy thuộc vào nguyên liệu có sẵn như xôi, rượu, thịt lợn, gà, vịt, vàng, hương... Người dân cùng đóng góp tiền mua lễ vật và mời thầy cúng về làm lễ. Mỗi gia đình cử một đại diện, chủ nhà thường là đàn ông mang lễ vật đã chuẩn bị trước đến tham dự. Chủ trì lễ cúng là thầy cúng do người dân trong làng lựa chọn từ trước và phải là người Giáy trong thôn, có uy tín, am hiểu phong tục, được người dân nể trọng. Sau khi thầy cúng làm lễ xong, mọi người bày cỗ ăn ngay trong khu rừng cấm, nhưng chỉ được bày 7 mâm dù số lượng người đông hay ít. Đây cũng là dịp để người dân trong làng bày tỏ lòng biết ơn các vị thần và tổ tiên của họ, đồng thời gặp gỡ, giao lưu.
Cũng tại huyện Bát Xát, hằng năm, người Dao đỏ ở thôn Dền Sáng, xã Dền Sáng đều tổ chức Lễ cúng rừng. Đây là nghi lễ truyền thống có sự tham gia của toàn thể người dân trong thôn để cúng các thần linh, cầu mong cho mọi người khỏe mạnh, bình an, mùa màng tươi tốt, vật nuôi trong nhà lớn nhanh.
Lễ cúng rừng của người Dao nơi đây không chỉ trong phạm vi sinh hoạt văn hóa bản làng, mà còn được phát triển và mang tính cộng đồng cao, để nhắc nhở mọi người biết quý và bảo vệ rừng. Trong khu vực rừng tại Dền Sáng còn rất nhiều cây nguyên sinh cổ thụ được người dân bảo vệ và chăm sóc.
2. Cùng sống trên địa bàn tỉnh Lào Cai, bà con dân tộc thiểu số Pa Dí sinh sống ở huyện Mường Khương còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa tín ngưỡng truyền thống, mang ý nghĩa nhân văn tốt đẹp; trong đó có lễ cúng rừng đầu năm. Theo đó, Lễ cúng rừng được bà con người Pa Dí tổ chức vào ngày 5/3/2019 (tức 30 Giêng năm Kỷ Hợi), tại một khu rừng thôn Sa Pả 11, thị trấn Mường Khương, để cầu cho mưa thuận gió hòa, rừng cây xanh tốt, mọi người có sức khỏe và hạnh phúc trong cả một năm.
Sau khi thầy cúng khấn xin thần linh phù hộ những điều tốt đẹp, người dân trong thôn cùng thắp hương cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, sức khỏe, gia đình hạnh phúc. Sau các nghi thức tâm linh, bà con tổ chức các trò chơi dân gian như đánh cầu, chơi quay…
Còn một lễ tạ ơn thần rừng khá nổi tiếng nữa, đó là lễ “Gạ Ma Do” của người Hà Nhì ở Bát Xát. Người Hà Nhì ở Lào Cai thuộc nhóm Hà Nhì đen, với hơn 4.000 người, cư trú tập trung ở các xã Nậm Pung, Y Tý, A Lù, A Mú Sung, Trịnh Tường (Bát Xát) còn bảo tồn được nhiều nghi lễ truyền thống, trong đó có nghi lễ tạ ơn rừng thiêng “Gạ Ma Do”.
Lễ “Gạ Ma Do” không chỉ nhắc nhở các thế hệ người Hà Nhì trong thôn, bản cần có ý thức bảo vệ khu rừng thiêng, là nơi không được xâm phạm mà còn là dịp để dân bản được thể hiện ước nguyện trước các vị thần linh về cuộc sống yên bình cho cả năm.
Để chuẩn bị cho nghi lễ rước nước về làm lễ cúng “Gạ Ma Do”, đại diện các gia đình trong bản sẽ mang lễ vật là 1 đôi gà, kẹp xôi màu vàng, rượu, hương… ra đầu nguồn nước của bản để làm lễ tạ ơn thần nước. Nghi lễ này nhằm tạ ơn thần nước đã cung cấp nước sinh hoạt và trồng cấy trong suốt một năm qua, cầu mong năm mới nước vẫn cứ đầy và chảy mãi không cạn trong thôn, bản. Sau nghi lễ này, những người phục vụ sẽ lấy ống bương xin nước thần về làm lễ cúng “Gạ Ma Do”.
Trong mỗi thôn, bản người Hà Nhì đen ở Bát Xát đều có các khu rừng cấm, nguồn nước thiêng bao bọc, chở che. Rừng thiêng “Gạ Ma Do” luôn được coi là khu rừng quan trọng nhất, luôn nằm ở vị trí cao hơn thôn, bản. Từ trên rừng thiêng này, các vị thần có thể quan sát được hết các hoạt động của mọi người để bảo vệ thôn, bản được tốt hơn. Nơi đặt bàn thờ cũng phải là nơi trung tâm của khu rừng, luôn được các loại cây cổ thụ bao quanh, tỏa bóng mát cho khu vực thờ thần. Ở nơi thờ này, người dân sẽ chọn một gốc cây to hoặc giữa chỗ trống để cùng lấy những phiến đá lớn, bằng phẳng kê đặt thành một bàn thờ lớn với đầy đủ cả lưng ghế và hai tay ghế.
Theo phong tục của người Hà Nhì, trước và sau lễ cúng “Gạ Ma Do” 2 ngày, vào ngày Ngọ, người Hà Nhì tổ chức lễ “Dứ dò dò” tại nhà thầy cúng chính để làm lễ tạ ơn thần rừng và cảm ơn thầy cúng. Đây là lễ cúng có sự tham gia đông đủ nhất gồm trẻ con, người lớn, người già, kể cả người nơi khác tới cũng có thể tham gia.
Năm 2015, Lễ cúng rừng “Gạ Ma Do” của cộng động người Hà Nhì ở Y Tý đã được Bộ VHTTDL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể.