Canh tác lúa thích ứng xâm nhập mặn
Trung tâm Khuyến nông quốc gia đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng tổ chức diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp với chủ đề “Biện pháp canh tác lúa thích ứng xâm nhập mặn”.
Theo ông Lê Thanh Tùng, Vụ phó Vụ Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để đảm bảo an ninh lương thực đến năm 2030 diện tích đất lúa cả nước tối thiểu cần giữ là 3,2 triệu ha với diện tích gieo trồng 6 triệu ha và năng suất bình quân khoảng 6 tấn/ha. Theo phương án giữ đất lúa ở mức tối thiểu cho an ninh lương thực, xuất khẩu gạo sẽ giảm dần. Trường hợp xuất khẩu gạo đem lại lợi ích thì nếu giữ đất lúa ở khoảng 3,5 triệu ha, khả năng xuất khẩu gạo đạt 4-5 triệu tấn/năm.
Vùng Đồng bằng sông Cửu Long hiện có diện tích canh tác lúa hơn 1,85 triệu ha, chiếm hơn 48% diện tích sản xuất lúa cả nước và mức đóng góp GDP là 27% cả nước, thu ngoại tệ khoảng 3 tỷ USD, góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, gia tăng kim ngạch xuất khẩu cho cả nước, nâng cao đời sống vật chất, tạo cơ hội việc làm cho cư dân ở khu vực nông thôn.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, xâm nhập mặn thường xuyên xảy ra với tần suất và cường độ ngày càng tăng, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất lúa gạo nói riêng, trong khi đó lúa vẫn là cây trồng chủ lực ở đồng bằng sông Cửu Long.
Do đó, để hạn chế thấp nhất thiệt hại do hạn hán xâm nhập mặn gây ra, tại diễn đàn, các diễn giả, nhà khoa học của các viện, trường, nhà quản lý nông nghiệp đã đưa ra một số giải pháp như: Cần xác định cơ cấu mùa vụ lúa phù hợp, thích ứng với biến đổi khí hậu của vùng đồng bằng sông Cửu Long; khuyến cáo đến nhà nông một số biện pháp kỹ thuật canh tác cho sản xuất lúa thích ứng với vùng đất nhiễm mặn; chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu sản xuất có hiệu quả vùng nguy cơ xâm nhập mặn, kết quả thực hiện các mô hình canh tác lúa thích ứng với biến đổi khí hậu ở một số địa phương như Kiên Giang, Hậu Giang, Long An, Sóc Trăng…
Cũng theo lãnh đạo Cục Trồng trọt, đồng bằng sông Cửu Long sẽ có các vùng chuyên canh lúa trọng điểm, đảm bảo 2 vụ lúa năng suất cao (ở 30 huyện thuộc 8 tỉnh trong khu vực trọng điểm lúa); vùng sản xuất lúa thơm đặc sản, lúa hữu cơ (tập trung ở vùng bán đảo Cà Mau), là vùng luân canh tôm - lúa ở các tỉnh ven biển và vùng lúa mùa một vụ.
Vùng còn lại sản xuất lúa linh hoạt luân canh một vụ lúa với cây trồng cạn hoặc chuyển sang trồng chuyên cây trồng cạn ngắn ngày (rau, đậu, màu, hoa, cỏ phục vụ chăn nuôi...) khi cần thiết có thể chuyển sang trồng lúa…
Tại diễn đàn, các đại biểu cũng đặt nhiều câu hỏi xoay quanh vấn đề sử dụng các giống lúa chịu mặn; cách canh tác lúa bền vững trước thực trạng hạn hán xâm nhập mặn; cơ chế chính sách đảm bảo người sản xuất lúa có lợi nhuận tốt nhất; vấn đề tiêu thụ lúa sau thu hoạch; cách gieo sạ giảm lượng giống vẫn đảm bảo lúa đạt năng suất cao…
Các thắc mắc của đại biểu đều được các diễn giả và nhà khoa học cùng ngành chuyên môn giải đáp đầy đủ, giúp nhà nông yên tâm hơn trong việc áp dụng các tiến bộ khoa học, sử dụng giống mới, kỹ thuật canh tác cao, kỹ thuật chăm sóc lúa đặc sản, lúa hữu cơ, chuyển đổi giống cây trồng vật nuôi để thích ứng với biến đổi khí hậu xâm nhập mặn ngày càng gay gắt.