Stress ngày càng gia tăng trong xã hội hiện đại

Đức Trân 02/05/2019 16:38

“Stress” là một thuật ngữ được sử dụng rộng rãi hiện nay. Đôi khi bạn nói với ai đó: “tôi stress” – điều này khiến người đối diện hiểu rằng đang bị căng thẳng. Tuy vậy, trong xã hội hiện nay, stress được các chuyên gia y tế xem là “kẻ giết người thầm lặng” và đang dần trở thành vấn nạn toàn cầu – stress không chừa một ai.

Stress ngày càng gia tăng trong xã hội hiện đại

Số người bị stress ngày càng gia tăng

Theo thống kê của Bộ Y tế, tại Việt Nam có khoảng 15% dân số mắc các rối loạn tâm thần phổ biến liên quan tới stress. Thậm chí, trong thực tế, con số này còn lớn hơn và ngày càng gia tăng. Tại Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia (Bệnh viện Bạch Mai), nếu như cách đây 15-20 năm, trung bình tiếp nhận từ 1 đến 2 bệnh nhân/ngày, thì nay mỗi ngày viện tiếp nhận khoảng 300 bệnh nhân đến khám về các vấn đề rối loạn tâm lý, tâm thần, rối loạn lo âu, hoảng sợ, trầm cảm… liên quan đến stress.

TS BS Dương Minh Tâm - Trưởng phòng điều trị các rối loạn liên quan đến stress, Viện Sức khỏe Tâm thần - cho biết, nếu như cách đây 15-20 năm, trung bình tiếp nhận từ 1 đến 2 bệnh nhân/ngày, thì nay mỗi ngày viện tiếp nhận khoảng 300 bệnh nhân đến khám về các vấn đề rối loạn tâm lý, tâm thần, rối loạn lo âu, hoảng sợ, trầm cảm… liên quan đến stress, trong đó có nhiều bệnh nhân đang ở độ tuổi đi học. Các bệnh nhân mắc rối loạn liên quan đến stress do nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể là sức ép trong công việc, học tập, thất vọng trong sự nghiệp, mâu thuẫn trong gia đình, xã hội, sự thiệt hại về kinh tế hoặc mất người thân… Bên cạnh đó, rối loạn tình dục, giấc ngủ, rối loại ăn uống đều liên quan tới tâm thần. Nhiều ca sĩ, diễn viên nổi tiếng cũng gặp các sự cố về sức khỏe tâm thần mà căn nguyên gốc liên quan đến stress.

Riêng lứa tuổi học đường, trước đây chỉ gặp bệnh nhân lứa tuổi THPT, nhưng gần đây nhiều học sinh cấp THCS cũng đến khám vì rối loạn lo âu. Nhiều trẻ bị strees nặng đã có những hành động như tự nhổ tóc, rạch tay, đập đầu vào tường… Đáng lo ngại hơn, theo môt khảo sát mới đây của Bộ GD&ĐT về công tác tổ chức các hoạt động văn hoá và công tác tư vấn tâm lý trong trường học tại một số trường THCS, THPT, đại học trên địa bàn Hà Nội, Hải Dương. Kết quả cho thấy: Có đến 93,57% số HS-SV được hỏi gặp phải những khó khăn vướng mắc cần chia sẻ trong học tập và đời sống hàng ngày. Tỷ lệ này ở bậc phổ thông là 95,33% và bậc đại học là 85,92%. Đặc biệt, ở lứa tuổi học sinh phổ thông, mức độ thường xuyên có những vướng mắc và cần chia sẻ là 80,17%, cao hơn bậc đại học. Có 82,31% học sinh được hỏi đều có mong muốn nhà trường, cơ sở giáo dục có phòng tư vấn tâm lý riêng, kín đáo để thuận tiện cho các em có thể đến và chia sẻ về các vấn đề tâm lý của bản thân. Đa phần HS-SV mong muốn trong nhà trường có cán bộ chuyên trách tư vấn tâm lý được đào tạo bài bản, có chuyên môn về tâm lý học đường để các em chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong cuộc sống.

Stress kéo dài gây ra những hệ lụy rất lớn cho bệnh nhân. Chi phí y tế cho điều trị rối loạn lo âu gấp 3 lần các bệnh nội khoa thông thường. Đặc biệt, hơn 90% số người tự tử có rối loạn tâm thần. Tại Việt Nam, theo UNICEF, năm 2018, có tới 12% trẻ em độ tuổi từ 14 đến 18 mắc các rối loạn liên quan tới stress, như trầm cảm, rối loạn lo âu, sợ cô đơn…

Hiểu đúng về Stress

TS BS Dương Minh Tâm cho biết, trong điều kiện bình thường, stress là một đáp ứng thích nghi về mặt tâm lý và sinh lý. Stress đặt chủ thể vào quá trình dàn xếp thích ứng, tạo ra một cân bằng mới cho cơ thể sau khi chịu những tác động của môi trường. Nói cách khác, phản ứng stress bình thường đã góp phần làm cho cơ thể con người thích nghi. Nếu đáp ứng của cá nhân với các yếu tố gây stress không đầy đủ, không thích hợp và cơ thể không tạo ra được một cân bằng mới, thì những chức năng của cơ thể ít nhiều sẽ bị rối loạn, những dấu hiệu bệnh lý cơ thể, tâm lý, hành vi sẽ xuất hiện và sẽ tạo ra những stress bệnh lý cấp tính hoặc kéo dài

Stress bệnh lý cấp tính là các tình huống stress không thể lường trước được hoặc những tình huống quá dữ dội đối với chủ thể (người thân bị bệnh nặng, bị tấn công, gặp nguy hiểm…) xuất hiện trong vòng vài phút đến vài giờ hay vài ngày gây ra các stress bệnh lý cấp tính. Khi đó có sự hưng phấn quá mức về mặt tâm thần và cơ thể.

Stress bệnh lý kéo dài, thường gặp trong các tình huống stress quen thuộc lặp đi lặp lại đối với chủ thể như: Sự xung đột, sự bất toại hoặc những phiền nhiễu xảy ra thường xuyên trong đời sống hàng ngày. Các tình huống stress bất ngờ và dữ dội tiếp theo sau một phản ứng cấp ban đầu và không thoái lui hoàn toàn, hoặc sau một loạt nhiều phản ứng cấp thoáng qua.

Stress có thể là sức ép trong công việc, học tập, thất vọng trong sự nghiệp, mâu thuẫn trong gia đình, xã hội, sự thiệt hại về kinh tế hoặc mất người thân, ca sĩ diễn viên ngoài nghiệp diễn còn phải lo giữ hình ảnh hay người lao động phải lo chạy chỉ tiêu, KPI… Stress gây bệnh thường là những stress mạnh và cấp diễn (mất người thân đột ngột, tổn hại kinh tế nặng nề) hoặc có những stress không mạnh nhưng trường diễn, lặp đi lặp lại nhiều lần gây nhiều căng thẳng nội tâm. Bệnh xuất hiện có thể do một stress duy nhất hoặc do nhiều sang chấn kết hợp với nhau gây ra.

Đáng chú ý, stress có gây bệnh được hay không phụ thuộc rất nhiều vào sự chống đỡ của nhân cách. Nhân cách không chỉ có vai trò trong gây bệnh mà còn ảnh hưởng đến việc hình thành thể bệnh. Một nhân cách vững mạnh, có lý tưởng, tự nguyện chịu đựng stress thì dù stress có mạnh cũng khó gây bệnh. Nếu bị bệnh mà người đó có nhân cách mạnh thì cũng dễ khỏi bệnh. Một nhân cách yếu hoặc những người có tính cách chi ly, cầu toàn thì có thể bị bệnh chỉ sau một stress nhẹ, bệnh chậm hồi phục. Nhân cách có cảm xúc không ổn định, lo âu, căng thẳng, né tránh sẽ dễ bị tổn thương. Nhân cách có vai trò khác nhau tuỳ theo thể bệnh. Ví dụ: trong rối loạn phân ly nhân cách có vai trò hơn stress và ngược lại trong rối loạn stress sau sang chấn thì yếu tố stress có vai trò lớn hơn nhân cách.

Cần đi khám và điều trị kịp thời

Mặc dù bệnh rối loạn tâm thần có thể điều trị được, song cần phát hiện, điều trị sớm và phải tuân thủ điều trị. Hiện nay số lượng người bệnh rối loạn tâm thần được chữa trị còn rất thấp, cứ 10 người chỉ có 2-3 người được điều trị, trong đó điều trị bằng thuốc vẫn là chủ yếu, điều trị tâm lý và bằng thay đổi lối sống còn rất hạn chế.

Theo TS BS Dương Minh Tâm, dấu hiệu ban đầu của bệnh tâm thần rất đa dạng, bệnh nhân thường đi khám nhiều nơi mà không xác định được nguyên nhân, song ít người nghĩ đến căn nguyên tâm thần. Vì vậy, bác sĩ Tâm khuyến cáo, hãy nghĩ đến bệnh lý tâm thần và đưa người thân đến bác sĩ ngay nếu thấy các biểu hiện bất thường như rối loạn hành vi, tác phong và xúc cảm, thay đổi khác lạ trong cách ăn nói, rối loạn giấc ngủ… Cùng với đó, để phòng ngừa stress, mỗi người cần phải học cách phân bổ thời gian hợp lý cho mối quan hệ gia đình, bạn bè, công việc và những điều khác, dành thời gian để có hoạt động thư giãn, giải trí hợp lý.

Tiến sĩ Nguyễn Doãn Phương -Viện trưởng Viện Sức khỏe Tâm thần - nhấn mạnh: một người nếu thấy trước đây khỏe, mà nay xuất hiện triệu chứng mệt mỏi âu lo kéo dài, mất ngủ, khó thở, đau đầu hay các hiện tượng về tim mạch (hồi hộp, trống ngực) nhưng không thể giải thích được về mặt cơ thể, không tìm thấy căn nguyên và triệu chứng... nên đến khám ở các chuyên khoa sức khoẻ tâm thần. Đáng lo ngại là hiện nay có nhiều người bệnh không phát hiện và điều trị kịp thời và khi đến được với chuyên khoa tâm thần thì đã ở giai đoạn bệnh nặng, gây nên nhiều gánh nặng cho xã hội và người bệnh.

Trên thực tế, nhiều bệnh nhân rối loạn tâm thần lại đến khám chuyên khoa tim mạch. Rất nhiều trong số này được chẩn đoán nhầm là rối loạn tiền đình, suy nhược thần kinh, thiếu máu não… nhưng sau khám tim mạch và dùng thuốc điều trị, các bệnh trên đều không thuyên giảm. Vì vậy, người bệnh cần đi khám đúng chuyên khoa để được phát hiện và điều trị kịp thời.

Đức Trân