Thị trường 1,3 tỷ dân ngày càng khó tính
Trước kia, có ý kiến cho rằng Trung Quốc là thị trường dễ tính nhất, thì nay cục diện đã hoàn toàn thay đổi. Thị trường 1,3 tỷ dân này ngày càng “khó tính”, nếu muốn giữ vững chân tại thị trường này, các doanh nghiệp Việt cần khẳng định chất lượng, hiểu và tuân thủ các quy định nhập khẩu ngày càng khắt khe.
Với số dân 1,3 tỷ dân, thị trường Trung Quốc vẫn luôn là một thị trường tiềm năng cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, đặc biệt là lĩnh vực nông sản. Song thị trường này đang ngày càng trở nên khắt khe với hàng hóa nhập khẩu. Các doanh nghiệp Việt cần phải vượt qua được những rào cản quy chuẩn đó nếu muốn tiếp tục xuất khẩu vào thị trường tiềm năng này.
Nông sản xuất sang Trung Quốc sẽ phải tuân thủ nhiều quy định khắt khe.
Những quy chuẩn ngày càng khắt khe
Nếu như trước đây, vẫn có quan điểm cho rằng, trong số các thị trường nhập khẩu hàng hóa nông sản của ta, Trung Quốc là thị trường dễ tính nhất, thì nay, cục diện đã hoàn toàn thay đổi. Thị trường 1,3 tỷ dân này không còn dễ tính. Ngược lại, nếu muốn giữ vững chân tại thị trường này, các doanh nghiệp (DN) cần khẳng định chất lượng, hiểu và tuân thủ các quy định nhập khẩu của quốc gia này.
Theo Vụ Thị trường châu Á, châu Phi (Bộ Công thương), từ tháng 5 này, Trung Quốc yêu cầu thay đổi vật liệu đệm, lót dưa hấu xuất khẩu sang thị trường này. Nếu như trước đây khi xuất khẩu dưa hấu sang Trung Quốc, DN thường sử dụng đệm lót bằng rơm, thì theo yêu cầu mới nhất từ phía Trung Quốc, dưa hấu của ta khi xuất sang thị trường này phải thay đổi vật liệu đệm lót để không có khả năng mang theo các dịch bệnh gây hại.
“Họ khuyến cáo sử dụng các xốp lưới bằng ni lông để có thể phòng tránh các loại dịch bệnh đối với các trái cây khác” - Vụ Thị trường châu Á, châu Phi cho hay. Ngoài dưa hấu, nhiều sản phẩm nông sản xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc cũng được quốc gia này yêu cầu thay đổi vật liệu đệm lót, trong đó phải kể đến mít và chuối.
Theo Vụ Thị trường châu Á, châu Phi, với các sản phẩm mít và chuối, phía Trung Quốc khuyến cáo sử dụng giấy dai kraft để bọc và sử dụng bao bì, thùng bằng các tông, trên đó ghi thông tin truy xuất nguồn gốc.
Ngoài ra, tất cả các loại trái cây nhập khẩu sang Trung Quốc phải đăng ký mẫu tem truy xuất nguồn gốc tại cơ quan hải quan của Trung Quốc và dán tem nhãn này nên trên các sản phẩm hoặc trên bao bì. Thông tin trên tem nhãn phải gồm các thông tin về vườn trồng, cơ sở đóng gói… Danh sách vườn trồng và cơ sở đóng gói này phải được cơ quan nước xuất khẩu, ở đây là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông báo chính thức với cơ quan hải quan phía Trung Quốc.
Trước đó, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cũng đã nêu lên hàng loạt các quy định khi hàng hóa nông sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc, như việc phải đáp ứng các yêu kỹ thuật và quy định về an toàn nguyên liệu thực phẩm (Nghị định 15/2018/NĐ-CP); đáp ứng quy định về an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật của Trung Quốc; phải đăng ký mã số vùng trồng, địa danh với Hải quan Trung Quốc; các đơn vị nhập khẩu phải khai báo rõ ràng xuất xứ nguồn gốc vùng trồng - có nhãn mác; sản phẩm đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật bao gói, đảm bảo điều kiện vệ sinh, không nhiễm côn trùng hại.
Đặc biệt, Trung Quốc có một số thay đổi trong giám sát xuất nhập khẩu hoa quả vào nước này. Từ ngày 1/10/2019, sản phẩm thực phẩm nhập khẩu vào Trung Quốc phải có Chứng nhận an toàn thực phẩm do cơ quan có thẩm quyền nước xuất khẩu cấp cho các lô hàng.
Nâng sức cạnh tranh, không ngại thị trường nào
Như vậy, thị trường Trung Quốc đã không còn là thị trường, “dễ tính” theo nhiều ý kiến trước đây. Việc xuất khẩu hàng hóa vào nước này đã được siết chặt hơn với hàng loạt các yêu cầu, quy chuẩn mà nếu các DN xuất khẩu nông sản nước nhà không tuân thủ, chắc chắn sẽ bị loại khỏi thị trường này. Đồng ý rằng, đây đã từng là thị trường dễ tính, song, đó chỉ là khi chúng ta xuất khẩu qua đường tiểu ngạch, còn xuất khẩu qua đường chính ngạch, phía họ không hề “dễ tính” chút nào. Và hiện tại, việc xuất khẩu qua đường tiểu ngạch đã được Chính phủ cả hai bên siết chặt lại.
Trước đó, nói về câu chuyện hàng hóa nông sản Việt Nam thường xuất khẩu theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc, bà Nguyễn Thị Minh Thuý - Phó trưởng phòng Phòng Quan hệ quốc tế, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương nêu quan điểm, dù đây là thị trường tiềm năng, nhưng xuất khẩu nông sản của Việt Nam thực sự thiếu bền vững khi phụ thuộc rất lớn vào xuất khẩu tiểu ngạch. Trong khi đó, quy mô sản xuất của nông hộ còn nhỏ lẻ, phân tán, các mặt hàng nông sản chủ lực có sức cạnh tranh kém. Xuất khẩu tiểu ngạch lại luôn đe doạ những rủi ro do không có ràng buộc pháp lý giữa người mua và người bán.
Nói về những thách thức, khó khăn mà các DN xuất khẩu nông sản của Việt Nam cần phải vượt qua khi đối diện với hàng loạt các quy chuẩn mới mà phía Trung Quốc đưa ra, ông Shi Xin Biao – chuyên gia thị trường Trung Quốc bày tỏ lo lắng, công nghệ bảo quản, giữ tươi, điều kiện hạ tầng kho bãi của Việt Nam đang tồn tại nhiều hạn chế...Vị chuyên gia khuyến nghị, trong vòng10 năm tới, yêu cầu về chất lượng hoa quả, trái cây tại thị trường Trung Quốc sẽ được nâng lên cao hơn nhiều. Do đó, để đáp ứng các yêu cầu phía Trung Quốc đặt ra, Việt Nam cần phát triển công nghệ bảo quản tươi cho hoa quả cũng như xây dựng cơ sở hạ tầng để lưu giữ. Bên cạnh đó, làm tốt hơn việc quản lý nguồn gốc xuất xứ, quản lý về bao bì để nhanh chóng được thông quan quy trình kiểm định kiểm dịch của Hải quan Trung Quốc.
Về phía các DN trong nước, nhiều DN cho rằng, những quy chuẩn khắt khe từ phía nước láng giềng có tạo ra những thách thức mới cho các DN nước nhà, song bù lại, khó khăn, thách thức đó sẽ tạo động lực để DN nâng cao quy chuẩn chất lượng sản phẩm, nâng giá trị, nâng sức cạnh tranh, từ đó sẽ không ngại bất cứ thị trường khó tính nào.