Quảng Nam: Số phận long đong của một con tàu
Sáng ngày 2/5, chủ tàu vỏ thép QNa-94679 TS cho biết, công ty đóng tàu vỏ thép cho ông vừa gửi đơn kiện ngược chủ tàu, đòi thanh toán số tiền còn thiếu trong hợp đồng. Trong khi đó, 3 năm qua con tàu chưa một lần ra khơi, chủ tàu cũng không được bàn giao.
Tàu vỏ thép QNa 94679 TS vừa chạy thử nghiệm đã hư hỏng nằm bờ hơn 3 năm qua.
Chủ tàu nói trên là ông Trần Văn Liên, trú xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, người đóng con tàu vỏ thép QNa-94679 TS theo Nghị định 67 của Chính phủ (NĐ67). Điều đáng nói, ngay lần chạy thử nghiệm con tàu đã bị hỏng máy và từ đó đến nay hơn 3 năm nó đứng bánh nằm bờ. Điều đáng nói là để có được con tàu vỏ thép, ông Liên phải bán con tàu gỗ và vay mượn người thân, ngân hàng. Tàu không ra khơi được, ngư dân Liên lâm vào cảnh khánh kiệt. Càng đáng nói, sự việc sau đó được đưa ra tòa và qua nhiều phiên xử vẫn chưa ngã ngũ. Mới nhất thì công ty đóng tàu đã kiện ngược lại ông Liên.
Theo ngư dân Liên, ông thuộc diện được hỗ trợ đóng tàu vỏ thép theo NĐ67. Ngân hàng BIDV chi nhánh Quảng Nam cho ông vay với tổng tiền đã giải ngân hơn 7,6 tỷ đồng. Cùng với đó, ông Liên bán con tàu gỗ, cầm cố nhà cửa, vay thêm anh em để làm vốn đối ứng và tài sản đảm bảo là tàu vỏ thép hình thành từ vốn vay mang số hiệu QNa-94679 TS và toàn bộ máy móc, trang thiết bị trên tàu.
“Khi con tàu sắp hoàn tất, tôi tiếp tục cầm sổ đỏ ngôi nhà để vay ngân hàng gần 500 triệu đồng. Số tiền này dùng ký hợp đồng thuê lao động, mua nhu yếu phẩm chuẩn bị vươn khơi. Tuy nhiên, khi tiến hành chạy thử thì xảy ra sự cố hư hỏng máy móc, con tàu nằm bờ từ đó đến nay. Chưa hết, tôi còn phải liên tục hầu nhiều phiên tòa để đòi lại quyền lợi cũng như các phiên tòa bên đóng tàu và lắp máy kiện với nhau”- ông Liên nói.
Đầu tiên, TAND thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam đã xét xử tuyên ông Liên thắng kiện và yêu cầu Công ty Bảo Duy (bên đóng tàu) phải bồi thường thiệt hại với số tiền 2,8 tỷ đồng. Công ty Bảo Duy đã có đơn kháng cáo, ngày 30/1/2018 TAND tỉnh Quảng Nam xử phiên phúc thẩm kết luận chấp nhận kháng cáo của Công ty Bảo Duy, buộc Công ty Liên Á (bên lắp máy) hoàn trả lại cho ông Liên số tiền 1.570.000.000 đồng và nhận lại hệ thống máy đẩy thủy lực bị hư hỏng. Nhưng sau đó, Giám đốc thẩm TAND cấp cao TP Đà Nẵng đã bác kháng nghị của Viện KSND cấp cao TP Đà Nẵng, tuyên y án phúc thẩm. Thế nhưng việc thi hành án vẫn chưa xong.
Ông Liên buồn bã: “Với mong ước có tàu vỏ thép, tàu to để ra khơi mưu sinh, tôi đã vay ngân hàng, mượn người thân, cầm cố nhà cửa, bán luôn tàu gỗ. Thế rồi hơn 3 năm con tàu năm bờ, tôi từ một gia đình khá giả làm nghề biển có tiếng ở địa phương, giờ đây lâm cảnh nợ nần. Ngân hàng lại không hỗ trợ cho ngư dân xử lý rủi ro theo NĐ67 mà chuyển sang nợ xấu kiện tôi”.
Đúng như vậy, TAND huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam xác nhận, vừa có quyết định đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án dân sự về việc tranh chấp hợp đồng gia công đóng tàu giữa nguyên đơn là Công ty Bảo Duy và bị đơn là ông Liên. Dự kiến phiên tòa xét xử vào ngày 22/5.
“Công ty Bảo Duy yêu cầu ông tôi phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán theo biên bản thanh lý hợp đồng là 7.559.953.591 đồng, số tiền ứng để khắc phục sự cố 3.523.876.000 đồng và lãi phạt do chậm thanh toán hơn 368.547.000 đồng. Nhưng thực tế Công ty Bảo Duy vẫn chưa hoàn thành hợp đồng đóng tàu với tôi. Bây giờ gia đình tôi chỉ có nước kêu trời.”- ông Liên cay đắng.