Nhiều chính sách mới có hiệu lực trong tháng 5
Quy trình giải quyết hưởng chế độ BHXH, chi trả các chế độ BHXH, BHTN; Dạy kỹ năng phòng chống xâm hại cho lớp 1; Đơn giản hóa điều kiện cấp giấy phép cho thuê lại lao động… là những chính sách có hiệu lực trong tháng 5.
Quy trình giải quyết hưởng chế độ BHXH, chi trả các chế độ BHXH, BHTN
BHXH Việt Nam vừa ban hành Quyết định 166/QĐ-BHXH về quy trình giải quyết hưởng các chế độ BHXH, chi trả các chế độ BHXH, Bảo hiểm thất nghiệp.Theo đó, tại Quyết định này đề cập đến quy trình và hồ sơ giải quyết các chế độ BHXH, gồm:
Quy trình giải quyết hưởng và chi trả các chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe. Theo đó, hồ sơ hưởng chế độ thai sản với lao động nữ sinh con gồm bản sao giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh hoặc bản sao giấy chứng sinh của con. Trường hợp lao động nam nghỉ việc khi vợ sinh phải phẫu thuật hoặc sinh con dưới 32 tuần mà giấy chứng sinh không thể hiện thì có thêm giấy tờ của bệnh viện thể hiện sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi.
Trường hợp con chết sau khi sinh mà chưa được cấp giấy chứng sinh thì thay bằng trích sao hoặc tóm tắt hồ sơ bệnh án hoặc giấy ra viện của người mẹ.
Người lao động có thể nộp hồ sơ hưởng thai sản trực tiếp tại cơ quan BHXH hoặc thông qua đơn vị sử dụng lao động. Trường hợp nộp trực tiếp thời hạn giải quyết và chi trả tối đa 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ. Trường hợp thông qua đơn vị sử dụng lao động tối đa là 6 ngày.
Quy trình giải quyết hưởng và chi trả chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí, tử tuất; Quy trình chi trả bảo hiểm thất nghiệp.
Ngoài ra, một trong những điểm mới tại Quyết định 166/QĐ-BHXH là việc cơ quan BHXH bãi bỏ quy định phải có sổ BHXH; các giấy tờ khám, điều trị thương tật ban đầu đối với trường hợp điều trị ngoại trú; bỏ điều kiện phải có biên bản khám nghiệm hiện trường, sơ đồ hiện trường đối với trường hợp bị tai nạn giao thông được xác định là tai nạn lao động; biên bản tai nạn giao thông của cơ quan công an hoặc cơ quan điều tra hình sự quân đội trong việc giải quyết chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp lần đầu của người lao động.
Dạy kỹ năng phòng chống xâm hại cho lớp 1
Thông tư 05/2019 có hiệu lực từ ngày 21/5 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về danh mục thiết bị dạy học tối thiểu lớp 1, trong đó có tài liệu dạy kỹ năng phòng chống xâm hại. Danh mục thiết bị dạy học tối thiểu lớp 1 ban hành kèm theo Thông tư 05, Bộ Giáo dục yêu cầu phải có bộ tranh về phòng tránh bị xâm hại, giúp học sinh hình thành năng lực tìm tòi khám phá kiến thức thông qua quan sát, vận dụng vào thực tế cuộc sống; Bộ tranh gồm 2 tờ tranh minh họa về phòng tránh bị xâm hại. Một tranh minh họa quy tắc bảo vệ cơ thể bé trai và bé gái có dòng chữ “Hãy nhớ! Không để ai sờ, động chạm vào cơ thể được đồ lót che kín. Trừ khi học sinh cần được bác sĩ thăm khám”...
Đơn giản hóa điều kiện cấp giấy phép cho thuê lại lao động
Theo Nghị định 29/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 5/5, doanh nghiệp được cấp Giấy phép cho thuê lại lao động khi đáp ứng: Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp cho thuê lại lao động đảm bảo điều kiện: Là người quản lý doanh nghiệp; Không có án tích; Đã làm việc trong lĩnh vực cho thuê lại lao động hoặc cung ứng lao động từ đủ 3 năm (36 tháng) trở lên trong thời hạn 5 năm liền kề trước khi đề nghị cấp giấy phép.
Có thể bị xử lý hình sự nếu tố cáo sai sự thật
Theo Nghị định mới của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 28/5, cán bộ, công chức, viên chức sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu có một trong các hành vi sau: Biết rõ việc tố cáo là không đúng sự thật hoặc biết vụ việc đã được giải quyết đúng nhưng vẫn tố cáo nhiều lần mà không có bằng chứng; Cưỡng ép, lôi kéo, kích động, dụ dỗ, mua chuộc người khác tố cáo sai sự thật; Sử dụng họ tên của người khác để tố cáo gây mất đoàn kết nội bộ hoặc ảnh hưởng đến uy tín, hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị.