Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định không tự cô lập khỏi NATO khi mua S-400

Theo TTXVN 03/05/2019 19:19

Thổ Nhĩ Kỳ đang tìm cách giải thích để Mỹ và các đối tác khác trong dự án F-35 hiểu rằng các hợp đồng S-400 sẽ không tạo ra mối đe dọa đối với máy bay chiến đấu F-35.

Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định không tự cô lập khỏi NATO khi mua S-400

Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar. (Nguồn: Reuters).

Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar ngày 3/5 khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia thành viên thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đang không tự cô lập mình khỏi khối bằng cách có được thỏa thuận với Nga về việc mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 và Ankara không nên bị loại khỏi dự án mua máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ.

Phát biểu trên kênh truyền hình NTV, Bộ trưởng Akar cho biết Thổ Nhĩ Kỳ đang tìm cách giải thích để Mỹ và các đối tác khác trong dự án F-35 hiểu rằng các hợp đồng S-400 sẽ không tạo ra mối đe dọa đối với máy bay chiến đấu F-35, đồng thời khẳng định Ankara đã thực hiện mọi giải pháp để ngăn chặn mối đe dọa này.

Theo ông, việc loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi dự án F-35 sẽ làm gia tăng gánh nặng nghiêm trọng với các đối tác khác trong dự án.

Tuyên bố trên cho thấy lập trường của Thổ Nhĩ Kỳ kiên quyết theo đuổi hợp đồng mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga bất chấp đe dọa trước đó của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump về khả năng Washington áp đặt các biện pháp trừng phạt nếu Ankara thúc đẩy hợp đồng này.

Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã đề xuất thành lập một nhóm công tác với Mỹ để đánh giá những tác động từ hợp đồng mua S-400, song đến nay, Ankara vẫn chưa nhận được phản hồi từ giới chức Washington đối với đề xuất trên.

Bộ trưởng Quốc phòng Akar đánh giá đề nghị mới nhất của Mỹ bán hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot cho Thổ Nhĩ Kỳ tích cực hơn so với đề nghị trước đó của Washington.

Liên quan đến kế hoạch thiết lập vùng an toàn tại Đông Bắc Syria dọc biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ, ông Akar đánh giá Mỹ đang thể hiện sự linh hoạt trong cách tiếp cận đối với kế hoạch này.

Trước đó một ngày, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu lạc quan thông báo Ankara và Washington gần đạt được một thỏa thuận về chi tiết vùng an toàn nói trên ở phía Đông sông Euphrate theo nguyện vọng của Thổ Nhĩ Kỳ sau khi phần lớn binh sỹ Mỹ rút khỏi Syria.

Việc Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ đạt được thỏa thuận nói trên có ý nghĩa quan trọng đối với nhóm vũ trang Các Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) - lực lượng do người Kurd đứng đầu được Mỹ hậu thuẫn tại Syria.

Cuối tháng Ba vừa qua, SDF tuyên bố đã đánh bật IS khỏi thành trì cuối cùng tại Syria, song cảnh báo các tay súng thánh chiến vẫn là mối đe dọa tại nhiều nơi.

SDF đang lo ngại bị bỏ rơi trong bối cảnh IS bị đánh bại và Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố thu hẹp sự hiện diện của 2.000 quân Mỹ tại chiến trường Syria.

Theo ông James Jeffrey, Đại diện đặc biệt của Mỹ về vấn đề Syria, lực lượng Mỹ đã bắt đầu rút quân từ tháng 12/2018 và sẽ chỉ đồn trú "một số lượng rất hạn chế" ở Đông Bắc Syria.

Theo TTXVN