Thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao

Hoài Vũ 04/05/2019 08:00

Vì sao chúng ta đã có nhiều chính sách thu hút người tài, chính sách đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao nhưng vẫn chưa được như kỳ vọng. Khi câu hỏi đó có được câu trả lời đích đáng thì “bài toán khó” về nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ được giải, không chỉ là “giải pháp tình huống” mà là sự bền vững lâu dài.

Thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao

Đào tạo nguồn nhân lực cao là việc rất cần thiết để tăng tốc phát triển.

Tại phiên “Hiến kế, đề xuất, kiến nghị của khu vực kinh tế tư nhân” nằm trong khuôn khổ “Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019” mới đây, với sự tham dự của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình và Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn, ông Võ Quang Huệ- Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup, phụ trách Vinfast khuyến nghị: Nhà nước cần đẩy mạnh việc phát triển nguồn nhân lực, nhất là đào tạo đại học, đào tạo nghề, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu về số lượng và chất lượng nhân sự cho phát triển kinh tế tư nhân thông qua việc Chính phủ tiếp tục tạo điều kiện cho Chương trình kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo tiếp tục phát huy, góp phần thu hút chất xám của đội ngũ Việt kiều.

Một đề xuất được đưa ra từ chính khối kinh tế tư nhân đã cho thấy, không chỉ khối nhà nước mà ngay bản thân khối tư nhân cũng đang “khát” người tài. Sự khao khát, mong mỏi, hay thậm chí trải thảm đỏ để có được người tài đóng góp cho sự phát triển đất nước khiến người ta nhớ lại chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao của Nhật Bản, sau chiến tranh thế giới thứ 2 (năm 1945). Từ một nước bị thiệt hại nặng nề khi 80% tàu bè; 34% máy móc thiết bị công nghiệp bị phá hủy; 21% nhà cửa và tài sản riêng của gia đình bị thiệt hại, tài sản nhà nước bị thiệt hại 25% so với thời kỳ trước chiến tranh, song Nhật Bản đã có những bước phát triển thần kỳ và đến năm 1968 vươn lên trở thành cường quốc thứ 2 thế giới sau Mỹ, và hiện nay đứng thứ 3 thế giới sau Mỹ, Trung Quốc. Cho tới nay, phát triển giáo dục và khoa học - công nghệ vẫn là ưu tiên hàng đầu của Nhật Bản, kể cả chính sách thu hút nguồn nhân lực nước ngoài, tận dụng nguồn nhân lực tiên tiến của nước ngoài để nâng cao năng suất lao động…

Từ câu chuyện phát triển thần kỳ của Nhật Bản nhờ việc thu hút người tài, quay trở lại bối cảnh của chúng ta hiện nay cho thấy, không phải ngẫu nhiên mà khối kinh tế tư nhân kêu gọi Nhà nước cần có một cơ chế để hỗ trợ cho họ thu hút người tài. Bởi ngoài chế độ lương bổng, môi trường làm việc thì tư nhân rất cần Nhà nước có những cơ chế để thu hút các chuyên gia, nhà khoa học trong các lĩnh vực về Việt Nam để làm việc cống hiến, sáng tạo đem lại những chuỗi giá trị to lớn. Bởi nhìn từ sâu xa, người tài chỉ đến với một môi trường đầu tư, làm việc thông thoáng, ít có rào cản, nhũng nhiễu để họ có thể phát huy được những giá trị, sự sáng tạo của bản thân khi thấy mình được đề cao, trọng dụng. Những gì khối kinh tế tư nhân không thể làm được thì cần đến “bàn tay Nhà nước” với chính sách có tính chiến lược và xuyên suốt. Tất nhiên không chỉ khối kinh tế tư nhân thèm khát, muốn kêu gọi nguồn nhân lực chất lượng cao từ kiều bào hay các chuyên gia nước ngoài mà hiện nay, ngay cả khối nhà nước cũng đã nhìn thấu vấn đề bằng chiến lược thu hút các nhà khoa học là kiều bào. Điển hình trong 16 thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thì có đến 5 người là kiều bào - những chuyên gia đầu ngành đang công tác tại nước ngoài như PGS.TS Trần Ngọc Anh và TS Vũ Thành Tự Anh (hiện đang công tác tại Mỹ); GS.TS Nguyễn Đức Khương (hiện đang công tác tại Pháp); PGS.TSVũ Minh Khương (hiện đang công tác tại Singapore); và GS Trần Văn Thọ (hiện đang công tác tại Nhật Bản).

Tinh thần được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc đến là xây dựng một Chính phủ kiến tạo và phục vụ, hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp với mong muốn khơi dậy niềm tin trong mọi người, mọi nhà, chú trọng phát triển kinh tế đất nước ngày càng giàu mạnh. Vì rằng, kinh nghiệm từ các nước phát triển (không chỉ Nhật Bản) cho thấy yếu tố cực kỳ quan trọng chính là nguồn lực con người.

Chỉ khi nào hai bàn tay vỗ vào nhau cùng một nhịp: “bàn tay Nhà nước” và “bàn tay tư nhân” mới tạo nên tiếng vang lớn. Trong đó “bàn tay tư nhân” có vai trò phát triển, tìm kiếm thị trường, còn “bàn tay Nhà nước” nằm ở việc kiến thiết cho sự phát triển thông qua việc xây dựng môi trường làm việc tốt, tạo mọi điều kiện thuận lợi để nguồn nhân lực chất lượng cao phát huy hết khả năng, đóng góp nhiều nhất thúc đẩy nền kinh tế đất nước.

Trở lại với vấn đề nhân lực chất lượng cao với khối kinh tế tư nhân (chiếm 97% doanh nghiệp hiện nay), khối này ngày càng ý thức rõ ràng hơn, đặc biệt trong bối cảnh tăng tốc phát triển và sức ép cạnh tranh ngày càng lớn. Nhưng, suy cho cùng, khối kinh tế nào cũng vậy, ngành nghề nào cũng vậy, đều cần đến nguồn nhân lực này. Vấn đề đặt ra là: Vì sao chúng ta đã có nhiều chính sách thu hút người tài, chính sách đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao nhưng vẫn chưa được như kỳ vọng. Khi câu hỏi đó có được câu trả lời đích đáng thì “bài toán khó” về nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ được giải, không chỉ là “giải pháp tình huống” mà là sự bền vững lâu dài.

Hoài Vũ