Giảm tải trường công
Theo chỉ tiêu của Sở GDĐT Hà Nội giao, năm học 2019- 2020 thành phố sẽ có trên 67.000 chỉ tiêu vào vào lớp 10 cho 122 trường THPT công lập và công lập tự chủ trong năm học tới.
Như vậy, so với số lượng học sinh sẽ tốt nghiệp THCS năm 2019 ở Hà Nội, chỉ có khoảng trên 62% vào học trường công lập và công lập tự chủ. Số còn lại học trung cấp nghề, hệ giáo dục thường xuyên. Có khoảng 11.000 học sinh tốt nghiệp THCS không đăng kí dự kỳ thi vào lớp 10 công lập, mà xét tuyển vào các trường trung cấp, trường THPT ngoài công lập và trung tâm giáo dục thường xuyên.
Cũng theo chỉ tiêu kế hoạch tuyển sinh lớp 10 năm học 2019-2020 được Sở GDĐT Hà Nội vừa công bố, 94 trường THPT tư thục sẽ tuyển mới 21.825 học sinh với 485 lớp. Như vậy, lượng chỉ tiêu vào lớp 10 các trường THPT tư thục tại Hà Nội chiếm 24,5% tổng chỉ tiêu đề ra. Điều đó có nghĩa, cứ 4 học sinh sẽ có một em theo học tại các trường THPT tư thục.
Những trường THPT tư thục tại Hà Nội tuyển sinh vào lớp 10 trên 500 chỉ tiêu là Trường THPT Lương Thế Vinh (585 chỉ tiêu), Trường THPT FPT (540 chỉ tiêu), Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm. Đây cũng là top 3 trường có lượng tuyển sinh cao nhất trong năm học 2019-2020.
Ngành giáo dục Hà Nội đang kỳ vọng, chính sách phân luồng đang được đẩy mạnh, cùng với đa dạng hình thức tuyến sinh với khối trường THPT ngoài công lập (xét tuyển học bạ hoặc kết quả thi), kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm nay ở Hà Nội sẽ bớt áp lực về số lượng dự thi.
Tương tự như vậy, theo thống kê số liệu ban đầu về số học sinh đăng ký nguyện vọng 1 vào lớp 10 THPT công lập tại TPHCM chỉ có 80.618 trên tổng số 95.997 học sinh lớp 9 đăng ký dự thi. Đại diện Sở GDĐT TP HCM nhận định, đây là dấu hiệu khá tích cực trong mùa tuyển sinh năm nay, cho thấy nhiều học sinh đã xác định được hướng đi khác phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, năng lực của bản thân mình ngoài việc học lớp 10 ở trường THPT công lập.
Ngoài ra, còn có các nguyên nhân khác là do các học sinh lo ngại năm nay chỉ tiêu vào lớp 10 THPT công lập quá thấp so với lượng học sinh sẽ tốt nghiệp THCS, nên các em chọn hướng đi khác như học trường quốc tế, tư thục, trường nghề...
Để giảm tải áp lực vào trường công một cách bền vững, TS Lê Viết Khuyến- nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GDĐT) cho rằng, cuộc chạy đua vào lớp 10 THPT công lập tại 2 thành phố lớn nói trên sẽ còn dai dẳng, nếu như những giải pháp đã đề ra không được làm đến nơi đến chốn.
Theo ông, bên cạnh giải pháp phân luồng thì xã hội hóa giáo dục, mở trường ngoài công lập được kỳ vọng là góp phần giảm tải cho các trường công lập. Nhưng lâu nay người ta vẫn chuộng trường công, bởi nhìn vào hệ thống trường tư thì hiện cũng tồn tại 2 vấn đề. Thứ nhất là chất lượng giáo dục còn thấp. Thứ hai, bởi trường công học phí thấp, còn trường tư học phí cao. Bây giờ họ không quy định ngưỡng học phí với trường tư, nên thu thế nào là do các trường tự đặt ra.
Do đó yêu cầu đặt ra là Nhà nước cần có sự đối xử rất công bằng với hai hệ thống giáo dục công - tư. Có nghĩa là nhà nước cần trợ giúp cho cả công và tư. Chỉ khác là trường công nhà nước bỏ tiền ra xây dựng cơ sở vật chất, trường tư thì các mạnh thường quân bỏ tiền ra xây dựng trường. Nhưng để vận hành trường học, nhà nước phải công bằng, vận hành công – tư phải công bằng. Chỉ có như thế thì mới dần khắc phục được tâm lý học sinh không thích học trường tư.