65 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 –7/5/2019): Ký ức người trong cuộc
65 năm đã trôi qua nhưng trong tâm trí những người lính già năm xưa, ký ức hào hùng của chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn mãi là những bản hùng ca bất diệt.
Ông Phạm Bá Miều.
Chiếm trận địa của địch để đánh địch
Mặc dù đã bước sang tuổi 90 nhưng ông Phạm Bá Miều vẫn nhớ như in những năm tháng hào hùng. Ông nhập ngũ năm 19 tuổi vào Trung đoàn 174, Đại đoàn 316, kinh qua các chiến trường Cao- Bắc- Lạng rồi sang Lào. Ông kể, tháng 12 năm 1953, đầu 1954, nhận được lệnh hành quân về đánh chiến dịch Trần Đình. Trên đường đi chỉ biết là đi chiến dịch Trần Đình nhưng khi đến Điện Biên ông mới biết Trần Đình chính là chiến dịch Điện Biên Phủ.
Lúc bấy giờ toàn Sư đoàn có hai Trung đoàn là 174 và 98 làm nhiệm vụ chính là tiêu diệt quân địch ở trận địa A1, C2 và C1. Do đó đơn vị ông phải hoàn thành công sự trú ẩn từ trong Tà Lèng đến bờ sông Nậm Rốm với chiều dài khoảng 4.000m, rộng 1,2m và sâu ngập đầu.
“Thời gian đào công sự vất vả và gian truân lắm. Ban đêm đào hầm công sự còn ban ngày thì địch đưa quân phá” - ông Miều nói và cho biết, giai đoạn đầu đào từ 6h tối đến 9h đêm, lúc đầu là đào nằm, sau đó đào ngồi và cuối cùng là đứng để càng vào sâu hơn.
Ông nói: Theo lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chúng tôi phải đào hầm khoét núi, mỗi người được phát một cuốc chim, một xẻng gấp, chỉ đến nghe giao nhiệm vụ, phổ biến là bắt tay làm ngay chứ không có tập sự. Thời gian đào hầm để đưa 1 tấn bộc phá vào là thời gian khốc liệt nhất trong trí nhớ của ông Miều. Để đưa được 1 tấn bộc phá vào thì hy sinh mất 41 người, mỗi gói bộc phá nặng 20kg nên một đêm chuyển được 960kg và có khoảng 20 người chuyển bộc phá.
Khi kể về quãng thời gian đào hầm công sự, điều khiến ông Miều cảm thấy day dứt chính là để đào được hầm rất nhiều đồng đội của ông đã hy sinh. “Ngày 8/5 (1 ngày sau chiến thắng), chúng tôi đưa được 58 người về nghĩa trang A1. Năm ấy mưa nhiều quá, giao thông hào ngập nước, có chỗ ngập đến đầu gối. Đưa được những đồng đội từ dưới bùn non lên mà chúng tôi không nhận ra các anh...” - ông Miều nhớ lại.
Ông Phạm Đức Cư.
Kéo pháo trong đêm
Sau 27 ngày hành quân đến Điện Biên, Tiểu đoàn 394, Trung đoàn 367 của ông Phạm Đức Cư nhận được lệnh tháo pháo khỏi xe, dùng sức người để kéo pháo vào chiếm lĩnh trận địa. Theo ông, lúc bấy giờ ai cũng lo lắng vì pháo nặng hàng tấn mà lại bỏ xe, rời đường cái để dùng sức người xuyên sơn hàng chục km, vượt qua núi cao, vực sâu để đến lòng chảo Mường Thanh.
Lúc này đã là cuối tháng 1/1954, các đơn vị công binh ngày đêm mở đường cho các đơn vị pháo binh, bộ binh vào lòng chảo Mường Thanh tiếp cận các cứ điểm quân địch. Ông Cư và đồng đội nhận được lệnh để lại xe ở ngoài và kéo pháo bằng sức người. Tiểu đoàn 394 của ông chiếm lĩnh bên sườn núi phía Tây Nam lòng chảo, hai tiểu đoàn (394 và 383) bố trí thế trận hình cánh cung ôm lấy lòng chảo, hình thành lưới lửa phòng không khống chế vùng trời Điện Biên, chiến đấu với không quân của địch, bảo vệ cho bộ binh chiến đấu, và xây dựng cơ động 41 trận địa pháo.
Ông Cư kể: Mỗi khẩu pháo nặng 2,4 tấn, để kéo được những khẩu pháo vào trận địa phải có từ 80-100 người kéo qua các địa hình rừng núi hẹp, lại dốc lớn từ 35-40 độ, trời thì mưa trơn lầy lội. Phải kéo pháo ban đêm không được soi đèn, chứng tôi nảy ra sáng kiến cử 2 chiến sỹ khoác mảnh dù trắng đi trước làm “mục tiêu” để kéo pháo theo, nếu sơ xuất một li là cả pháo và người văng xuống vực thẳm. Qua bãi lầy chúng tôi phải vác đá kè và chặt cây rừng rải chống lầy, kéo pháo qua. Mỗi đêm chỉ kéo được hơn một cây số, gian khổ vô cùng.
Sau 9 đêm, các đơn vị pháo binh đã kéo pháo đi 14 km, lập kỳ tích đưa pháo vào chiếm lĩnh trận địa an toàn, bí mật. Tất cả sẵn sàng chờ lệnh nổ súng tấn công. “Lúc bấy giờ anh em chúng tôi quần áo lấm lem bùn đất, chân tay đầy máu me, hai mắt trũng sâu vì thiếu ngủ. Thế nhưng tất cả đều rạng ngời niềm vui vì đã làm được việc tưởng chừng như không thể”- ông Cư nhớ lại.