Nga nói gì về phát biểu của ông Pompeo sau vụ Triều Tiên thử tên lửa?
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh việc gắn vụ thử tên lửa gần đây của Triều Tiên với chuyến thăm của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tới Nga là điều sai lầm.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov. (Nguồn: TASS).
Ngày 6/5, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh việc gắn vụ thử tên lửa gần đây của Triều Tiên với chuyến thăm của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tới Nga là điều sai lầm.
Bình luận về phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo về việc liên hệ chuyến thăm của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tới Nga với việc Bình Nhưỡng thử nghiệm các tên lửa dẫn đường chiến thuật mới chỉ 9 ngày sau cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Triều, ông Peskov khẳng định: "Việc đưa ra mối liên hệ như vậy là hoàn toàn sai lầm, rõ ràng là như vậy."
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin Bình Nhưỡng ngày 4/5 đã tiến hành một "cuộc diễn tập tấn công" sử dụng các hệ thống phóng đa nòng và vũ khí hành trình chiến thuật ở vùng biển phía Đông nước này dưới sự giám sát của nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
KCNA nhấn mạnh tầm quan trọng của việc "tăng cường khả năng chiến đấu để bảo vệ chủ quyền chính trị và tự cường kinh tế" của Triều Tiên trước các nguy cơ.
Hơn một tuần trước đó, ngày 25/4, cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Triều lần đầu tiên đã diễn ra tại thành phố Vladivostok thuộc vùng Viễn Đông của Nga.
Hai nhà lãnh đạo đã thảo luận sâu rộng về quan hệ song phương và triển vọng quan hệ trong tương lai, cũng như tình hình trên Bán đảo Triều Tiên, trong đó có vấn đề phi hạt nhân hóa.
Sau đó, cả Tổng thống Nga Vladimir Putin và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đều khen ngợi cuộc gặp này.
Cũng trong ngày 6/5, đại diện thường trực của Nga tại Các tổ chức quốc tế ở Vienna (Áo), ông Mikhail Ulyanov cho biết việc Mỹ không sẵn lòng nới lỏng các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên đã làm chậm quá trình giải quyết cuộc khủng hoảng trên Bán đảo Triều Tiên.
Trên tài khoản Twitter, ông Ulyanov viết: "Mỹ nói rằng mọi quyết định nới lỏng các biện pháp trừng phạt Triều Tiên sẽ chỉ có thể xảy ra sau khi Triều Tiên hoàn tất việc phi hạt nhân hóa. Cách tiếp cận như vậy dường như là một trong những lý do chính làm đình trệ các cuộc đàm phán."
Ông Ulyanov nói thêm rằng: "Tiến bộ trong vấn đề này đòi hỏi một chính sách sáng tạo hơn như được quy định trong Điều 32 của Nghị quyết số 2375 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về trừng phạt Triều Tiên."
Ông Ulyanov nhận xét rằng Triều Tiên đã "tuân thủ các vụ thử hạt nhân và phóng tên lửa đạn đạo, nhưng không nhận lại được gì."
Nhà ngoại giao Nga nói thêm rằng Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã tuyên bố trong các nghị quyết của mình rằng cơ quan này đã sẵn sàng sửa đổi hoặc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt dựa vào sự tuân thủ của Bình Nhưỡng.