Mong lắm trường học hạnh phúc
Thời gian gần đây, liên tiếp những vụ việc bất an xảy ra trong môi trường học đường ở một số địa phương.
Từ việc chó xông vào trường cắn 6 học sinh (tại Quảng Ngãi), thanh niên xông vào trường chém chết học sinh (tại Thanh Hóa), rồi mới đây, sáng 6/5, tại Trường THCS thị trấn Đà Bắc (tỉnh Hòa Bình), một thanh chớp bằng bê tông cốt thép đổ lật xuống sân trường làm 2 em học sinh bị thương nặng…
Chưa bao giờ mối lo an toàn trường học lại đang đặt ra cấp thiết như lúc này. Ngoài những tai nạn “tai bay vạ gió”, môi trường học đường hôm nay còn tiềm ẩn vô số những nguy cơ bất an đến từ bạo lực học đường và sự ứng xử thiếu chuẩn chỉ trong mối quan hệ thầy trò, bạn học…
Buồn thay, những câu chuyện buồn trong môi trường học đường vẫn liên tiếp được phát hiện/nêu ra khi Bộ GDĐT vừa Ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trong trường học (Thông tư số 06/2019/TT-BGDĐT Quy định Quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên). Mục đích xây dựng Bộ Quy tắc này nhằm điều chỉnh cách ứng xử của các thành viên trong cơ sở giáo dục theo chuẩn mực đạo đức xã hội và thuần phong mỹ tục của dân tộc, phù hợp với đặc trưng văn hóa của địa phương và điều kiện thực tiễn của cơ sở giáo dục. Đồng thời, ngăn ngừa, xử lý kịp thời, hiệu quả các hành vi tiêu cực, thiếu tính giáo dục trong cơ sở giáo dục. Xây dựng văn hóa học đường; đảm bảo môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện và phòng, chống bạo lực học đường.
Nhiều ý kiến cho rằng, hàng loạt các sự cố vừa qua xảy ra trong môi trường học đường đã và đang cảnh báo về lỗi hệ thống chứ không còn là những sự việc riêng lẻ. Việc giáo dục đạo đức, văn hóa trong hệ thống trường học của chúng ta chưa được coi trọng đúng mức cần thiết. Tất cả những sự việc hiện tượng đó cho thấy đã đến lúc phải quan tâm hơn đến việc giáo dục đạo đức, văn hóa, lối sống, kỹ năng trong trường học…
Sau khi Công đoàn ngành giáo dục Việt Nam phát động chương trình xây dựng trường học hạnh phúc, với 21 tiêu chí (trong đó có 3 tiêu chí cụ thể, gồm yêu thương, an toàn và tôn trọng), đầu tháng 5 vừa qua, Sở GDĐT Hà Nội cũng đã phát động kế hoạch xây dựng trường học hạnh phúc. Thực chất có thể hiểu trường học hạnh phúc là môi trường học đường đem đến niềm vui và sự hứng thú cho mỗi học sinh.
Nhưng để mỗi ngày đến trường là một ngày vui; để có thể xây dựng và đảm bảo một môi trường giáo dục lành mạnh – nơi học sinh được phát triển toàn diện cả về thể chất, trí tuệ và tâm hồn thì rất cần đến một nền tảng vững chắc ban đầu và xuyên suốt – đó là sự an toàn. Chỉ khi học sinh/phụ huynh cảm nhận được trường học an toàn cả về thể chất và tinh thần, khi các em cảm thấy thực sự là những học trò hạnh phúc, thì khi đó mới có những ngôi trường hạnh phúc.