Nở rộ điện mặt trời áp mái, có hiệu quả?

Đ.Xá 08/05/2019 08:00

Vài năm trở lại đây, việc lắp đặt tấm pin điện mặt trời áp mái đã bắt đầu xuất hiện và trở nên khá quen thuộc với nhiều hộ dân ở TP Hồ Chí Minh. Đặc biệt thời gian này, sau khi giá điện bị điều chỉnh tăng cao, nhiều hộ dân đã chuyển hướng sang sử dụng loại hình năng lượng “của nhà” này.

Theo anh Nguyễn Văn Luyến, chủ một cửa hàng buôn bán ở quận Tân Phú (TPHCM) thì năm ngoái, sau khi xây nhà xong, gia đình anh quyết định đầu tư để lắp pin mặt trời nhằm tiết kiệm tiền điện. “Mình đầu tư tất cả hệ thống tấm pin, đầu nối cùng ắc-quy, ... với chi phí khoảng hơn 50 triệu đồng. Tuy nhiên, ban ngày nắng nhiều thì diện không xài hết, vì gia đình đi làm cả nhưng ban đêm pin lại không cho năng lượng (vì không có mặt trời) nên phải tích trữ vào hệ thống ắc quy. Nhưng tiền mua ắc-quy rất cao nên không khả thi. Sau đó bên công ty tư vấn là ban ngày bán lại cho lưới điện chung EVN TPHCM, ban đêm sử dụng điện lưới bình thường. Tuy nhiên, phía EVN mua điện với giá khá thấp trong khi tiền điện sử dụng lại có giá cao hơn khá nhiều. Với chi phí đầu tư như vậy nhưng phải mất 5 tới 7 năm mới thu hồi mà lúc đó, các tấm pin cũng bắt đầu hư hỏng. Nhìn chung, tính toán về kinh tế lắp pin mặt trời không thực sự hiệu quả” – anh Luyến kết luận.

Là người đã có mấy năm sử dụng tấm pin năng lượng mặt trời, anh Đặng Văn Lượng ở quận 12 chia sẻ, gia đình anh đầu tư hệ thống pin trị giá hơn lên tới hơn 80 triệu đồng cách đây mấy năm. Anh chọn lựa cách vừa sử dụng trong gia đình, vừa bán lại cho lưới điện. “Tiền dư bán lại sau khi trừ tiền sử dụng thêm cũng không có nhiều. Tháng mùa nắng vài trăm ngàn, mùa mưa vài chục ngàn chứ không nhiều. Vì mình thấy thích hệ thống điện tái tạo lắp sử dụng chứ trước kia, mỗi tháng gia đình xài hết có hơn 1 triệu đồng tiền điện nhưng đầu tư liền một lúc mấy chục triệu thực tế là khá tốn kém. Ngoài ra, việc bảo dưỡng, bảo trì cũng như lau chùi các tấm pin này khá cực và phải làm thường xuyên do bụi bặm. Nếu không lau chùi năng lượng bị tiêu hao đi khá nhiều. Nói chung, điện mặt trời cũng không dễ ăn, không hoàn toàn thay thế điện lưới được” – anh Lượng cho biết.

Trong khi đó, một chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng cho biết, quy định của Chính phủ về việc mua lại điện tái tạo (gồm có điện mặt trời) của tư nhân hiện nay là giá 2.068 đồng/kWh. Tuy nhiên, đây là giá ưu đãi nhằm khuyến khích tư nhân đầu tư năng lượng sạch tái tạo bởi thực tế, giá điện mua vào (như thuỷ điện, nhiệt điện) thấp hơn rất nhiều. Tuy nhiên, thời gian ưu đãi sắp hết và ít tháng nữa, điện mặt trời mà người dân dư bán lại sẽ có giá giảm đi khiến cho việc đầu tư này càng thêm khó khăn. Vị chuyên gia này cũng cho biết, việc đầu tư điện mặt trời còn phụ thuộc vào vị trí địa lý của từng gia đình. Như ở TPHCM, năng lượng điện hàng năm không quá cao nhưng cũng không quá thấp. Nếu gia đình nào có vị trí tốt (hướng tây, đông), không gần các chung cư hay toà nhà cao tầng… tính hiệu quả vẫn cao hơn. Nhưng so với các tỉnh miền Tây và miền Trung thì không hiệu quả bằng.

Theo thống kê của EVN TP HCM, ở thành phố có khoảng hơn 1.300 hộ đăng ký lắp đặt hệ thống điện mặt trời để sử dụng và bán lại cho EVN. Thực tế số hộ lắp điện mặt trời để sử dụng cao hơn rất nhiều vì nhiều hộ không đăng ký bán lại nên điện lực không thể thống kê được. Ngoài ra, xu hướng cho thấy số hộ dân lắp điện mặt trời cũng đang tăng vì các thủ tục mua bán điện cũng như giá thành tấm pin ngày càng rẻ, đa dạng hơn tạo thuận lợi cho người dân đầu tư.

Đ.Xá