Cơ hội 'hóa rồng' từ công nghệ
Với chủ đề “Khát vọng, tầm nhìn và định hướng phát triển vì một Việt Nam hùng cường” và khẩu hiệu hành động “Make in Vietnam”, Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam tổ chức hôm nay (9/5) dự kiến thu hút khoảng 1.000 đại biểu gồm lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp công nghệ uy tín trong và ngoài nước tham gia.
Công nghệ là giải pháp đột phá phát triển kinh tế - xã hội.
Khát vọng cường quốc công nghệ
Diễn đàn sẽ có các phiên thảo luận về các nội dung như: Bài toán của các thành phố lớn cần các doanh nghiệp (DN) Việt Nam giải quyết bài toán công nghệ; DN công nghệ Việt Nam giúp Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình; Chính sách và giải pháp phát triển DN công nghệ Việt Nam; Giải pháp kết nối các DN công nghệ…
Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm, Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức sẽ là một khởi đầu quan trọng, tạo động lực thúc đẩy phát triển hệ sinh thái các DN công nghệ Việt Nam, với khát vọng đưa Việt Nam trở thành cường quốc về công nghệ, sớm hiện thực hóa mục tiêu Việt Nam trở thành nước công nghiệp phát triển. Đặc biệt, diễn đàn là sự kiện hàng đầu đối với cộng đồng ứng dụng, chuyển giao, nghiên cứu, phát triển công nghệ, là nơi chia sẻ, truyền cảm hứng, đề xuất giải pháp, ý tưởng đột phá, huy động và tập hợp nguồn lực của cả xã hội để phát triển hàng chục, hàng trăm nghìn DN công nghệ Việt Nam.
Qua 30 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về kinh tế và trở thành một trong những nền kinh tế phát triển với tốc độ ấn tượng. Nhưng muốn phát triển nhanh và bền vững, chính chúng ta phải thay đổi tư duy phụ thuộc vào việc khai thác tài nguyên, nhân công giá rẻ. Muốn vậy, không có cách nào khác là phải dựa vào nền tảng phát triển công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin và truyền thông; nhất là trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0 và việc áp dụng nền tảng công nghệ đã trở thành điều thường ngày ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong cuộc cách mạng công nghiệp, nếu biết dựa trên nền tảng của nhiều công nghệ mới mà cốt lõi là ICT, Việt Nam có thể đi nhanh hơn và theo kịp xu thế của các nước phát triển.
Vượt qua thách thức để đến thành công
Đánh giá về các cơ hội và thách thức của kinh tế số với Việt Nam, ông Nguyễn Trung Chính - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Tập đoàn công nghệ CMC cho rằng, hiện nay cả thế giới đang bước vào kỷ nguyên số và kinh tế số là một trong yếu tố rất quan trọng mà tất cả các quốc gia cũng như các DN hàng đầu đang thực thi nhằm chiếm lĩnh nền kinh tế này. Đối với Việt Nam, chúng ta có lợi thế khi là quốc gia dân số trẻ gần 100 triệu người, có các bạn trẻ yêu thích khoa học công nghệ. Bên cạnh đó là tỷ lệ người dùng Internet của nước ta cũng đang thuộc nhóm đầu.
Tuy nhiên, theo ông Chính, thách thức cũng không hề nhỏ, đầu tiên là thách thức về thể chế. Các quốc gia trên thế giới hiện đều đang hoàn chỉnh các thể chế chính sách để phù hợp với kinh tế số. Việt Nam cũng đã có những thay đổi nhưng còn tương đối chậm và chưa đáp ứng được các yêu cầu về sự thay đổi về kinh tế số.
“Chúng ta biết rằng có rất nhiều những mô hình kinh doanh mới, tương tác quan hệ trao đổi giao dịch mới, thậm chí là khái niệm hành vi ứng xử trên không gian mạng…Rõ ràng trên đời sống thực đang có rất nhiều những luật lệ, nguyên tắc để điều tiết những hoạt động như vậy nhưng trong không gian số thì ta chưa có đầy đủ hành lang pháp lý” – ông Chính nhìn nhận.
Ông Chính cho rằng, Chính phủ đã xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, có rất nhiều những hoạt động hưởng ứng phong trào của ASEAN xây dựng các thành phố thông minh là điều tốt cho kinh tế số. Tuy nhiên, các DN cũng phải nhận thức cơ hội kinh tế số đem lại rất lớn, bởi nếu không thay đổi, không thích ứng thì sẽ bị nằm ngoài cuộc chơi về kinh tế số.
Công nghệ ngày càng bao trùm các lĩnh vực của cuộc sống.
Trong khi đó, ông Ngô Tuấn Anh – Phó Chủ tịch phụ trách an ninh mạng, Tập đoàn BKAV cho rằng, cần phải thúc đẩy để cắt giảm hơn nữa các thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho DN. Bất kỳ sự cải cách nào đều cần có thời gian, như thủ tục thuế đến năm 2016 gần 100% DN đã khai thuế qua mạng. Ông Tuấn Anh nói: “Chúng ta không thể chờ mãi mà cần sự chung tay của tất cả các bên, từ cấp cao nhất đến cấp thành phố, đơn vị quản lý trực tiếp DN, cũng như cần nâng cao ý thức cung cấp dịch vụ cho DN. DN khi sử dụng dịch vụ hành chính công nếu thấy bất cập cần có tiếng nói để có điều chỉnh. Với sự quyết tâm của cả 2 phía thì chúng ta sẽ dần giảm thiểu thủ tục để sản xuất kinh doanh phát triển”.
Cơ hội “hóa rồng” cho Việt Nam đang đến với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư dựa trên nền tảng của nhiều công nghệ mới mà cốt lõi là ICT, lĩnh vực mà người Việt Nam có nhiều tiềm năng. Vì vậy ứng dụng và phát triển công nghệ, xây dựng cộng đồng 100.000 doanh nghiệp công nghệ Việt Nam sẽ là một trong các giải pháp đột phá để kinh tế Việt Nam bứt phá, góp phần đưa Việt Nam trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045.
Nên sớm có quy định rõ về kinh doanh số, ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh Ông Nguyễn Đình Thắng - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Bưu điện Liên Việt, nhận định: Để tận dụng được cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, có 3 điều kiện hoặc yếu tố thế giới đã có mà chúng ta có thể học để ứng dụng. Thể chế phải đi trước một bước vì cái mới đưa vào sẽ xung đột với quy định cũ, gây rủi ro về mặt pháp lý. Vai trò của Chính phủ đặc biệt quan trọng. Vì dùng công nghệ số sẽ khác, ví dụ taxi công nghệ, nếu không rạch ròi sẽ xảy ra xung đột giữa hai hình thức và có thể xung đột về thuế. Đề nghị Chính phủ sớm có quy định rõ ràng thế nào là kinh doanh số và điều kiện để kinh doanh số và ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh, phân phối như thế nào khi DN bước vào kinh tế số. Để kích thích DN chuyển đối số, Chính phủ nên có khuyến khích DN chuyển đối số nâng lên ứng dụng công nghệ số dành quỹ trước khi đóng thuế cao lên, để khuyến khích DN đó sử dụng ứng dụng công nghệ số, được trừ trước thuế. |