Hướng đi mới: Trồng cây dược liệu
Việt Nam là 1 trong 15 nước có trong bản đồ dược liệu thế giới. Không chỉ thu hái cây dược liệu trong tự nhiên, thời gian qua bà con nhiều nơi, đặc biệt là bà con vùng núi cao, đã tổ chức trồng cây dược liệu như một nguồn thu nhập quan trọng. Bình quân nuôi trồng dược liệu cho hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với trồng lúa. Tới nay, có thể nói, phong trào trồng cây dược liệu đã được nhiều địa phương hưởng ứng, thu được nhiều kết quả.
Vườn thuốc nam tại Trạm Y tế xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai. Nguồn: GiaLai Online.
1. Thay vì trồng lúa, trồng cây cảnh, người dân một số vùng đã chuyển sang trồng cây dược liệu. Bởi với họ, đây không chỉ là cây xóa đói giảm nghèo mà còn là cây giúp họ làm giàu.
Tại Hội thảo “Thảo dược thiên nhiên với sức khỏe con người”, đại diện Cục Quản lý y dược cổ truyền, cho biết, tiềm năng phát triển cây dược liệu ở nước ta cực kỳ lớn. Quảng Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Nam Định, Nghệ An, Kon Tum, Lâm Đồng... đều là những tỉnh có lợi thế về phát triển cây dược liệu. Nuôi trồng dược liệu cho hiệu quả kinh tế cao, gấp 3-10 lần trồng lúa. Đơn cử, hiện nay nguồn đinh lăng được nuôi trồng ở Nam Định, giá trị thu được là 900 triệu/ha; đương quy cho thu 500-900 triệu/ha, sinh địa thu 300-400 triệu/ha...
Tuy nhiên, đại diện Cục Quản lý y dược cổ truyền cũng lưu ý, thời gian tới, cần có nhiều chính sách để hỗ trợ người nông dân và doanh nghiệp trong việc trồng và phát triển dược liệu; thực hiện xây dựng các chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất tới thu hoạch, chế biến và phân phối ra thị trường, tránh tình trạng với xuất dược liệu thô với giá rẻ.
Cũng về vấn đề này, theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, đã đến lúc cần quan tâm đúng mức đến việc khai thác những giá trị tiềm ẩn của cây thuốc, từ khâu bảo tồn, trồng trọt, khai thác đến thu hái, sản xuất, chế biến, phân phối. Hoàn thiện chuỗi giá trị khép kín này, chúng ta có thể biến nguồn dược liệu quý thành hàng hóa có giá trị cao, được tiêu thụ rộng rãi. Đây vừa là giải pháp hữu hiệu nâng cao sức khỏe toàn dân, vừa góp phần cân bằng hệ sinh thái và phát triển kinh tế.
Vườn thuốc nam của Trạm y tế phường Tân An (Buôn Ma Thuột, Đắc Lắc).
2. Hiện nhiều địa phương trong cả nước phát triển khá mạnh việc trồng cây dược liệu. Tại xóm 10 xã Hải Hà (Hải Hậu, Nam Định), nhiều hộ dân đã “chia tay” với cây cảnh để trồng đinh lăng. Cây đinh lăng rất dễ trồng, dễ chăm sóc, kinh phí đầu tư ban đầu ít. Khi trồng chỉ cần bón một ít phân chuồng để mục và thêm chút phân lân là đủ cho cây phát triển tốt. Trung bình, 1 sào cho thu nhập thấp nhất là 20 triệu đồng/năm. Bà con ở đây đã coi việc trồng đinh lăng như là một hướng đi tích cực của “nền kinh tế xanh”.
Cũng tại Nam Định, có nhiều hộ gia đình có truyền thống trồng loại cây này. Từ đời ông truyền cho đời con, đời cháu. Cây dược liệu này đã không phụ lòng người tâm huyết với nó, nên diện tích trồng đinh lăng ngày càng được mở rộng.
Còn tại Yên Bái, nhiều người dân đã nhận thấy rất rõ hiệu quả khi trồng cây thuốc nam. Vì vậy nhiều hộ dân đã chuyển đổi từ đất trồng lúa, trồng màu kém hiệu quả hay đất dưới tán rừng để trồng cây dược liệu.
Tại thôn 3, xã Cường Thịnh, huyện Trấn Yên, nhiều hộ dân đã thành công từ trồng cây dược liệu, trong đó có cây khôi. Bà con cho biết, đầu ra của sản phẩm không khó vì các cơ sở chế biến thuốc đông y chủ động tìm mua làm thành phần trong thuốc chữa các bệnh về dạ dày, đường ruột... và nhiều loại bệnh khác. Vì thế, có hộ gia đình đã bỏ đồi chè để trồng dược liệu.
Với cây khôi tía, trung bình 1,5 tháng là đã cho thu hoạch lá 1 lần. Với giá bán ổn định cho các công ty dược trong nước từ 250 - 300 ngàn đồng/kg, nhiều hộ gia đình thu về khoảng 150 triệu đồng/năm. Từ đó, không chỉ trồng cây khôi tía, bà con còn giâm cành, nhân giống một cách rất hiệu quả. Với giá bán cây giống 12.000 đồng/cây cũng cho thu nhập khá. Với xã Cường Thịnh, tuy việc trồng cây dược liệu còn mới nhưng đã đem lại giá trị kinh tế cao cho một số hộ dân trong xã.
Theo Hội Đông y tỉnh Yên Bái, toàn tỉnh có 860 vườn cây thuốc nam, mỗi năm khai thác được trên 130 tấn dược liệu thô cung cấp cho các bệnh viện và Công ty cổ phần Dược phẩm tỉnh Yên Bái. Tổng số dược liệu được bào chế đạt trên 120 tấn/năm, trong đó chủ yếu là các loại dược liệu như: quế, sả, mạch môn, sơn tra, gừng, hoài sơn, atiso, bách bộ, đinh lăng, khôi tía, cà gai leo, ý dĩ, hà thủ ô đỏ… Ngoài một số cây dược liệu thân gỗ như quế, sơn tra thì hầu hết các loại cây dược liệu được trồng tại các địa phương trong tỉnh đều là cây trồng dưới tán.
Để tiếp tục phát triển và bảo tồn cây dược liệu, từ nay đến năm 2020, tỉnh Yên Bái phấn đấu trồng khoảng 26.470 ha cây dược liệu, xây dựng 1 - 2 vườn nhân giống cây dược liệu.
Với Sa Pa (tỉnh Lào Cai), việc trồng cây dược liệu cũng rất phổ biến. Sa Pa khí hậu mát mẻ quanh năm, rất thích hợp cho cây dược liệu phát triển. Vì vậy, nhiều đời nay, người dân nơi đây đã biết trồng cây dược liệu để làm thuốc. Cây dược liệu phổ biến được trồng ở đây là cây atiso và cây bạch nhật. Cùng đó, cây dược liệu tại Sa Pa được nhiều bà con dân tộc tìm ra trên các đồi rừng, từ đó nhân giống trồng tại gia đình.
Bà con đã truyền cho nhau nghề trồng dược liệu, để ai cũng có thể có thu nhập tốt từ công việc này. Có thể nêu ví dụ: Với 1 gia đình có diện tích đất 2ha, mỗi năm thu được 8 tấn sản phẩm atiso thì cũng được hơn 200 triệu đồng/năm.
Có được thành quả như ngày hôm nay là vào năm 1997, Bộ Y tế đã tổ chức một cuộc Hội thảo với chủ đề “Phát triển dược liệu góp phần xoá đói giảm nghèo”. Từ đó, các công ty dược đã liên kết với người dân Sa Pa, nơi có tiềm năng dược liệu rất lớn, tìm ra những công nghệ cao để chế biến thành những loại thuốc có giá trị. Từ đó nhiều bà con đã có những hướng đi thích hợp từ nghề trồng dược liệu. Mỗi một hộ dân trồng dược liệu đều được hỗ trợ giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật canh tác, đảm bảo được chất lượng theo tiêu chuẩn mới về dược liệu sạch và an toàn.
Thực tế cho thấy, có thể khẳng định việc trồng cây dược liệu là một hướng đi đúng, nhất là đối với các địa phương vùng núi cao. Nó không chỉ giúp bà con thoát nghèo mà còn thoát nghèo bền vững, vươn lên khá giả.