Rước đại lịch trong Tết Chôl Chnăm Thmây

Xuân Mai (tổng hợp) 28/04/2019 08:00

Chôl Chnăm Thmây (Vào năm mới) là một trong ba lễ hội lớn nhất trong năm của người Khmer Nam Bộ, thường diễn ra trong 3 ngày. Để đánh dấu thời khắc năm cũ bước sang năm mới, người Khmer tổ chức trước đại lịch Maha Sangkran vào ngày đầu tiên của Tết Chôl Chnăm Thmây.

Rước đại lịch trong Tết Chôl Chnăm Thmây

Acha dẫn người dân đi vòng quanh chính điện 3 vòng để làm lễ mừng năm mới.

1. Lễ rước đại lịch của đồng bào Khmer Nam Bộ có ý nghĩa tương tự lễ đón giao thừa trong Tết Nguyên đán của người Việt và nhiều dân tộc khác, nhằm tiễn đưa những điều xui xẻo trong năm cũ, gửi gắm ước vọng vào những điều mới mẻ, may mắn, tốt lành trong năm mới.

Nếu như lễ đón giao thừa của người Việt thường tổ chức cố định vào lúc 0 giờ ngày mùng một tháng Giêng âm lịch thì lễ rước đại lịch đón năm mới của đồng bào Khmer Nam Bộ lại không cố định về thời gian, luôn thay đổi tùy từng năm, thường diễn ra trong ngày đầu của Tết Chôl Chhnăm Thmây, vào ngày 13 hoặc 14/4 dương lịch hàng năm.

Để xác định thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, người Khmer có cách tính riêng, dựa vào những qui tắc trong chiêm tinh học. Theo cách tính này, thời khắc giao thừa của lễ Chôl Chnăm Thmây năm 2019 là 15 giờ 12 phút ngày hôm nay (Chủ nhật 14/4). Theo quan niệm của đồng bào Khmer, trong thời khắc đó, Dungsa Devi (Tung sá Tê-vi), nữ thần xuống tiếp quản thế gian trong năm mới 2019 cỡi thần điểu (Garuda), mặc y phục màu đỏ, ăn quả sung, tay phải cầm bánh xe pháp luân, tay trái cầm ốc tù và...

2. Trong ngày đầu của Tết Chôl Chnăm Thmây, người Khmer diện quần áo đẹp, mang theo lễ vật gồm nhang đèn, bánh trái, hoa quả…, tập trung vào chùa.

Trước thời khắc giao thừa, các gia đình bày các thứ lễ vật hoa quả, nhang đèn đặt trên một chiếc bàn ở ngay trước sân nhà để làm lễ.

Vào thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, tiếng trống, tiếng cồng… vang lên, lễ rước đại lịch diễn ra dưới sự hướng dẫn của Achar hoặc sư cả. (Acha là người am hiểu lịch sử, thuộc nhiều kinh Phật và được dân làng tín nhiệm).

Khi cử hành nghi thức rước đại lịch, một số chùa còn tổ chức dàn nhạc ngũ âm hoặc nhóm múa Chhay-dăm với người dẫn đầu mang mặt nạ, tay cầm gậy múa mở đường… Kế tiếp là vị Achar đội mâm lễ vật trên đầu gồm: quyển đại lịch, Bai sây, Sla tho, nhang đèn, hoa quả... Một người đi phía sau cầm lọng màu vàng che cho người đội mâm.

Sau cùng đoàn rước đại lịch là bà con Phật tử bổn sóc, tay cầm nhang, đèn đốt sẵn. Già trẻ tuần tự xếp hàng hai, hàng ba xuất phát từ hướng Đông, theo chiều kim đồng hồ, đi 3 vòng quanh chánh điện, thể hiện sự cung kính đối với đức Phật và đón chư thiên năm mới.

Trong suốt thời gian diễn ra lễ rước đại lịch, tiếng trống tiếng cồng vang lên liên hồi, rộn rã, như thúc giục đồng bào Phật tử từ các phum sóc nối tiếp nhau tề tựu về chùa. Khi đi đủ 3 vòng, đoàn rước tiến vào chánh điện. Vị sư cả tiếp nhận quyển đại lịch, đặt lên bệ thờ, tụng kinh đón vị thần cai quản năm mới và tụng kinh cầu an.

Những gia đình không tham gia rước đại lịch tại chùa cũng có thể thực hiện hiện nghi thức đón năm mới tại nhà. Bà con thường tổ chức hành lễ trước sân nhà với khay lễ gồm quyển đại lịch, một đôi Bai sây, một đôi Sla tho, nước ướp hương, 5 cây nhang, 5 cây đèn cầy, 5 hạt cốm nổ, hoa quả, bánh trái… Đến thời khắc giao thừa - theo tiếng trống hiệu của nhà chùa, cả nhà tập trung về nơi hành lễ, thắp nhang đèn, phát tâm thanh sạch, tiến hành nghi thức đón chư thiên tại gia.

Nguồn gốc lễ rước đại lịch được lý giải bằng truyền thuyết liên quan đến câu chuyện chuyển giao tôn giáo từ Bà La Môn giáo sang Phật giáo, xoay quanh cuộc đấu trí giữa Đại Phạm Thiên (Ka-bưl Mô-ha-prum) và cậu bé thông minh Thom-ma-bal, một tiền kiếp của đức Phật. Đại Phạm Thiên thua cuộc trong cuộc thách đấu trí tuệ, phải tự cắt đầu mình, giao cho 7 cô con gái luân phiên canh giữ tại núi Kailash. Thời khắc đổi phiên canh giữ thủ cấp của Đại Phạm Thiên hàng năm được người Khmer xem như thời khắc tiễn chư thiên năm cũ, đón chư thiên năm mới xuống tiếp quản thế gian.

Xuân Mai (tổng hợp)