Trốn thuế, gian lận thuế diễn biến phức tạp
Đây là vấn đề được nêu ra tại hội thảo “Quản lý thuế và vai trò của Kiểm toán Nhà nước” do Kiểm toán Nhà nước tổ chức ngày 9/5 tại Hà Nội. Hội thảo nhằm tìm ra những giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả kiểm toán mà trong đó tập trung vào lĩnh vực kiểm toán công tác quản lý thuế.
Quang cảnh hội thảo.
Gian lận thuế ngày càng phức tạp
Thuế được coi là nguồn thu quan trọng, chủ yếu của ngân sách vì nguồn thu này mang tính chất ổn định, đảm bảo tự chủ và độc lập quốc gia. Ở Việt Nam, thuế đã thực sự trở thành nguồn thu chủ yếu của ngân sách nhà nước. Điều này được thể hiện qua tỷ trọng số thu thuế trong tổng thu ngân sách ngày càng tăng trong những năm vừa qua. Tuy nhiên, theo Kiểm toán Nhà nước (KTNN), những hành vi trốn thuế, gian lận thuế ngày càng diễn biến phức tạp, phạm vi ngày càng rộng, quy mô ngày càng lớn và thủ đoạn ngày càng tinh vi.
“Qua kiểm toán cho thấy mức độ vi phạm pháp luật thuế còn cao, diễn ra ở hầu hết các địa phương và các loại hình doanh nghiệp và các sắc thuế; chất lượng công tác thanh kiểm tra thuế còn hạn chế, còn bỏ sót nhiều sai phạm của doanh nghiệp (DN) như: Áp dụng không đúng thuế suất thuế GTGT, kê khai ưu đãi và miễn giảm thuế thu nhập DN và thực hiện miễn giảm thuế sai quy định, áp đơn giá đất để tính tiền sử dụng đất chưa đúng...” – ông Trần Khánh Hòa, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, KTNN cho biết.
Dẫn chứng ông Hòa đưa ra là, năm 2016, qua đối chiếu 1.563 người nộp thuế, KTNN kiến nghị các khoản phải nộp tăng thêm là 2.060,6 tỷ đồng; năm 2017, đối chiếu 2.497 người nộp thuế, phát hiện 2.344 trường hợp có sai phạm, kiến nghị 1.351 tỷ đồng; năm 2018, đối chiếu 2.605 người nộp thuế và kiến nghị 1.769,4 tỷ đồng; chuyên đề về công tác quản lý hoàn thuế giá trị gia tăng năm 2017 tại Tổng cục Thuế và 19 cục thuế tỉnh, thành phố, kiến nghị xử lý 1.396,2 tỷ đồng…
Chính sách hoàn thuế, xóa nợ và miễn giảm là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, là một trong những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN, bảo đảm an sinh xã hội. Tuy nhiên theo ông Nguyễn Văn Đạt – Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành II, có tình trạng cho phép ưu đãi thuế không đúng quy định. Còn có hiện tượng thiếu công bằng trong thực hiện chính sách, hoàn, miễn, giảm, xóa nợ thuế cho một số trường hợp không đúng đối tượng, không đáp ứng đủ điều kiện.
Theo đại diện KTNN, chính sách ưu đãi thuế suất của Việt Nam có phạm vi ưu đãi khá rộng và dàn trải. Việc ưu đãi quá rộng đã làm mất tính hấp dẫn của các ưu đãi đầu tư. Chưa kể, chính chính sách ưu đãi thuế đã góp phần tạo cơ hội cho các DN chuyển giá để trốn thuế. Bằng chứng là nhiều DN thành lập thêm các công ty con, công ty liên kết tại các địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn. Sau đó, DN áp dụng các thủ đoạn chuyển giá để chuyển lợi nhuận sang các công ty này nhằm hưởng mức ưu đãi thuế thấp.
Đẩy mạnh kiểm toán về thuế
Thuế là công cụ điều tiết vĩ mô nền kinh tế và là công cụ để nhà nước thực thi những nhiệm vụ chính trị và nhiệm vụ xã hội. Do đó, PGS.TS Đặng Văn Thanh - Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam cho rằng, kiểm toán thuế là loại hình kiểm toán đặc biệt không chỉ thuần túy là kiểm tra, đánh giá, xác nhận độ tin cậy của thông tin về thuế phải nộp, số thuế đã nộp, số còn phải nộp.
“Cần hiểu rằng, thuế không chỉ là nguồn thu của Nhà nước mà quan trọng hơn, chính sách thuế phải là công cụ điều tiết vĩ mô, khuyến khích và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh…Thuế thu được rồi nhưng điều tiết và phân bổ thế nào, cách sử dụng tiền thuế của dân ra sao? Điều này đòi hỏi sự vào cuộc cũng như vai trò của KTNN. Ở các nước họ đòi hỏi công khai tiền thuế được sử dụng thế nào, nếu làm không tốt, không đúng người ta sẽ biểu tình” – ông Thanh cho hay.
Thực tế, bên cạnh những kết quả đạt được trong công tác kiểm toán thuế, đại diện KTNN cũng cho biết, công tác kiểm toán thuế trong thời gian qua còn hạn chế, bất cập làm ảnh hưởng đến chất lượng kiểm toán, cụ thể, các báo cáo kiểm toán chủ yếu nặng về phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật thuế của người nộp thuế để từ đó kiến nghị tăng thu ngân sách nhà nước. Việc kiểm toán đánh giá tuân thủ pháp luật, hiệu quả, hiệu lực trong hoạt động tổ chức thu thuế của cơ quan quản lý thu chưa được quan tâm, chú trọng, do đó chưa tập trung phân tích, đánh giá tồn tại, bất cập trong công tác quản lý thu thuế, nhất là việc ban hành các văn bản pháp quy liên quan đến thuế và quản lý thu thuế của các bộ, ngành, địa phương.
Phát triển kiểm toán thuế là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm phát huy vai trò là công cụ hữu hiệu của Nhà nước trong kiểm tra, giám sát việc quản lý và sử dụng tài chính công, tài sản công. Chính vì vậy các đại biểu cho rằng, kế hoạch kiểm toán trong những năm tới cần tiếp tục ưu tiên lựa chọn đối tượng kiểm toán phù hợp, tập trung hơn vào những vấn đề trọng yếu trong trong quản lý thu ngân sách nhà nước. Trong đó tiếp tục xác định kiểm toán thuế là một trong những nội dung quan trọng trong các cuộc kiểm toán báo cáo tài chính của doanh nghiệp nhà nước. Đồng thời KTNN nghiên cứu, đề xuất bổ sung các quy định pháp luật về sử dụng dữ liệu thông tin người nộp thuế, quy định về phối hợp, chia sẻ trong quản lý dữ liệu thuế giữa cơ quan quản lý thuế và KTNN; phát triển ngân hàng thông tin về người nộp thuế đảm bảo thông tin đầy đủ, được cập nhật kịp thời, phục vụ cho công tác kiểm toán thuế, tránh tình trạng thực hiện kiểm toán thuế khi thiếu thông tin về người nộp thuế.