Thi THPT quốc gia năm 2019: Băn khoăn chấm thi tự luận
Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2019, nhằm ngăn chặn gian lận thi cử, nâng cao chất lượng tuyển sinh, Bộ GDĐT cho biết sẽ áp dụng nhiều giải pháp mạnh, quyết tâm không để xảy ra tiêu cực. Dẫu thế thời điểm này khi mà chỉ hơn 1 tháng nữa kỳ thi bắt đầu, vẫn còn nhiều băn khoăn về việc để các tỉnh tự chấm môn Ngữ văn, có tái diễn nâng điểm thi THPT quốc gia hay không?
Vẫn còn những băn khoăn về chấm thi tự luận.
Chấm không đều tay…
Sai phạm ở một số địa phương trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 cho đến nay vẫn đang được cơ quan chức năng điều tra, xử lý theo quy định. Song, những hệ lụy từ đó đã và đang đặt ra nhiều băn khoăn về công tác tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2019. Bộ GDĐT cho biết, phương án duy trì kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 nhằm hai mục đích: Vừa xét công nhận tốt nghiệp, vừa lấy điểm để xét tuyển vào ĐH, việc tổ chức nghiêm túc kỳ thi THPT quốc gia còn là cơ sở để nâng cao chất lượng tuyển sinh ở bậc ĐH, bớt đi những băn khoăn, hoài nghi từ dư luận xã hội và từ chính các trường ĐH về chất lượng tuyển sinh.
Ông Mai Văn Trinh- Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT) cho biết: Một trong những điều chỉnh cơ bản của kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 là quy định các trường ĐH, CĐ không được tham gia tổ chức kỳ thi tại địa phương mình. Khâu coi thi sẽ được giám sát chặt chẽ hơn với các quy định và trách nhiệm cụ thể cho từng vị trí, bảo đảm không để người này làm chồng chéo việc của người kia hoặc có thể đổ lỗi cho nhau khi xảy ra sai phạm. Tuy Bộ GDĐT giao cho các trường ĐH chấm thi trắc nghiệm, nhưng các bài thi tự luận thì vẫn giao địa phương chủ động.
Vậy cơ sở nào để tin tưởng rằng sẽ không có chuyện nâng điểm cục bộ? Bởi theo thống kê của Bộ GDĐT, năm 2018 môn Ngữ văn có hơn 900.000 thí sinh dự thi. Tại các tỉnh diễn ra gian lận thi cử, điểm chấm thẩm định môn Ngữ văn đã có sự sụt giảm đáng kể. Đơn cử như việc có 22 bài thi môn ngữ văn của 22 thí sinh Hòa Bình được chấm chênh lệch từ 1,25 điểm đến 4,75 điểm.
Tại Lạng Sơn, kết quả chấm thẩm định môn văn của Hội đồng chấm thẩm định - Bộ GDĐT cho biết: Sau khi tiến hành chấm thẩm định 51 bài thi môn ngữ văn, so với kết quả Hội đồng thi Sở GDĐT tỉnh Lạng Sơn công bố ngày 11/7, thì có 8 bài giảm điểm (chiếm 15,7%). Trong đó có 4 bài thi giảm 1,25 điểm, 3 bài giảm 1,5 điểm, 1 bài giảm 1,75 điểm.
Còn tại Sơn La, Hội đồng chấm thẩm định đã tiến hành chấm thẩm định 110 bài thi môn Ngữ văn nghi vấn có dấu hiệu điểm cao bất thường. Kết quả cho thấy có 12 bài thi có điểm thấp hơn so với lần chấm đầu từ 1 điểm trở lên; trong đó có 1 bài điểm thấp hơn 4,5 điểm so với chấm lần đầu.
Thống kê cũng cho thấy 10 địa phương có điểm trung bình môn Ngữ văn cao nhất: Hậu Giang, Hà Nam, Hà Tĩnh, An Giang, Bạc Liêu, Thái Nguyên, Bình Thuận, Nam Định, Ninh Bình, Đồng Tháp. Tỉnh Hậu Giang dẫn đầu về điểm trung bình môn văn với 6,49. Trong hơn 6.000 thí sinh dự thi của tỉnh này, có 89 thí sinh đạt từ 9 trở lên, chỉ 3 thí sinh bị điểm liệt…
Như vậy điểm số trung bình cao của môn Ngữ văn ở các địa phương Hà Nội và TP HCM vẫn thua xa những địa phương trên. Theo phân tích của các chuyên gia, Hà Nội có 70 điểm 9 ở môn văn nhưng nếu tính ra hơn 100 trường THPT trên toàn thành phố thì nghĩa là trung bình mỗi trường chỉ đạt tỉ lệ 0,7 học sinh đạt điểm 9 ở môn thi này, kể cả các trường chuyên. Kết quả như vậy không thể phản ánh đúng thực tế tình hình học của Hà Nội so với các địa phương khác.
Còn theo phân tích phổ điểm môn Ngữ văn năm 2018 của Hệ thống giáo dục Hocmai: So với phổ điểm của các môn thi THPT quốc gia năm 2018, có thể thấy môn Ngữ văn có dáng hình phổ điểm mất cân đối. Điều này cho thấy, dù đã có hướng dẫn chấm thi nhưng tình trạng chấm không đều tay ở các địa phương là có thật.
Siết bằng cách nào?
Từ kết quả chấm thẩm định môn Ngữ văn, cũng như phổ điểm không cân đối của môn thi này trong kỳ thi THPT quốc gia 2018, dư luận đặt vấn đề: không nên xem thường tỉ lệ sai sót trong chấm thi tự luận, nhất là đối với một kỳ thi đặc biệt quan trọng như kỳ thi THPT quốc gia.
Theo quy định, điểm thi môn tự luận được quy định làm tròn tới tận 2 chữ số thập phân chứ không phải 0,25 như trước kia. Như vậy, chỉ một sai số vô cùng nhỏ cũng khiến một học sinh từ đỗ thành trượt và ngược lại. Đặc biệt với một kỳ thi “2 trong 1” như hiện nay, một sai sót nhỏ cũng sẽ có ảnh hưởng lớn tới cả tương lai của thí sinh sau này.
Lý giải những băn khoăn của dư luận, ông Mai Văn Trinh cho rằng việc vẫn tiếp tục giao cho các Sở GDĐT chấm thi Ngữ văn là phù hợp với thực tiễn. Bởi trên thực tế, nếu giao cho trường ĐH chấm tự luận thì vẫn phải mời giáo viên của các Sở GDĐT tham gia. Đổi mới đáng chú ý là khâu chấm thi bài tự luận, quy chế năm nay nêu rõ hơn về việc bốc thăm phân chia bài thi như thế nào và chấm hai vòng ra sao. Chấm kiểm tra vẫn được tiến hành với ít nhất 5%. Ngoài việc chấm ngẫu nhiên như năm trước thì năm nay những bài điểm cao sẽ được lựa chọn để chấm kiểm tra nhằm phát hiện các gian lận nếu có.