Không để dịch bùng phát
Một tin không vui vừa đến với ngành chăn nuôi nước nhà khi ngày 4/5 vừa qua, thêm một tỉnh lại công bố xuất hiện dịch tả lợn châu Phi. Đáng chú ý, dịch tả đã xuất hiện tại địa phương được coi là “thủ phủ” nuôi lợn của cả nước. Theo đó, thông tin từ UBND huyện Trảng Bom (tỉnh Đồng Nai) cho biết, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại ấp Tân Đạt, xã Đồi 61. Vùng bị dịch uy hiếp trong phạm vi 3 km.
Trước đó, UBND huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai) cũng đã công bố dịch bệnh tả lợn châu Phi tại xã Phước Thiền, phạm vi ảnh hưởng tương tự như ổ dịch ở Trảng Bom, tức là trong vùng khoảng 3 km. Đồng Nai là tỉnh có đàn lợn lớn nhất nước với hơn 2,5 triệu con. Đây là nơi cung ứng thịt lợn chính cho TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành phía Nam.
Như vậy, tính từ thời điểm đầu tháng 2/2019, thời điểm tỉnh đầu tiên của Việt Nam công bố dịch tả lợn châu Phi, đến nay đã 3 tháng và trong khoảng thời gian 3 tháng vừa qua là thời điểm cam go nhất của ngành chăn nuôi nước nhà khi luôn phải gồng mình chống dịch. Với những nỗ lực lớn của toàn hệ thống chính trị và cả xã hội từ Trung ương đến địa phương, từ nhà quản lý đến các DN, người dân… dịch tả lợn châu Phi có thời điểm đã có dấu hiệu chững lại. Đó là thời điểm đầu tháng 4/2019, một số địa phương như Hà Nội, Hưng Yên, Hòa Bình đã công bố hết dịch khi quá 30 ngày không phát sinh thêm ổ dịch mới.
Tuy nhiên, đúng như dự báo của nhà quản lý và giới chuyên gia, đây là một loại dịch bệnh có diễn biến phức tạp, khó lường, lại trong điều kiện khí hậu thuận lợi, nên nó đã tấn công hơn 20 tỉnh thành miền Bắc và đến thời điểm này, tiếp tục thâm nhập vào miền Nam, cụ thể ở đây là hai huyện thuộc tỉnh Đồng Nai – nơi có đàn lợn lớn nhất cả nước. Như vậy, điều mà nhà quản lý lo lắng nhất đã xảy ra. Địa phương có nguồn cung ứng thịt lợn với sản lượng lớn nhất cả nước đã chính thức công bố có dịch tả lợn châu Phi.
Cần phải thừa nhận, trong thời gian vừa qua, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc để phòng chống dịch tả lợn châu Phi, thậm chí các tổ chức quốc tế cũng đã tham gia với mục tiêu cao nhất là dập dịch và không để dịch tràn sang các tỉnh phía Nam. Tuy nhiên, dường như ý thức của người dân vẫn chưa cao. Và đây chính là một trong những nguyên nhân khiến dịch không thể được dập tắt hoàn toàn.
Nhận định về thực trạng này, chính lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã nêu rõ: Nguyên nhân dịch bệnh có chiều hướng lây lan nhanh chủ yếu do các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chưa thực hiện tốt công tác phòng bệnh theo phương pháp an toàn sinh học. Do các hộ sử dụng thức ăn tận dụng, thức ăn thừa chưa qua xử lý nhiệt, mua thịt lợn từ các chợ truyền thống không rõ nguồn gốc.
Và ngay trong giai đoạn cao điểm của dịch, vẫn có tình trạng người kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thương lái, phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật một cách ngang nhiên, chủ quan, không ngại dịch. Thậm chí ở một số nơi dịch bệnh lây lan từ chính lực lượng trực tiếp đi tiêu hủy lợn…
Đáng quan ngại, tại một số tuyến đường liên huyện thuộc tỉnh Đồng Nai, còn có tỉnh để xác lợn chết vứt bừa bãi bên đường. Và tất nhiên, đây chính là mầm mống để phát sinh các loại dịch bệnh chứ không chỉ có dịch tả lợn châu Phi. Với ý thức của người dân như vậy vô hình trung đã biến tất cả những nỗ lực, cố gắng của nhà quản lý cũng như các tổ chức doanh nghiệp, xã hội trong và ngoài nước trong việc phòng chống dịch thời gian qua trở thành… công cốc.
Còn nhớ tại thời điểm dịch tả lợn châu phi diễn biến phức tạp nhất, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã liên tục đốc thúc toàn ngành nông nghiệp tuyệt đối không được lơ là, chủ quan với dịch. Theo đó, nhiều biện pháp ngăn chặn kiểm soát đã được đưa ra với nguồn nhân lực, vật lực mạnh nhất. Thậm chí, để ngăn chặn dịch, một Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch tả lợn châu Phi cũng đã được Chính phủ yêu cầu thành lập. Chính bởi vậy, trong số hơn 20 tỉnh, thành phía Bắc nhiễm dịch, đã có nhiều địa phương công bố hết dịch ngay những ngày đầu tháng 4/2019.
Tuy vậy, dịch tả lợn châu Phi dù lắng xuống một thời gian song đến thời điểm này có dấu hiệu bùng phát mạnh trở lại. Khi dịch bệnh đã lây lan đến nơi có nguồn cung thịt lợn lớn nhất cả nước thì nguy cơ khủng hoảng nguồn cung thịt lợn có thể sẽ xảy ra.
Dịch tả lợn châu Phi dù đã được khuyến cáo không lây sang người, song những thiệt hại mà loại dịch bệnh này gây ra cho ngành nông nghiệp là rất đáng quan ngại. Theo Tổ chức Thú y Thế giới, có 20 quốc gia phát hiện có dịch này từ năm 2017, Việt Nam là quốc gia thứ ba ở châu Á bị tấn công bởi dịch tả lợn châu Phi sau Trung Quốc và Mông Cổ. Tính đến thời điểm này, Việt Nam đã tiêu hủy trên 85.000 con lợn do nhiễm dịch tả lợn châu Phi.
Thiết nghĩ, để hạn chế thấp nhất những thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi gây ra, chỉ những nỗ lực, cố gắng của riêng nhà quản lý, các tổ chức xã hội không thôi, là chưa đủ mà còn rất cần sự chung tay của chính người dân, các hộ sản xuất nhỏ lẻ bắt đầu từ ý thức của chính họ.