Đầu tư nông nghiệp công nghệ cao: Vẫn cần tháo gỡ nhiều rào cản

Minh Phương 11/05/2019 08:00

Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là hướng đi đúng và tất yếu. Nhiều chính sách được đưa ra trong thời gian qua đã và đang tạo động lực mới cho ngành nông nghiệp Việt Nam. Song, thực tế, nhiều doanh nghiệp (DN) cho biết, họ vẫn gặp phải rào cản khi tiếp cận nguồn lực để có thể đầu tư vào lĩnh vực này.

Đầu tư nông nghiệp công nghệ cao: Vẫn cần tháo gỡ nhiều rào cản

Cần tháo gỡ nhiều rào cản để thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao.

Doanh nghiệp e dè vì nhiều rủi ro

Mặc dù là trụ đỡ của nền kinh tế, song lĩnh vực nông nghiệp thời gian qua vẫn bấp bênh. Tình trạng tồn ứ nông sản, dịch bệnh trong chăn nuôi khiến cho người nông dân khó có thể có thu nhập ổn định với nghề nông. Chính bởi vậy, thời gian qua, rất nhiều chính sách đã được đưa ra nhằm thúc đẩy nền nông nghiệp công nghệ cao phát triển. Đây cũng là xu thế tất yếu trong bối cảnh hội nhập hiện nay, đặc biệt là khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã ở rất gần. Tuy nhiên, có một thực tế rằng, hiện nay chỉ những tập đoàn, DN lớn với tiềm lực tài chính và chiến lược phát triển dài hạn mới đổ vốn vào lĩnh vực này và có thể trụ vững, đơn cử những tên tuổi như VinEco (thành viên của Tập đoàn Vingroup), Tập đoàn TH hay Vinamilk …

Còn phần lớn các DN nhỏ và vừa khi đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao trong nhiều lĩnh vực đều gặp khó khăn và khó có thể vững chân trong lĩnh vực này.

Nguyên nhân của thực tế này được giới chuyên gia kinh tế chỉ ra là do ngành nông nghiệp ẩn chứa nhiều rủi ro, đó là những rủi ro về thiên tai, khí hậu, dịch bệnh, lợi nhuận thấp… khiến cho nhiều DN trở nên e ngại khi đầu tư vào lĩnh vực này. Đặc biệt, theo nhận định của giới chuyên gia kinh tế, nhân lực được coi là hạn chế lớn nhất khiến các nhà đầu tư đang rất băn khoăn khi đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao bởi lẽ, đây là lĩnh vực phải được vận hành bởi nông dân trí thức, nhưng khoảng trên 97% lao động ngành nông nghiệp hiện nay chưa qua đào tạo, chủ yếu vẫn làm nông theo “kinh nghiệm cha ông”. Chính bởi vậy, mục tiêu phát triển mạnh nền nông nghiệp công nghệ cao dường như vẫn chưa được như kỳ vọng của nhà quản lý.

Nhận định về vấn đề này, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Viện Trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn cho rằng, phát triển nông nghiệp công nghệ cao rất cần cơ sở hạ tầng thuận lợi, song thực tế cho thấy, điều kiện triển khai các dự án nông nghiệp công nghệ cao ở nước ta có rất nhiều khó khăn. Đơn cử, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cần có quỹ đất lớn, có vị trí thuận lợi cho lưu thông để đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất đồng bộ, nhưng đất nông nghiệp ở Việt Nam lại bị phân tán nhỏ lẻ nên rất khó.

Bên cạnh đó, phần lớn các DN cho biết, mặc dù chính sách để thúc đẩy DN đầu tư vào nông nghiệp có nhiều, nhưng điểm nghẽn lớn nhất mà các DN gặp phải hiện nay đó là tiếp cận các nguồn lực. Có tới hơn 60% DN cho rằng tiếp cận đất đai là rào cản lớn nhất trong việc đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Chính sách cần cởi mở hơn

Thừa nhận vẫn còn quá nhiều khó khăn để thu hút đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, TS. Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng CIEM nêu quan điểm, thu hút DN vào ngành nông nghiệp đã khó, giữ chân DN còn khó hơn. Bởi đây là ngành ẩn chứa nhiều rủi ro, trong khi lợi nhuận thu về lại không phải ngày một ngày hai mà cần phải có thời gian lâu dài.

Chính bởi vậy, vị chuyên gia khuyến cáo, việc “cởi trói” các chính sách về nông nghiệp nhằm khuyến khích DN đầu tư là yếu tố then chốt, cơ quan quản lý nhà nước phải luôn đồng hành với DN, để nếu gặp khó ở khâu nào sẽ cùng gỡ khó ở khâu đó. Như vậy, mới giúp DN có thể trụ vững trong lĩnh vực nhiều rủi ro này.

Theo Bộ NNPTNT, những năm qua Chính phủ luôn tạo điều kiện để phát triển thu hút đầu tư của DN vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Năm 2018 là năm có nhiều chính sách hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi thu hút DN đầu tư vào khu vực nông nghiệp, trong đó có Nghị quyết 19/2018 của Chính phủ đã rà soát cắt giảm điều kiện kinh doanh cho DN phát triển. Riêng Bộ NNPTNT đã đơn giản hóa, rà soát cắt giảm 173/345 điều kiện kinh doanh, đạt 50,75%, cắt giảm 63 thủ tục kiểm tra chuyên ngành… Theo đó, năm 2018 được đánh giá là năm thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp nhiều nhất với 2.200 DN đầu tư mới, nâng tổng số DN đầu tư vào lĩnh vực này lên con số 9.235 DN. Tuy nhiên, con số này vẫn còn quá khiêm tốn so với tổng số hơn 600.000 DN đang hoạt động trên cả nước hiện nay.

Giới chuyên gia ngành nông nghiệp nhận định, năm 2019 sẽ có nhiều luật được sửa đổi như sửa đổi Luật Thuế, Nghị định 116/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung NĐ 55 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn… Hàng loạt những động thái này của nhà quản lý được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp, từ đó thúc đẩy mục tiêu phát triển ngành nông nghiệp công nghệ cao một cách mạnh mẽ.

Minh Phương