‘Khách sạn ba đóa hồng’
“Mọi thứ tiếp tục sống trong bóng tối, ngay cả khi chúng ta nghĩ rằng tất cả đã chết". Đó là câu chuyện về bí mật khủng khiếp mà “Khách sạn ba đóa hồng”, cuốn sách mới được Phuc Minh Books liên kết với NXB Văn học phát hành, đưa đến cho bạn đọc.
Nhà văn, nhà báo người Ý Augusto De Angelis (1888 - 1944) bắt đầu viết truyện trinh thám vào năm 1930 và trong cuộc đời ngắn ngủi của mình ông đã cho ra đời khoảng 20 cuốn tiểu thuyết trinh thám. Trong đó Series truyện viết về thanh tra De Vincenzi là nổi tiếng hơn cả.
Khác với các tiểu thuyết trinh thám tội phạm của Ý lúc bấy giờ, tiểu thuyết của Augusto De Angelis không chỉ là trinh thám hình sự đơn thuần mà nó còn có thêm yếu tố suy luận. Chính điều này tạo nên sức hút đặc biệt cho các tác phẩm của ông, đồng thời cũng khiến ông rơi vào "tầm ngắm" của chính quyền. Năm 1943, ông đã bị bắt vì tội chống phát xít và sau đó bị chuyển đến nhà tù Como. Ông ra tù năm 1944 nhưng mất sau đó 3 tháng.
Mặc dù không phải là người đầu tiên viết về truyện trinh thám tội phạm nhưng Augusto De Angelis lại được xếp vào hàng ngũ tiên phong trong việc khởi xướng thể loại trinh thám đen tại Ý. Và cuốn tiểu thuyết “Khách sạn ba đóa hồng” chính là một trong những tác phẩm đánh dấu tên tuổi của ông với danh xưng “cha đẻ” của tiểu thuyết trinh thám Ý.
De Angelis đã tạo ra một phong cách riêng, với một nhân vật thám tử phức tạp hơn “cỗ máy tư duy” của Anh (điển hình là Sherlock Holmes) nhưng nhạy cảm hơn những thám tử cứng rắn, đầy bạo lực của Mỹ. “Khách sạn ba đóa hồng” là vụ án thứ bảy trong bộ sách về thanh tra De Vincenzi, cuốn sách được xuất bản năm 1936 và ngay lập tức gây ấn tượng với bạn đọc.
Với kết cấu truyện mạch lạc, logic, văn phong không màu mè, hoa mĩ, mang chất riêng của trinh thám hình sự, “Khách sạn ba đóa hồng” ám ảnh bạn đọc bởi câu hỏi: Liệu bí mật có thật sự quan trọng hơn cả cái chết?