Khai mạc Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc - Vesak 2019: Tôn vinh những giá trị trường tồn trong tư tưởng nhân văn của Phật giáo
Hôm nay, ngày 12/5, Đại lễ Vesak Liên hiệp quốc 2019 chính thức diễn ra tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo Tam Chúc, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam.
Đây là lần thứ 3 Đại lễ được tổ chức tại Việt Nam - sự kiện trọng đại mang tầm quốc tế với hơn 1.600 chức sắc và lãnh đạo các giáo hội, hệ phái Phật giáo, các giáo sư, tiến sỹ, nhà nghiên cứu, học giả Phật giáo đến từ hơn 100 quốc gia, vùng lãnh thổ trên khắp thế giới. Nhân sự kiện này, báo Đại Đoàn Kết trân trọng giới thiệu một số bài viết, sáng tác chào mừng Đại lễ Vesak 2019.
Thượng tọa Thích Đức Thiện.
Trải bao đổi thay qua hơn 25 thế kỷ, minh triết Phật giáo luôn luôn trường tồn trong lịch sử văn minh nhân loại. Trước những thách thức và biến đổi của thế giới, giáo lý Phật giáo ngày càng chứng tỏ tính ưu việt nổi trội. Thế giới đang phải đối mặt với nhiều vấn đề nan giải như chiến tranh, xung đột, khủng bố, ô nhiễm môi trường, bất bình đẳng… trong đó, khủng hoảng niềm tin lẫn nhau dẫn đến tình người bị mai một, sự ích kỷ lên ngôi, sự thiếu trách nhiệm chung để xây dựng một xã hội bền vững là những vấn đề có tính căn bản, cấp bách và bao trùm nhất.
Trong bức tranh tưởng chừng u ám và bế tắc ấy, tính trong sáng của Phật giáo đem tới một góc tiếp cận đặc sắc để có thể hóa giải mọi khổ đau một cách vững bền. Đó là chủ đề chính của Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc Vesak 2019 do Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Chính phủ Việt Nam vinh dự đăng cai lần thứ 3 tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo Tam Chúc. Đại lễ lần này là một minh chứng cho tầm vóc, ý thức trách nhiệm cao cả của Phật giáo trước những vấn đề thời sự cấp bách lớn lao của thời đại, đồng thời nói lên thái độ sống tích cực cũng như khẳng định niềm tin về khả năng đóng góp của Phật giáo cho thế giới.
Thông thường, để giải quyết các vấn đề chung của xã hội, người ta có thể tiếp cận từ nhiều góc độ khoa học, thực tiễn khác nhau như chính trị học, kinh tế học, xã hội học… Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững là cách áp dụng những giá trị minh triết và phương thức xử lý trong thực tiễn của Phật giáo đối với các vấn đề liên quan. Cách tiếp cận này có tính nhân bản sâu sắc, xuất phát từ các giá trị cốt lõi của con người quay trở lại phục vụ việc hóa giải khổ đau, chữa lành tâm hồn con người để mỗi người được sống hạnh phúc và góp phần tạo nên một thế giới hạnh phúc. Tinh thần từ bi, vô ngã, khoan dung, vị tha, hòa hợp và hòa bình thông qua con đường Bát chính đạo là những giá trị cơ bản, trong sáng, hoàn toàn phù hợp mà đạo Phật có thể phát huy để góp phần giải quyết những vấn nạn của thời đại hiện nay.
Thượng tọa Thích Đức Thiện và Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa XII, trong dịp ngài sang thăm Việt Nam. Ảnh: Phùng Anh Tuấn.
Chẳng hạn, nếu như từ các lãnh đạo quốc gia đến những người dân bình thường đều thấu hiểu hai trụ cột triết lý của đạo Phật gồm trí tuệ (sự hiểu biết chân chính, không thiên lệch, chấp nhận sự đa dạng và khác biệt của nhau) và từ bi (sự yêu thương, sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau vô điều kiện), thì chắc hẳn những xung đột về lợi ích trong xã hội sẽ được giảm thiểu đi rất nhiều.
Sự tác động của các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và xu hướng toàn cầu hóa đang kết nối thế giới thành một mạng lưới chung, vừa đem lại nhiều cơ hội nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ xung đột, bạo lực và cực đoan. Niềm tin vào Phật tính trong mỗi con người bình đẳng không phân biệt chủng tộc, giới tính, giàu nghèo… đã góp phần hình thành sáng kiến liên kết mọi người trên thế giới trong một tinh thần hòa hợp dựa trên giáo lý và giải pháp của Phật giáo.
Phật giáo thế giới khi đoàn kết, liên hiệp lại có thể phát huy mạnh mẽ vai trò lãnh đạo toàn cầu bằng chính tính trong sáng (vô ngã) của mình để cùng với các thiết chế chính trị, văn hóa, xã hội khác kiến tạo một thế giới hòa bình, thịnh vượng, phát triển bền vững trong sự trân trọng giá trị của mọi sinh linh. Sự lãnh đạo toàn cầu để giải quyết các vấn nạn thời đại tiếp cận từ giáo lý của Phật giáo không chỉ đề xuất một mô hình lãnh đạo hữu hình với các công cụ quản lý cụ thể, mà còn kêu gọi sự tự lãnh đạo, tự làm chủ bản thân từ bên trong mỗi cá nhân dựa theo các giá trị căn bản của đạo Phật. Trong đó, đạo Phật hướng con người đến khả năng trau dồi trí tuệ để tăng cường hiểu biết và có chính niệm, khả năng rèn luyện lòng yêu thương, sẵn sàng giúp đỡ mọi người vô điều kiện để thấy nụ cười của người khác là niềm hạnh phúc của chính mình. Đó chính là tính trong sáng của đạo Phật. Đại lễ Vesak 2019 lần này có sứ mệnh là tìm ra được tiêu chuẩn hạt giống thiện lành để gieo vào thế giới này. Trên tinh thần đó, hoạt động giáo dục và truyền bá giáo lý nhà Phật sẽ là nòng cốt để dẫn dắt quá trình tự điều chỉnh bản thân của mỗi người nhằm đạt được cuộc sống hạnh phúc hơn cho mình và cho cộng đồng.
Nhằm xây dựng một xã hội bền vững theo các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hiệp Quốc, tinh thần “hiểu để thương” của Phật giáo sẽ có khả năng định hướng cho cá nhân và cộng đồng sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau, cùng gánh vác và chia sẻ trách nhiệm chung, hạn chế tiến tới gạt bỏ sự ích kỷ cá nhân. Các tính chất ưu việt mà giáo lý Phật giáo đề xuất là những góc tiếp cận giúp Phật giáo hiện thực hóa các trách nhiệm của Tăng già, Phật tử cũng như mọi cá nhân cho cộng đồng. Giáo lý của Phật giáo khi được thông tỏ sẽ giúp từng cá nhân cũng như các tập thể tu tập để hạn chế sự ích kỷ, mở rộng lòng yêu thương, sẵn sàng giúp đỡ mọi người nhằm kiến tạo và duy trì môi trường sống hòa hợp, hạnh phúc trên ngôi nhà chung trái đất của chúng ta.
Với hơn hai ngàn năm hoằng pháp độ sinh trên đất nước và hòa mình vào trong dân tộc, đạo Phật ở Việt Nam với tinh thần nhập thế luôn luôn là một thành viên được tin cậy của khối đại đoàn kết toàn dân trong suốt dòng lịch sử dựng nước và giữ nước, trong sự nghiệp giải phóng dân tộc trước đây cũng như công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước hiện nay. Những nỗi khổ đau mà nhiều thế hệ người dân Việt Nam từng trải qua trong nhiều cuộc chiến tranh đã tạo nên trong họ năng lực khoan dung, thấu hiểu để trân trọng cuộc sống, yêu thương con người – những hạt giống tâm hồn quý giá mà đạo Phật luôn trân trọng, nâng niu và tìm cách gieo vào mọi miền đất của thế giới.
Một trong những biểu tượng nổi bật của văn hóa Phật giáo Việt Nam là hình ảnh Phật Bà Quan Âm nghìn mắt nghìn tay với các giá trị của Phật giáo được biểu hiện đầy tinh tế. Những đôi mắt tượng trưng cho nhận thức, chính kiến, hiểu biết, trí tuệ và cũng là cửa sổ tâm hồn, những bàn tay trong hình tượng Phật biểu thị cho hành động trong sáng, rộng lượng và sẵn sàng đưa tay chia sẻ, giúp đỡ nhân gian. “Giàu hai con mắt, khó hai bàn tay” – cặp phạm trù con mắt – bàn tay này cũng là cách biểu đạt giá trị của một con người với khả năng tri nhận và hành động đúng đắn để hoàn thiện bản thân và đóng góp cho thế giới.
Hình tượng bàn tay trong bức tượng Phật có tuổi đời hàng trăm năm này đã truyền cảm hứng vào logo của Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc 2019 lần này, khi ta thấy vòng ngoài của logo là những cánh hoa sen hồng như những bàn tay úp vào nhau nối thành một vòng tròn gắn kết, chở che và chia sẻ. Từ cảm hứng của tinh thần Phật giáo nhập thế trên mảnh đất Việt Nam xinh đẹp, giàu bản sắc văn hóa, đã trải qua nhiều hy sinh mất mát này, Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc 2019 là một diễn đàn để các cộng đồng và tổ chức Phật giáo thế giới thảo luận và tìm kiếm giải pháp Phật giáo cho các mục tiêu mà Liên Hiệp Quốc theo đuổi, bao gồm các khía cạnh như: sự lãnh đạo bằng chính niệm vì hòa bình bền vững; cách tiếp cận của Phật giáo về gia đình hòa hợp, chăm sóc sức khỏe và xây dựng xã hội bền vững; về giáo dục đạo đức toàn cầu; về cách mạng công nghiệp 4.0; và về tiêu thụ có trách nhiệm, vì môi trường bền vững.
Thông điệp của Đại lễ Vesak 2019 tại Việt Nam kêu gọi lãnh đạo Phật giáo thế giới hãy đoàn kết và dấn thân hành động nhập thế, chia sẻ và thực thi các giải pháp trị liệu đối với các thách thức xã hội mang tính toàn cầu trong thời đại chúng ta. Đại lễ Vesak cũng là dịp để tất cả chúng ta suy ngẫm và tôn vinh những giá trị trường tồn trong tư tưởng nhân văn của Phật giáo, khuyến khích mỗi cá nhân và cộng đồng kiến tạo và duy trì hạnh phúc không chỉ bằng việc tìm kiếm các giá trị vật chất mà hơn thế, là đạt tới sự an lạc trong tâm hồn, từ đó góp phần xây dựng một thế giới chung hạnh phúc.