Góp ý Luật Giáo dục sửa đổi: Trường tư thục lên tiếng

Thu Hương 12/05/2019 08:00

Một bản kiến nghị do các nhà đầu tư của nhiều trường phổ thông tư thục trên địa bàn Hà Nội, Hải Phòng… đã được gửi tới Bộ trưởng Bộ GDĐT và Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, nhằm góp ý cho Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi).

Góp ý Luật Giáo dục sửa đổi: Trường tư thục lên tiếng

Ảnh minh họa.

Đề xuất giữ nguyên quy định như Luật hiện hành

Sau khi nghiên cứu Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), phiên bản ngày 12/4/2019, các nhà đầu tư của nhiều trường phổ thông tư thục trên địa bàn Hà Nội: THCS & THPT Marie Curie Hà Nội, THPT Đinh Tiên Hoàng, THCS & THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, THCS & THPT Nguyễn Siêu, THCS & THPT Lômônôxôp, THPT Bình Minh, Tiểu học Đoàn Thị Điểm, THPT Kinh Đô và THPT Marie Curie – Hải Phòng đã có văn bản kiến nghị.

Pháp luật của Nhà nước Việt Nam bảo hộ quyền sở hữu chính đáng của các Nhà đầu tư trong mọi lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, giáo dục... Năm thành phần kinh tế được bình đẳng trước pháp luật. Ở trường công lập, Nhà nước đầu tư, bảo đảm điều kiện hoạt động và đại diện chủ sở hữu. Ở trường tư thục, nhà đầu tư thực sự thay vai trò của Nhà nước đầu tư tài chính, tài sản đảm bảo điều kiện hoạt động và đại diện chủ sở hữu trường. Điều hiển nhiên, chủ sở hữu có quyền điều hành doanh nghiệp, trường học, bệnh viện...

Trên cơ sở đó, các trường kiến nghị Ban soạn thảo, cơ quan thẩm tra Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi điều chỉnh nội dung các điều 56, 100 trong Dự thảo Luật Giáo dục, phiên bản ngày 12/4/2019.

Cụ thể: Giữ nguyên quy định về Hội đồng Quản trị (HĐQT) trường tư thục trong Điều 53 Luật Giáo dục hiện hành, thay cho khoản 3 điều 56 Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi bản 12/4/2019: “HĐQT của trường tư thục là cơ quan quản lý và là tổ chức đại diện duy nhất cho quyền sở hữu của trường, có quyền quyết định những vấn đề về tổ chức, nhân sự, tài chính, tài sản, quy hoạch, kế hoạch và phương hướng đầu tư phát triển của trường phù hợp với quy định của pháp luật”.

Giữ nguyên nội dung điều 67 Luật Giáo dục hiện hành, thay cho điều 100 Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi bản 12/4/2019: “Tài sản, tài chính của trường dân lập thuộc sở hữu tập thể của cộng đồng dân cư ở cơ sở; tài sản, tài chính của trường tư thục thuộc sở hữu của các thành viên góp vốn. Tài sản, tài chính của trường dân lập, trường tư thục được Nhà nước bảo hộ theo quy định của pháp luật. Việc rút vốn và chuyển nhượng vốn đối với trường tư thục được thực hiện theo quy định của Chính phủ, bảo đảm sự ổn định và phát triển của nhà trường”.

Làm rõ vai trò Hội đồng trường

Về thành phần của Hội đồng trường, NGƯT Nguyễn Phú Cường - Chủ tịch Hội đồng các trường Lômônôxôp Hà Nội cho rằng: việc có nhiều thành viên không có vốn góp trong và ngoài trường tham gia Hội đồng trường là không cần thiết, nó cồng kềnh và làm giảm sức năng động, sắc bén và quyết liệt của đơn vị chỉ đạo.

Cụ thể, thực tiễn trong quá trình quản lí trường phổ thông tư thục đã thấy, các quy định về giáo dục tư thục trong Luật Giáo dục hiện hành đang đi vào đời sống thiết thực của mỗi trường. Thông tư 13/2011/TT-BGDĐT ngày 28/3/2011 của Bộ GDĐT về Quy chế tổ chức và hoạt động của trường tiểu học, THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học loại hình tư thục cũng được đánh giá là hoàn toàn phù hợp với thực tiễn. Đây là cơ sở để các nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực giáo dục, giảm gánh nặng ngân sách và biên chế cho nhà nước, giảm sĩ số trường công, đáp ứng nhu cầu đa dạng của nhân dân bởi quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư được luật pháp bảo hộ.

Ông Cường cho rằng, với quy định hiện hành, để tồn tại và phát triển, để xây dựng được thương hiệu, trường tư thục có cách làm sáng tạo luôn luôn phát huy được sức mạnh của nhiều lực lượng tham gia giáo dục. Thứ nhất - thực hiện 3 công khai khi tuyển sinh (theo qui định của Bộ GDĐT), luôn luôn tạo điều kiện để cha mẹ học sinh và học sinh cùng nhà trường tham gia và kiểm tra các dịch vụ như nấu ăn trưa (vệ sinh an toàn thực phẩm, khẩu phần ăn…), xe ô tô đưa đón…

Thứ hai - phổ biến chính sách trong buổi họp cha mẹ học sinh, hàng tuần họp giao ban với các cán bộ chủ chốt để theo dõi, giám sát, tháo gỡ những khó khăn khi thực hiện các kế hoạch năm học… Thứ ba - luôn luôn được các cơ quan quản lí giám sát, kiểm tra, đánh giá (định kì, đột xuất) các mặt hoạt động giáo dục nên không phải lo hoạt động của trường có chệch hướng hay không đúng các chính sách pháp luật qui định.

Dẫn ra những điều trên để thấy rằng hầu hết các trường tư thục hiện nay đều hoạt động tốt theo qui định của Luật Giáo dục 2005 và Thông tư 13/2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Việc thay đổi như hướng của Dự thảo đưa ra là điều không cần thiết. Vì vậy, thầy Cường kiến nghị nếu trường có từ hai thành viên góp vốn trở lên phải có HĐQT. Đó là cơ quan quản lý và là tổ chức đại diện duy nhất cho quyền sở hữu của trường, chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các quyết nghị của Đại hội đồng Thành viên góp vốn và có quyền quyết định những vấn đề về tổ chức, nhân sự, tài chính, tài sản, quy hoạch, kế hoạch và phương hướng đầu tư phát triển của trường phù hợp với quy định của pháp luật.

Chung quan điểm này, TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội đồng Giáo dục, đồng sáng lập trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho rằng, Mục 1 Điều 56 của Dự thảo nêu “Hội đồng trường công lập là cơ quan quản trị nhà trường” là chưa phù hợp. vì công tác quản trị nhà trường trước hết là của Hiệu trưởng và các thành viên trong mỗi nhà trường. Vì vậy, TS Lâm đề nghị mục 1 nên điều chỉnh và làm rõ ngay chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Hội đồng trường theo hướng “Hội đồng trường của các trường công lập là cơ quan đại diện cho quyền sở hữu nhà nước và các bên có lợi ích liên quan, tham gia giám sát quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình, giám sát công tác quản trị của các nhà trường”.

Phần nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức chỉ nên nêu chung, không nên cụ thể cho từng loại trường (với từng loại trường sẽ điều chỉnh cụ thể bằng điều lệ nhà trường). “Tuy vậy phần nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng trường chúng tôi muốn Luật phải làm rõ ngoài việc được quyền giám sát các hoạt động của nhà trường nói chung nhưng chủ yếu được quyền giám sát quyền lực của Hiệu trưởng”- ông Lâm nhấn mạnh.

Giáo dục tư thục phát triển

Đặt vấn đề về nhiệm vụ quyền hạn của nhà trường tại Điều 61 của bản Dự thảo, phiên bản 12/4/2019 so với bản dự thảo ngày 27/9/2018 (điều 58) là một bước lùi. TS Lâm cho rằng ban soạn thảo đã bỏ đi phần “Trường công lập được thực hiện quyền tự chủ, trách nhiệm giải trình”, thay vào đó là “giao cho Chính phủ quy định cụ thể về quản lý trong các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông” là chưa vạch rõ trách nhiệm cụ thể.

“Tại sao chúng tôi yêu cầu các trường học phải được trao quyền tự chủ?”, TS Lâm cho rằng, trên thực tế hiện nay, do các nhà trường công lập không được phân cấp, phân quyền về tự chủ, lại không thực hiện tốt quy chế dân chủ nên thường có các hiện tượng tiêu cực trong mỗi nhà trường mà không có người trực tiếp phải chịu trách nhiệm, các cấp quản lý giáo dục phải nhảy vào can thiệp. Từ đó, dẫn đến tình trạng chưa giải quyết xong vụ này, vụ khác cũng như thế lại xuất hiện ở trường khác, địa phương khác hoặc ngay tỉnh thành đó. Phương thức quản lý chỉ chú ý mặt tập trung, không chú ý mặt trao quyền và phân quyền là phương thức quản lý đã lạc hậu, không thể níu giữ mãi được.

Cho rằng xu hướng trao quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình cho các trường từ mầm non, phổ thông đến cao đẳng, đại học và các trường nghề đối với xã hội Việt Nam hiện nay là cần thiết, TS Lâm kiến nghị điều 102 nội dung quản lý nhà nước về giáo dục; nên sửa ý cuối của mục 1 là “Tăng cường quyền tự chủ” thành “trao quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục”. Tuy nhiên, TS Lâm cũng nhấn mạnh vấn đề tự chủ của các trường mầm non và phổ thông sẽ phải có điều kiện, có lộ trình, không phải cứ đưa vào luật thì làm ngay được. Nhưng nếu luật không khẳng định thì chắc chắn lại phải đợi 5 năm, 10 năm nữa Luật mới đưa vào liệu có đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục đào tạo hiện nay không?

Luật mới phải tiến bộ hơn, không thể thụt lùi

Cùng góp ý vào Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi, bà Nguyễn Thị Hiền - Chủ tịch HĐQT trường Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) cũng đưa ra đề nghị với Ban soạn thảo Luật giáo dục: “Sự ra đời của các trường tư thục gần như có ảnh hưởng rất lớn đối với giáo dục Việt Nam. Ban soạn thảo Luật Giáo dục sửa đổi cần phải quan tâm đến vị trí và vai trò của trường tư để khi chúng ta làm luật nó xác đáng. Làm luật thì phải tạo điều kiện cho chúng tôi thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục”.

Ông Nguyễn Văn Hòa - Chủ tịch HĐQT trường THCS & THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội nhắc lại trước khi Luật Giáo dục năm 2005 ra đời, trước khi có Điều 67 quy định về quyền sở hữu, quản trị nhà trường của các nhà đầu tư thì các trường ngoài công lập và các nhà đầu tư rất lo lắng. Họ lo lắng không biết khối tài chính, tài sản họ đầu tư và vun đắp suốt đời sẽ đi về đâu khi trước đó, trong qui chế các trường ngoài công lập có đoạn ghi: Tài sản của các trường ngoài công lập là “tài sản chung”.

Ông Hòa nhớ lại: “Vì những qui định chung chung ấy, vì không xác định rõ quyền sở hữu tài sản các trường ngoài công lập là quyền sở hữu hợp pháp của các nhà đầu tư mà nhiều người trong số chủ trường ngoài công lập đã lo sợ và không dám đầu tư. Họ chỉ làm trường theo lối cầm chừng, thuê mượn địa điểm nay đây mai đó. Hệ thống giáo dục tư thục Hà Nội không phát triển được, có nhiều mảng tối, không xứng với tầm của giáo dục thủ đô”.

Sau khi Luật Giáo dục năm 2005, Thông tư 13/2011/TT- BGDĐT ban hành thì các trường tư thục của cả nước đã có một bước phát triển mới. Hàng chục trường tư thục ở Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Đồng Nai và nhiều tỉnh trên cả nước đã mạnh dạn đầu tư lớn, xây dựng trường sở hiện đại, thu hút hàng vạn học sinh vào học. Điều rõ nhận thấy là đã giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước, tạo ra diện mạo mới cho giáo dục tư thục, diện mạo mới cho giáo dục nước nhà.

Vì vậy, ông Hòa kiến nghị cần tiếp nối, kế thừa những ưu điểm nổi bật, những quan điểm tiến bộ đã được thực chứng là sáng suốt và phù hợp với thực tiễn suốt 14 năm của luật giáo dục hiện hành về quyền sở hữu tài chính, tài sản của trường tư thục.

Thu Hương