Lời khẩn cầu từ dòng sông Hạc
Những người tôi đã gặp là những cư dân thuyền chài, lấy dòng sông Hạc đoạn chảy qua TP Thanh Hóa làm chốn dừng chân để tiếp tục những ngày lênh đênh, rày đây, mai đó tìm kế mưu sinh. Dòng sông đã trói buộc họ từ đời này qua đời khác như vạn kiếp người đi lạc vào mê cung.
“Sông giờ đã không còn đủ sức để cưu mang những kiếp người, chỉ cầu mong sao mai này, có riêng tấc đất, làm bến neo buộc đời mình!”. Câu chuyện của họ nghe như những lời khẩn cầu thê thiết, dài dặc năm này qua năm khác...
Xóm chài nằm giữa lòng TP Thanh Hóa.
Chuyện của người dưới sông!
Mới 8h sáng mà cả thành phố đã bắt đầu hầm hập tỏa nhiệt. Mặt đường nhựa như nhão ra. Tiếng rồ ga, tiếng còi xe, tiếng quát tháo, chửi thề, mùi mồ hôi, mùi rác… tất cả những thứ ấy quyện vào nhau, tạo thành thứ không khí đặc quánh, ngột ngạt. Phải cố gắng lắm tôi mới lách ra được khỏi mớ hỗn tạp để rẽ về phía bờ tả con sông Hạc, nơi có lối dẫn xuống xóm thuyền chài nằm tách biệt với nhịp sống phố thị hối hả. Mươi con thuyền vỏ bê tông, mái lá lúp xúp, tả tơi nằm nép vào nhau. Sau các bậu cửa cao quá đầu gối người lớn, vài đứa trẻ tròn mắt, ngơ ngác nhìn khách lạ trên bờ.
Tôi khom người hết cỡ, chui vào lòng con thuyền chật hẹp. Mùi tã lót, mùi sữa non tanh tanh ngai ngái xộc thẳng vào các giác quan. Phía góc thuyền, giữa bừa bộn những chăn màn, quần áo, nhu yếu phẩm… người đàn ông có dáng tầm thước, nước da màu bánh mật ngồi thu lu, ôm đứa trẻ khoảng lên hai đang hờn gắt trong cơn buồn ngủ.
“Cháu nội tôi đấy! Mẹ nó mới sinh đứa thứ 2 nên mình phải ở nhà trông thằng này!” – anh Nguyễn Văn Hùng, chủ nhà cười gượng gạo, nói như thanh minh.
Chưa đầy 50 tuổi nhưng trông anh như đã bước vào tuổi lục tuần. Mái tóc hoa râm quá nửa, phủ lên cái trán lô xô chằng chịt những nếp nhăn.
Gió từ chiếc quạt bàn như ép mãi chiếc áo may ô mỏng mén màu cháo lòng, làm hằn lên những rẻ xương sườn đang trồi sụt theo từng nhịp thở. Nhà có 6 khẩu, chưa tính cả đứa trẻ còn đỏ hỏn đang nằm trong khoang thuyền. Những vất vả, khốn khổ mưu sinh của đời thuyền chài đã biến anh từ một chàng trai sông nước sức vóc trở thành một ông già khó đoán tuổi.
Anh Nguyễn Văn Hùng kể về đời sông nước trong con thuyền chật hẹp của mình.
Tổ tiên đã có bao đời gắn với sông nước, anh cũng như bao cư dân khác trong làng chài này không thể nhớ. Chỉ biết rằng, anh sinh ra đã gắn với vòm thuyền chật chội. Lên 5 tuổi đã biết bơi, lớn thêm chút nữa đã biết theo bố mẹ giăng câu, thả lưới kiếm ăn. Đến đời các con anh cũng không thể khác. Tất cả chúng đều học cho biết mặt chữ (duy có đứa út được học hết lớp 12) rồi vội vã lao vào cuộc mưu sinh. Tất cả cứ tuần tự như vốn nó phải thế! Dòng sông đã cột chặt đời ông cha, đời anh và cả các con anh như định mệnh. Miệt mài chài lưới từ mơ đất đến quáng gà cũng đủ ăn. Sông vẫn thế, luôn hào phóng, cưu mang...
“Đấy là chuyện của những ngày xưa thôi chú ạ! Còn bây giờ cá tôm cạn kiệt, vợ chồng, cha con có quăng chài, thả lưới đến rớm máu tay cũng chỉ kiếm được ngót trăm nghìn mỗi ngày. Chả đủ ăn!” – anh Hùng vân vê chén trà đã nguội ngắt trong đôi bàn tay hằn nhiều vết cắt của lưới cước không thể liền sẹo, giọng buồn buồn nói.
Để mưu sinh, anh Hùng cùng nhiều lao động khác trong xóm chài sắm thuyền vỏ sắt, vượt sông Hạc ra sông Mã, ngược sông Chu khai thác, chở cát thuê cho các đầu nậu. Cuộc mưu sinh với nghề cát tưởng được kéo dài thì tỉnh cho quy hoạch, cắm mốc lại các mỏ. Công an tuần tra, bắt bớ gắt gao, khai thác, vận chuyển cát lậu không còn đất sống, anh đành cắn răng bán đổ, bán tháo máy móc, thuyền rồi về lại con sông Hạc chật hẹp.
“Giờ về đây, chài lưới cầm chừng cho đỡ nhớ nghề, còn hàng ngày thì vợ chồng con cái lên bờ, ai thuê gì làm nấy, đắp đổi qua ngày. Lo nhất là tương lai của đám trẻ” - anh Hùng thở dài, đưa tay vuốt mớ tóc râu ngô lòa xòa trên trán đứa cháu nội đã say giấc.
Chuyện của người trên bờ
Hẹn mãi rồi tôi cũng được ông Nguyễn Xuân Thủy, Chủ tịch MTTQ Việt Nam phường Đông Thọ, TP Thanh Hóa dẫn xuống khu tái định cư Xuân Minh, thuộc phường Đông Hải, TP Thanh Hóa. Trong suốt 10 năm qua, TP mới chỉ bố trí đưa được 26 hộ thuyền chài lên bờ. Đây là con số chưa thấm tháp vào đâu so với nhu cầu thực tế của hàng trăm hộ dân khác còn lênh đênh sông nước. Dưới cái nắng chói chang đầu hạ, khu tái định cư cho đồng bào trên sông của TP Thanh Hóa nằm nép mình dưới chân đê hữu ngạn sông Mã. Hầu hết các căn nhà ở đây đã được xây dựng khá kiên cố. Vài người trung tuổi đem chài lưới ra vỉa hè hong, vá. Vài người lớn tuổi hơn ngồi hút thuốc lào vặt, tư lự, mặc người qua lại. 26 căn nhà nằm co cụm vào nhau, tách biệt với dân thổ cư. Tất cả như được bao bọc trong một bầu không khí nhạt nhẽo, buồn tẻ.
Trong căn nhà rộng 52 m2 đã được xây dựng từ mấy năm trước nhưng chưa được vôi ve, anh Nguyễn Văn Thanh, rời tay vá lưới, mời khách vào nhà với vẻ ngoài không mấy mặn mà. Mãi sau tôi mới biết, có lẽ vì anh nhầm chúng tôi với mấy anh cán bộ “ở trên xuống” đi thu các khoản phí nên mới có thái độ thành ra như thế. Câu chuyện của anh cũng gần giống với câu chuyện của anh Hùng mà tôi đã được nghe trước đó. Có khác chăng là anh đã may mắn hơn khi được Nhà nước cấp cho hơn 50 mét vuông đất để lên bờ sinh sống.
“Khó khăn lắm các bác ạ! Giờ xác định đoạn tuyệt hẳn với dòng sông nhưng trong khi không đất nông nghiệp, không học hành, không nghề phụ thì biết làm gì để sống? Bây giờ có xin đi làm lao động phổ thông người ta cũng cần người thạo việc” - anh Thanh bức bối nói rồi đưa tay cởi bớt mấy nút áo trên ngực.
Ngày được cấp đất tái định cư, cả nhà anh vui như được tái sinh lần nữa. Rồi đây sẽ không còn phải đối diện với những đêm mưa bão chòng chành, mưa hắt rát mặt, con cái sẽ được đi học, được hòa nhập với phố. Nhưng niềm vui chỉ kịp lóe lên như lửa diêm. Lên bờ, vợ chồng anh lơ ngơ quẫy đạp với cuộc sống như cá mắc cạn. Vài lần tính đi xin làm lao động chân tay, nhưng không mấy người thuê vì anh chị không biết việc, con cái thui thủi, chơi một mình…
Túng quẫn, anh lại dắt díu cả nhà, bỏ đất bằng trở lại dòng sông. “Lên rồi xuống, xuống rồi lại lên, phải đến lần thứ 3, nhà em mới quyết định lên bờ ở hẳn. Vì thực ra, nghề chài lưới không thể nuôi sống được gia đình nữa rồi. Giờ anh ấy nhà em và đứa đầu, sáng sáng qua các công trường xây dựng, xin làm phụ hồ, ngày cũng được vài trăm nghìn, em chạy chợ thêm thắt cũng đủ sống. Ở cái xóm này giờ thế cả!” - chị vợ anh Thanh vừa hì hụi lau nhà vừa góp chuyện.
Khu tái định cư cho đồng bào trên sông nằm lẻ loi bên bờ sông Mã.
Qua câu chuyện với vợ chồng anh Thanh, tôi được biết: Vẫn còn nhiều hộ trong diện được tái định cư, sau khi làm nhà vẫn đóng cửa để trở lại sông sinh sống, mặc dù cuộc sống dưới sông phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, hiểm họa sông nước rình rập. Vậy điều gì đã khiến họ không mặn mà với đất bằng khi đã được Nhà nước tạo điều kiện “hết cỡ”?
Trả lời cho câu hỏi này, ông Nguyễn Xuân Thủy, Chủ tịch MTTQ Việt Nam phường Đông Thọ, TP Thanh Hoá thở dài cho biết: Tính đến thời điểm hiện tại, cả TP Thanh Hoá vẫn còn 110 hộ, với hơn 600 nhân khẩu trên sông chưa được bố trí đất để tái định cư. Khó khăn nhất hiện nay của chính quyền TP Thanh Hóa là chưa thể tìm ra quỹ đất để tiếp tục triển khai xây dựng mặt bằng tái định cư. Với 26 hộ dân đã được cấp đất, hỗ trợ tiền làm nhà tại khu Xuân Minh thì hiện chỉ còn khoảng 20 hộ ở cố định, số còn lại cho người khác thuê, mượn, thậm chí có người đã âm thầm bán (dù trước đó, UBND TP Thanh Hóa đã nghiêm cấm sang nhượng dưới mọi hình thức), trở lại sông sinh sống.
“Mấu chốt của vấn đề vẫn là sinh kế cho người dân. Người dân muốn chuyển đổi nghề nhưng biết chuyển nghề gì khi không có trình độ, tay nghề, không có đất nông nghiệp? Khó! Trước mắt, với những hộ dân đã ổn định cuộc sống, chúng tôi thường xuyên tổ chức thăm hỏi động viên, từng bước tìm công việc phù hợp cho những người trong độ tuổi lao động. Với những hộ còn chưa có điều kiện chuyển lên bờ tái định cư, thành phố cũng đang từng bước tìm hướng tháo gỡ!” – ông Thủy thở dài nói.
Cơn gió nam thổi qua khiến con thuyền chao mạnh. Anh Hùng bỏ ngang câu chuyện, đưa tay đón đứa cháu nội vừa giật mình tỉnh giấc sau giấc ngủ ngắn. Anh nói với tôi mà như đang khẩn cầu: “Lênh đênh mãi rồi, giờ chỉ ước có được vài mét đất để neo lại đời mình và để tính kế lâu dài cho đám trẻ! Chúng không thể lại bám víu vào dòng sông như đời ông, cha nó!”.