Không để thiếu thuốc
Thời gian qua, thông tin từ một số cơ sở điều trị ung thư cho biết, hiện đang xảy ra tình trạng thiếu hụt thuốc điều trị, do nhà thầu chưa có thuốc cung ứng. Tình trạng thiếu thuốc ảnh hưởng đến bệnh nhân đang điều trị ung thư phổi tại các bệnh viện ở phía Bắc từ tháng 4 đến nay.
Thuốc thiếu là loại chứa hoạt chất Pemetrexed, tên thuốc là Podoxred 500 mg, Pemehope 100 mg. Đây là loại thuốc thế hệ sau (generic) được đấu thầu quốc gia, Bảo hiểm Y tế chi trả, giá 2,6 triệu đồng một lọ và thấp hơn nhiều so với biệt dược gốc Alimta. Do thiếu thuốc, bệnh nhân ung thư phổi đang phải mua biệt dược gốc giá cao gấp nhiều lần - khoảng hơn 20 triệu đồng một lọ.
Theo lý giải từ các bệnh viện, do thiếu thuốc Generic nên để đảm bảo liệu trình điều trị liên tục, bệnh nhân phải dùng biệt dược gốc Alima chỉ được BHYT chi trả 50%. Do đó tổng chi phí điều trị tăng cao. Trong phác đồ điều trị ung thư phổi, liệu trình điều trị ít nhất 6 chu kỳ, liều trung bình 800 mg một chu kỳ. Sử dụng biệt dược gốc, bệnh nhân phải trả 120 triệu đồng cho cả 6 chu kỳ. Nếu điều trị bằng thuốc Generic, bệnh nhân chỉ phải trả tổng cộng 15,6 triệu đồng. Như vậy, số tiền chênh lệch giữa sử dụng biệt dược gốc và thuốc Generic khoảng 104 triệu đồng.
Sau khi các bác sĩ và bệnh nhân ung thư phổi kêu cứu vì thiếu thuốc điều trị, Bệnh viện K vừa có văn bản cam kết sẽ có thuốc trong tuần này để đáp ứng nhu cầu của bệnh nhân. Liên quan đến việc thiếu thuốc Generic chứa hoạt chất Pemetrexed, mới đây nhất vào chiều 10/5, Bệnh viện K đã làm việc với Vụ Kế hoạch -Tài chính, Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia (Bộ Y tế) về việc cung ứng thuốc Generic chứa hoạt chất Pemetrexed. Tại đây, nhà thầu cung ứng thuốc Podoxred 500mg cho biết đang khẩn trương hoàn thiện hợp đồng với các cơ sở y tế trên cả nước để thực hiện cung ứng thuốc theo kết quả đấu thầu. Bệnh viện K đang chuẩn bị ký hợp đồng với nhà thầu để đảm bảo cung ứng đủ thuốc cho bệnh nhân. Cùng ngày, Bệnh viện K đã được Bộ Y tế phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu bằng hình thức mua sắm trực tiếp, nhằm đáp ứng đủ thuốc cho công tác điều trị của bệnh viện trong thời gian tới.
Trước đó, nhiều bệnh viện cho biết đang thiếu thuốc Generic chứa hoạt chất Pemetrexed điều trị cho bệnh nhân ung thư phổi, hai đơn vị trúng thầu quốc gia cung cấp thuốc này cho biết, phải 2-4 tháng nữa mới có thuốc. Một câu hỏi đang được đặt ra, tại sao thuốc biệt dược điều trị ung thư lại khan hiếm đến vậy? Bệnh viện K lý giải, thiếu hụt thuốc điều trị liên quan đến sự chậm trễ trong triển khai đấu thầu thuốc tập trung trong năm 2019.
Cụ thể, để chuẩn bị cho kế hoạch đấu thầu thuốc năm 2019, tháng 5/2018 Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia đã hướng dẫn tổng hợp nhu cầu thuốc đấu thầu tập trung, dự kiến công bố kết quả lựa chọn nhà thầu cung ứng thuốc trước ngày 31/12/2018. Tuy nhiên, đến ngày 14/2/2019 Trung tâm mới phê duyệt kết quả lựa chọn nhà cung cấp thuốc biệt dược gốc năm 2019-2020. Ngày 23/4, Trung tâm mới phê duyệt kết quả lựa chọn nhà cung cấp thuốc generic năm 2019-2020. Tháng 4 có kết quả trúng thầu thuốc generic nhưng đến nay Bệnh viện K chưa nhận được thỏa thuận khung của Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia với các nhà thầu, do đó bệnh viện vẫn chưa ký hợp đồng cung ứng với các nhà thầu.
Theo lãnh đạo Bộ Y tế, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong năm 2019 là cùng với việc triển khai phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin quản lý và kết nối liên thông các nhà thuốc trên toàn quốc, Bộ sẽ tiếp tục đẩy mạnh đàm phán giá với các mặt hàng thuốc biệt dược, góp phần làm giảm giá và bảo đảm chất lượng thuốc theo đúng chỉ đạo của Chính phủ. Trong năm 2018, nhằm kéo giảm chi phí khám chữa bệnh, Bộ Y tế cũng đã triển khai đấu thầu thuốc tập trung và đã chọn được các nhà thầu cung ứng các mặt hàng thuốc đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu. Đánh giá về hiệu quả kinh tế, các gói thầu đều giảm được giá so với giá trúng thầu hiện tại của các cơ sở y tế.
Song cũng theo lãnh đạo Bộ Y tế, việc đấu thầu thuốc tập trung cũng đang gặp phải một số hạn chế. Do đấu thầu tập trung để lựa chọn đơn vị trúng thầu nên chỉ có một số ít đơn vị trúng thầu cung cấp thuốc trong thời gian từ 1 - 3 năm cho các cơ sở y tế trên toàn quốc. Điều này dẫn tới các nhà cung cấp, sản xuất khác không trúng thầu có nguy cơ phá sản, dễ xảy ra độc quyền, các đợt đấu thầu lần sau sẽ mất tính cạnh tranh, dẫn đến tăng giá thuốc.
Theo nhận định, thực trạng thiếu thuốc điều trị ung thư thời gian qua là do chậm trễ trong khâu đấu thầu thuốc quốc gia và năng lực của các nhà cung cấp thuốc cho thị trường. Hiện Bộ Y tế đang đẩy mạnh kiếm soát chất lượng thuốc với mục tiêu là tăng tiền kiểm, hậu kiểm. Hội đồng đàm phán giá thuốc đã đàm phán thành công ở tất cả 4 mặt hàng thuốc (4 biệt dược gốc đều là thuốc điều trị ung thư), giảm được 18,55% so với giá trúng thầu hiện tại (với số lượng thuốc dự kiến mua cho các cơ sở y tế 2019 - 2020 thì giảm được hơn 551 tỷ đồng so với giá trúng thầu hiện tại.
Từ những nỗ lực của ngành y tế và cam kết của các cơ sở điều trị ung thư, người bệnh đang mong mỏi sẽ không còn tình trạng khan hiếm biệt dược. Để họ không còn rơi vào tình cảnh bệnh nhân bệnh hiểm nghèo mà lại phải mua thuốc với giá quá đắt- thực là vừa bất hạnh, vừa quá đỗi éo le.