Truyền thống là sáng tạo
Chất liệu truyền thống và văn hoá bản địa có ý nghĩa như thế nào trong hoạt động sáng tạo nghệ thuật đương đại? Theo nghệ sĩ thị giác, nhà giám tuyển độc lập Trần Lương, truyền thống không có gì xa cách, bởi vì nó cũng chính là sáng tạo.
Nghệ sĩ Trần Lương tại buổi tọa đàm “Trên con đường sáng tạo, truyền thống đóng vai trò là tinh thần chứ không chỉ là vật liệu” .
Trong thực hành nghệ thuật bản địa, việc sử dụng các “chất liệu truyền thống” rất phổ biến. Tuy nhiên, việc ngộ nhận và sử dụng truyền thống như một loại vật liệu đơn thuần trong sáng tạo tác phẩm, hay trong bất kì một hoạt động văn hóa nào đó, sẽ gây ra những khoảng trống nhất định. Con người ngày nay đã bỏ đi rất nhiều giác quan, chỉ dùng mỗi nghe và nhìn, các giác quan còn lại đã bị triệt tiêu do nền văn hóa toàn cầu. Ví thử như mũi của chúng ta ngửi đã kém rất nhiều so với con người cách đây 30 năm bởi chính chúng ta tạo nên những thứ mùi nhân tạo. Thời cha ông ta ngày trước, truyền thống ở xung quanh, từ bà, từ mẹ, từ đường phố, nhưng càng ngày truyền thống càng phai nhạt.
Nói về bản chất của truyền thống, nghệ sĩ Trần Lương cho rằng: Tùy từng góc độ nhìn nhận của mỗi người mà hai chữ “truyền thống” trở nên khác nhau qua nhiều cách nghĩ. Rất nhiều lí thuyết về truyền thống đã được đưa ra, nó không đơn giản là quần áo cổ, hay những món đồ cổ, nghệ thuật cổ, mà mỗi ngành có một lí thuyết truyền thống khác nhau. Với tôi, truyền thống rất gần với người làm tri thức và văn hóa, đó chính là sáng tạo. Bản chất truyền thống là sáng tạo. Ta phải hiểu truyền thống sâu sắc nhưng cũng cần phải khách quan. Truyền thống có thể do bản địa, có truyền thống lại do du nhập... điều này tốt nhưng truyền thống du nhập phải có yếu tố thời gian, yếu tố phản biện và quá trình tiếp nhận bởi người bản địa. Có rất nhiều trường hợp văn hoá du nhập đã được người bản địa biến nó thành văn hoá của mình.
Khi trao đổi về vai trò của tinh thần văn hóa bản địa trong sáng tạo nghệ thuật mới, nghệ sĩ Trần Lương chia sẻ: “Sáng tạo là vấn đề của con người. Thế hệ trẻ ngày nay bị hệ thống lí luận phương Tây áp chế. Năm ngoái tôi có 10 ngày hướng dẫn các nghệ sĩ Tokyo về những thứ trừu tượng, tôi thấy họ rất thành công, họ rất tự tin chắc chắn. Họ biết họ ở đâu, nhưng có thứ họ còn yếu là họ học theo phương Tây toàn diện, từ cầu trúc tới lí luận. Mình bị sốc bởi nhìn có vẻ thấy họ giữ tổng thể tốt nhưng không ngờ thế hệ trẻ họ lại như vậy. Các bạn trẻ hôm nay hầu như là người phương Tây sống trong đất nước mình, vì quá tin vào hệ thống duy lý của phương Tây, không còn cầu nối tới hệ thống triết học của châu Á. Nay khi con người quay về với tự nhiên thì lí thuyết của châu Á lại rất giá trị. Trong khi đó ta tính từng cái lợi theo cách nghĩ phương Tây. Cách nghĩ đó chính là thứ đã xóa đi văn hóa truyền thống. Không cần phải mặc cảm với quá khứ, chỉ cần học, yêu cái mình làm. Chúng ta chính là người tạo nên truyền thống. Văn hóa bản địa ở trong gen, trong máu mình, trong giác quan thứ 6, nên ta phải tự tin vào bản thân”.
* “Tương lai của truyền thống” là một Dự án được Quỹ Familab - dự án Di sản Kết nối của Hội đồng Anh tại Việt Nam bảo trợ hướng tới đối tượng chính là các nghệ sĩ, các bạn trẻ có sự quan tâm, làm việc trong các lĩnh vực nghệ thuật khác nhau cùng chung mục đích: Tìm về truyền thống để bước tới tương lai. Ý thức về Di sản có được bảo tồn và phát triển hay không là do thế hệ trẻ đối diện, quan tâm, nhận thức, tiếp cận và phát triển nó thế nào? Dự án sẽ được triển khai bằng chuỗi các buổi nói chuyện chuyên sâu cùng các nghệ nhân từ nhiều lĩnh vực truyền thống như Tuồng, Chèo, Cải lương và các nghệ sĩ đương đại thực hành với chất liệu truyền thống như Nguyễn Trinh Thi, Trần Kim Ngọc, Nguyễn Oanh Phi Phi, Nguyễn Huy An, Nguyễn Đức Phương, Trần Lương, kéo dài vào các ngày cuối tuần từ đầu tháng 4/2019 đến tháng 6/2019.