Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tăng nhiệt: Sàn chứng khoán nhuộm đỏ
Trung Quốc hôm 13/5 tuyên bố rằng họ sẽ không bao giờ đầu hàng trước sức ép từ bên ngoài, tuy nhiên không đưa ra chi tiết về các biện pháp mà Bắc Kinh sẽ đáp trả việc Washington áp mức thuế cao hơn đối với hàng hóa xuất khẩu của họ.
Sắc đỏ bao trùm sàn giao dịch ở Bắc Kinh (Trung Quốc) hôm đầu tuần. Nguồn: AP.
Không nhượng bộ
Cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng nhiệt từ hôm thứ Sáu tuần trước, khi Mỹ chính thức nâng mức thuế áp với lượng hàng hóa xuất khẩu trị giá 200 tỷ USD của Trung Quốc. Trước đó chỉ 1 ngày, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng Bắc Kinh “phá vỡ thỏa thuận” bằng việc thoái lui khỏi các cam kết mà họ đưa ra trong các vòng đàm phán thương mại trước đó.
Tổng thống Trump cũng chỉ thị cho Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer bắt đầu quá trình áp thuế đối với tất cả lượng hàng mà Trung Quốc nhập vào Mỹ, một động thái có thể ảnh hưởng tới lượng hàng xuất khẩu trị giá 300 tỷ USD của Trung Quốc.
Trước các động thái trên, Bắc Kinh tuyên bố sẽ đưa ra biện pháp đáp trả, nhưng đến nay chưa có thêm chi tiết cụ thể. “Về chi tiết cụ thể, hãy tiếp tục chú ý theo dõi. Hãy chờ xem”- Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói trong buổi thông báo vắn đầu tuần.
“Chúng tôi đã nói nhiều lần rằng, việc áp thêm thuế suất sẽ không giải quyết được bất cứ vấn đề gì. Trung Quốc sẽ không bao giờ đầu hàng trước sức ép từ bên ngoài. Chúng tôi tự tin và có đủ khả năng để bảo vệ các quyền hợp pháp của mình” - ông Cảnh Sản nói thêm.
Giới truyền thông Trung Quốc cũng đưa ra lời lẽ mạnh mẽ, nhắc lại rằng cánh cửa đàm phán của Trung Quốc vẫn để mở, nhưng tuyên bố sẽ bảo vệ các lợi ích của quốc gia. “Không ai có thể ép Trung Quốc nuốt thứ trái đắng có thể gây tổn hại tới lợi ích cốt lõi của mình”- tờ People’s Daily lên tiếng mạnh mẽ trong một bài xã luận.
Ngay trước các vòng đàm phán tổ chức hồi tuần trước, Trung Quốc đã muốn xóa bỏ các cam kết trong bản dự thảo thỏa thuận thương mại, trong đó bao gồm cam kết thực thi các chính sách mới liên quan tới các vấn đề bảo vệ quyền sở hữu tài sản trí tuệ, ép buộc chuyển giao công nghệ. Động thái này đã khiến cho các vòng đàm phán thương mại thụt lùi đáng kể.
Kể từ đó, Tổng thống Trump đã bảo vệ quyết định tăng thuế của mình và nói rằng ông “không hề vội vã” trong việc hoàn tất một thỏa thuận. Cố vấn kinh tế của Nhà Trắng Larry Kudlow nói rằng, “có khả năng cao” ông Trump sẽ có cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị thượng đỉnh G20 tổ chức ở Nhật Bản vào cuối tháng 6 tới để bàn về vấn đề thương mại.
Cú sốc trên thị trường chứng khoán
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung tăng nhiệt đã gây ra cú sốc cho các thị trường chứng khoán ở cả châu Âu và châu Á ngay trong phiên giao dịch hôm đầu tuần.
Chỉ số CAC 40 của Pháp đã giảm 0,5% xuống còn 5.300,81 điểm, trong khi chỉ số DAX của Đức giảm 0,7% xuống còn 11.979,22 điểm. Chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 0,1%. Giá cổ phiếu trên sàn New York cũng được dự báo sẽ giảm, khi mà chỉ số Dow Jones giảm 1,1%, chỉ số S&P 500 giảm 1,3%.
Giá dầu trên thế giới cũng tăng sau khi Arab Saudi tuyên bố 2 chiếc tàu chở dầu của họ bị tấn công ở Vịnh Oman, gần bờ biển của UAE. Arab Saudi nói rằng hành động phá hủy tàu của họ không gây ra thương vong về sinh mạng hay tràn dầu, nhưng làm dấy lên quan ngại về nguồn cung ứng dầu.
Không chỉ các thị trường ở châu Âu chịu ảnh hưởng, mà cả các thị trường của châu Á. Chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc giảm 1,2% xuống 2.903,71 điểm. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật giảm 0,7% xuống còn 21.191,28 điểm và chỉ số S&P ASX 200 của Australia giảm 0,2% xuống còn 6.297,6 điểm. Chỉ số Kospi của Hàn quốc giảm 1,4% xuống còn 2.079,01 điểm, trong khi chỉ số Sensex của Ấn Độ giảm 0,1% xuống còn 37.420,03 điểm. Giá cổ phiếu ở nhiều khu vực khác của châu Á cũng sụt giảm.
Trước khi trở về từ các vòng đàm phán tổ chức ở Washington, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc nói rằng Bắc Kinh sẽ không thỏa hiệp về các vấn đề liên quan tới nguyên tắc, và các đòn áp thuế đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc nên được gỡ bỏ như một điều kiện để đạt thỏa thuận thương mại với Mỹ.
Căng thẳng thương mại cũng khiến cho giới đầu tư tìm đến những kênh đầu tư an toàn truyền thống, trong đó có đồng Yen của Nhật Bản. Giá đồng USD đã giảm giá so với đồng Yen, cụ thể từ mức 1 USD đổi lấy 109,96 Yen xuống còn 109,71 Yen. Đồng euro cũng tăng giá so với đồng USD, từ mức 1 euro đổi 1,1231 USD lên 1,1233 USD.