Hàng Việt nỗ lực chinh phục thị trường Mỹ
Ngoài việc phát triển các thị trường xuất khẩu truyền thống, doanh nghiệp (DN) Việt đang nỗ lực đưa sản phẩm “made in Vietnam” vào thị trường Mỹ. Tuy nhiên, để đẩy mạnh hàng xuất khẩu vào thị trường này đòi hỏi DN phải đáp ứng nhiều điều kiện, trong đó quan trọng nhất là chất lượng sản phẩm.
Nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam có mặt ở thị trường Mỹ.
Theo Bộ Công thương, kể từ khi Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam – Mỹ (BTA) có hiệu lực đến nay, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Mỹ liên tục tăng trưởng ổn định và ở mức cao. Từ số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan thấy rõ, tốc độ tăng xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường Mỹ trong giai đoạn 2010 – 2018 bình quân đạt 16,3%/năm, từ mức 14,24 tỷ USD vào năm 2010 lên 47,53 tỷ USD năm 2018.
Bước sang năm 2019, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Mỹ đã có bước tăng trưởng “thần tốc”, chỉ riêng tháng 1/2019 đã đạt hơn 5,151 tỷ USD (tăng tới 42,1% so cùng kỳ 2018). Với con số này, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Mỹ đã cao hơn 4,7 lần tốc độ bình quân của các thị trường khác. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam hiện nay vào thị trường Mỹ vẫn là các mặt hàng truyền thống như dệt may, da giày, đồ gỗ, máy móc thiết bị điện tử…Đáng lưu ý, dệt may là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất sang Mỹ, đạt 1,5591 tỷ USD (tăng 34,1%).
Ngoài các mặt hàng xuất khẩu truyền thống nêu trên, trái cây Việt cũng từng bước thâm nhập thị trường khó tính này. Mới đây, quả xoài của Việt Nam chính thức xuất khẩu sang Mỹ sau gần 10 năm chờ đợi và là loại trái cây thứ 6 của Việt Nam xuất sang thị trường này (sau thanh long, chôm chôm, nhãn, vải thiều, vú sữa). Mong muốn đẩy mạnh hàng hóa vào thị trường Mỹ, rất nhiều DN Việt lên kế hoạch tham gia Hội chợ Quốc tế Mỹ Global Expo 2019 với 200 gian hàng, chiếm 50% tổng gian hàng. DN tham gia hội chợ cho hay, đây sẽ cơ hội lý tưởng để hàng hóa “made inVietnam” thâm nhập vào thị trường Mỹ.
Đánh giá cao nỗ lực phát triển thị trường Mỹ của DN Việt, song bất cập hiện nay là sản phẩm có hàm lượng giá trị gia tăng cao, sản phẩm tiêu dùng cao cấp chiếm tỷ trọng không nhiều trong cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Mỹ. Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu này quá nghiêm ngặt với hàng loạt quy định khắt khe yêu cầu chất lượng sản phẩm, thuế nhập khẩu. Về thực phẩm, khi vào thị trường Mỹ, mặt hàng này sẽ chịu sự kiểm soát của nhiều quy định, đạo luật như: Đạo luật Bảo vệ chất lượng thực phẩm, Đạo luật Bảo vệ thực vật, Đạo luật Hiện đại hóa an toàn thực phẩm,… Đối với yêu cầu xuất khẩu và kinh doanh, DN nên hợp tác với các công ty nhập khẩu để được hỗ trợ tốt nhất. Từ đó DN có thể hiểu rõ cách phân loại thuế quan, các loại thuế nhập khẩu.
Ông Herb Cochran – chuyên gia cao cấp Dự án Tạo thuận lợi thương mại Amcham cho hay, DN các nước nói chung và Việt Nam nói riêng khi tham gia xuất khẩu vào thị trường Mỹ cần lưu ý đến Đạo luật Thương mại năm 1974. Đạo luật này cho phép cơ quan đại diện thương mại Mỹ được quyền đình chỉ các hiệp định thương mại ưu đãi, hay áp thuế nhập khẩu trong trường hợp thấy bất hợp lý hoặc cản trở thương mại của Mỹ. Theo ông Cochran, đôi khi thỏa thuận thương mại chỉ mang tính tạm thời, hiệu quả như thế nào còn phụ thuộc vào tình hình thực tế.