Tích cực phòng chống dịch tả lợn châu Phi: Đảm bảo thịt lợn cung ứng cho thị trường
TP Hồ Chí Minh yêu cầu các sở ngành liên quan chỉ đạo để doanh nghiệp đảm bảo nguồn cung thịt lợn trong bối cảnh dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp, đồng thời đảm bảo nguồn cung ứng nhiều mặt hàng thực phẩm khác như: Thịt gia cầm, trứng, rau củ quả,...
TP Hồ Chí Minh đảm bảo ổn định nguồn thịt lợn cung ứng cho thị trường.
Trữ đông và nhập khẩu
Ngày 14/5, đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) đã có buổi làm việc với UBND TPHCM về công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi và việc chuẩn bị nguồn cung tốt cho thị trường. Tại buổi họp, Cục Chăn nuôi bày tỏ quan ngại, tỉnh Đồng Nai là thủ phủ chăn nuôi lợn, có số lượng lợn nuôi lớn nhất cả nước đã xuất hiện dịch tả lợn châu Phi. Nếu như tỉnh Đồng Nai “thất thủ”, nguy cơ thiếu thịt lợn cho thị trường là không tránh khỏi, TPHCM cũng gặp khó về vấn đề này.
Trước diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi, đặc biệt từ khi các tỉnh Đồng Nai, Bình Phước và mới đây là Hậu Giang công bố dịch, TP HCM buộc phải kiểm soát chặt nguồn thịt lợn vào siêu thị và các chợ truyền thống. Song song với hoạt động trên, thành phố còn lên kế hoạch đảm bảo nguồn cung ứng thịt lợn.
Sở NNPTNT TP HCM cho hay, thành phố đã làm việc với các doanh nghiệp (DN) cung ứng khối lượng lớn thịt lợn cho thành phố. Tất cả DN đảm bảo cung ứng 106,5 tấn thịt lợn/ngày. Đơn cử, Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam cam kết phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý, tiếp tục cung ứng lượng hàng cho thị trường, đầu tư hoạt động giết mổ hiện đại nhằm đưa đến cho người tiêu dùng những sản phẩm chất lượng. Phía DN này thông tin thêm, hoạt động chăn nuôi của đơn vị được duy trì trong thời gian qua, không giảm đàn, lượng hàng cung ứng ổn định với sản lượng bình quân 7,5 tấn thịt lợn/ngày.
Công ty Cổ phần Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan) cho biết, sản lượng thịt lợn đưa ra thị trường của họ bình quân đạt 65 tấn/ngày. Trường hợp dịch bệnh gây khó khăn đến nguồn cung thì đơn vị áp dụng nhiều giải pháp khác nhau, trong đó có kế hoạch thu mua để dự trữ 3.600 tấn trong thời gian 45 ngày. Nếu có biến động lớn, sẽ nhập khẩu thịt từ các nước khác. Tương tự, Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn thông tin, công ty có 4 trang trại nuôi lợn, sản lượng đưa ra thị trường 7 tấn/ngày. Khi có biến động, DN sẽ tăng thêm nguồn cung. Bên cạnh đó, đơn vị này còn tập trung phát triển nguồn lợn giống để cung cấp cho thị trường, hỗ trợ người chăn nuôi tái đàn.
Đại diện Vissan cho biết, nếu dịch tả lợn châu Phi xảy ra ở phía Nam chắc chắn sức mua trên thị trường sẽ giảm mạnh. DN sẽ giết mổ rồi dự trữ bằng cách cấp đông để nâng giá thị trường thu mua, tuy nhiên biện pháp này chỉ duy trì được trong một thời gian ngắn.
Bà Nguyễn Huỳnh Trang – Phó Giám đốc Sở Công thương TP HCM nêu quan điểm, hiện nay cấp đông rất tốn kém, vì vậy cần chính sách hỗ trợ. Bên cạnh đó, Nhà nước cần tuyên truyền để người dân sử dụng thịt mát, thịt đông vì từ trước đến nay người tiêu dùng vẫn có thói quen sử dụng thịt nóng. Liên quan đến vấn đề hỗ trợ cấp đông sản phẩm thịt lợn, Cục Chăn nuôi cũng kiến nghị, Bộ NNPTNT hỗ trợ thêm chi phí cho DN cấp đông trong giai đoạn này nhằm đảm bảo bình ổn thị trường.
Đa dạng phương án điều tiết thị trường
Quan ngại về nguy cơ lây nhiễm dịch tả lợn châu Phi từ các tỉnh – thành giáp ranh thành phố, Sở Công thương TPHCM cho biết, sẽ giám sát chặt và đôn đốc DN, tổ chức sản xuất – kinh doanh đúng kế hoạch để tạo nguồn hàng và cung ứng đủ số lượng đăng ký chương trình bình ổn trước đó.
Theo Sở Công thương, nguồn cung ứng thịt lợn của các đơn vị tham gia chương trình bình ổn thị trường năm 2019 đến Tết Canh Tý 2020 là 4.091 tấn. Tuy nhiên, đảm bảo nguồn cung thịt lợn khi dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp, thành phố chỉ đạo các sở - ngành liên quan phải cân đối các mặt hàng thực phẩm khác như: Thịt gia cầm, trứng, rau củ quả,...
Công ty Cổ phần Ba Huân cam kết đảm bảo đủ nguồn hành thịt gia cầm thay thế cho thịt gia súc khi có dịch bệnh xảy ra. Theo đó, thực hiện giải pháp thu mua nguồn hàng dự trữ khoảng 100 – 200 tấn thịt gà. Công ty TNHH San Hà cho hay, đơn vị này có kho lạnh có sức chứa 500 tấn thịt gà (dự trữ 1 tuần), đồng thời chủ động thuê 2 kho lạnh bên ngoài với sức chứa 1.000 tấn tại Bình Điền (huyện Bình Chánh) và Cần Giuộc (tỉnh Long An) để phục vụ dự trữ hàng nhập khẩu, đáp ứng đủ sức mua của thị trường.
Ngoài việc chuẩn bị nguồn thực phẩm, Sở Công thương TP HCM lên kế hoạch điều tiết thị trường ở 2 giai đoạn khác nhau.
Giai đoạn 1: Giá thịt lợn xuống thấp, sẽ đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng, vận động các hệ thống phân phối như Sài Gòn Co.op, Satra, Big C,… tăng cường các chương trình khuyến mãi, giảm giá. Đơn vị sản xuất cần tăng cường thu mua trong nước, trữ đông đồng thời chuẩn bị nhập khẩu thịt đông lạnh.
Giai đoạn 2: Nguồn cung thịt lợn giảm, giá tăng mạnh thì phải tung thị lợn trữ đông ra thị trường. Dự báo, các DN đủ khả năng cung ứng thịt lợn ra thị trường trong giai đoạn này với sản lượng ổn định, thậm chí là vượt kế hoạch đề ra. Nhằm đảo bảo cho nguồn thịt ra thị trường đạt chất lượng cao, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến yêu cầu, tăng cường các biện pháp an toàn sinh học, quản lý giết mổ, không cho vận chuyển, giết mổ tràn lan vì virus gây bệnh tả lợn châu Phi có sức đề kháng cao.
* Đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch tả lợn châu Phi
Tại cuộc họp báo do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức hôm 14/5, Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết: Đến 13/5 dịch tả lợn châu Phi (TLCP) đã xảy ra tại 7.760 hộ chăn nuôi, chiếm 9, 62% số hộ, cơ sở chăn nuôi trên địa bàn 346 xã, phường trên địa bàn 24 quận huyện của Hà Nội. Dịch TLCP đã làm mắc bệnh và tiêu hủy 120.782 con (chiếm 6,45% tổng đàn). Như vậy, dịch bệnh có chiều hướng lây lan nhanh, ở phạm vi rộng, ở các quy mô chăn nuôi lớn hơn.
Trước tình hình dịch bệnh lan rộng, Hà Nội kiến nghị Chính phủ, Bộ NNPTNT ban hành cơ chế, chính sách bồi dưỡng phù hợp cho người trực tiếp tham gia phòng, chống dịch bệnh động vật và chính sách hỗ trợ thiệt hại đối với các DN khi có bệnh dịch TLCP xảy ra. Có chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức, triển khai phòng chống dịch bệnh, kiểm soát kinh doanh, vận chuyển, giết mổ và sản phẩm của lợn phù hợp thực tế.
Phối hợp với các tổ chức trong và ngoài nước và các nhà khoa học đánh giá thực trạng diễn biến dịch, nguy cơ và mức độ ô nhiễm khi tiêu hủy số lượng lớn lợn bệnh để hướng dẫn địa phương các giải pháp phòng, chống dịch bệnh phù hợp hiệu quả hơn. Đặc biệt xử lý, tiêu hủy lợn mắc bệnh đảm bảo ngăn chặn được virus phát tán không gây ô nhiễm môi trường sinh thái. A.Anh