Bình đẳng trong kỷ nguyên số

Minh Phương 15/05/2019 08:00

Làn sóng công nghệ số ngày một mạnh mẽ đã và đang có sức ảnh hưởng lớn đến cộng đồng doanh nghiệp (DN) Việt Nam. Bởi vậy, đầu tư vào chuyển đổi số, nỗ lực số hóa là con đường tất yếu mà mỗi DN Việt cần phải hướng đến. Giới chuyên gia nhận định, thời kỳ số hóa sẽ không còn phân biệt DN nhỏ hay DN lớn, mà mọi DN đều bình đẳng trong việc tiếp cận tri thức và khách hàng.

Bình đẳng trong kỷ nguyên số

Dệt may là ngành chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Tác động mạnh đến lực lượng lao động giản đơn

Cách mạng công nghiệp 4.0 được đánh giá sẽ mang đến nhiều cơ hội song cũng đầy thách thức, khi mà cuộc cách mạng này có thể “phá vỡ” thị trường lao động bằng “tự động hóa”, bằng các nhà máy số, robot và nguy cơ hàng triệu lao động có thể mất việc. Chính bởi vậy, các doanh nghiệp (DN) không còn cách nào khác là phải tìm cách thích ứng với công cuộc chuyển đổi số, hướng đến “số hóa” tất cả các hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình.

Theo đánh giá của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), thời đại công nghệ số đã làm thay đổi phương thức kinh doanh truyền thống sang phương thức kinh doanh mới. VCCI đưa ra con số dự báo rằng, trong vài năm tới, số lượng người Việt thường xuyên tiếp cận internet có thể chiếm trên 70% dân số. Trong bối cảnh đó, công nghệ số sẽ giúp DN ngày càng dễ dàng hơn trong việc tiếp cận với khách hàng và thị trường trên toàn thế giới.

Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tiềm năng lớn để phát triển nền kinh tế số và xu thế “số hoá” đã xuất hiện ở hầu hết mọi lĩnh vực, tác động đến hầu hết các ngành hàng. Dệt may là ngành có lực lượng lao động lớn, do đó, những ảnh hưởng từ cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đến ngành này bộc lộ rõ nét nhất.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, dệt may là ngành có nhiều công đoạn sản xuất nên công nghiệp 4.0 khó có thể đồng loạt thay thế lao động tay chân ở hầu hết các công đoạn. Song, công nghiệp 4.0 vẫn làm gia tăng nguy cơ mất việc làm đối với lao động dệt may, đặc biệt lao động có trình độ thấp và ở những công đoạn dễ thay thế bằng máy móc, song mức độ tác động ở mỗi công đoạn sản xuất dệt may cũng khác nhau. Đón làn sóng công nghệ, nhiều DN ngành dệt may đã và đang nỗ lực “số hóa” các dây chuyền sản xuất để thích ứng với kỷ nguyên số. Nhiều DN đã sớm thực hiện tự động hóa sản xuất và đồng bộ hóa các thiết bị.

Đơn cử như Tổng công ty May 10 thời gian qua đã ứng dụng phần mềm quản lý kinh doanh trực tuyến DIP BMS.NET. Đây là phần mềm quản lý khép kín, có sự phân quyền chi tiết đến từng chi nhánh, phòng, ban… giúp lãnh đạo công ty có thể kiểm soát toàn bộ các giao dịch của các đại lý cũng như trong cả một chuỗi sản xuất kinh doanh của Tổng công ty.

Trao đổi về sự thích nghi của các DN ngành dệt may khi bước vào kỷ nguyên số, ông Nguyễn Xuân Dương – Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty may Hưng Yên cho biết, nhiều lĩnh vực trong ngành dệt may như sợi và dệt nhuộm đã ứng dụng tự động hóa, từ đây các lĩnh vực này đã nâng cao năng suất, giảm lượng nhân công. Ông Dương cho biết, nếu như trước đây, để sản xuất 10 nghìn cọc sợi phải dùng đến trên 100 lao động thì với việc ứng dụng tự động hóa trong khâu này, DN chỉ cần khoảng 30 lao động – giảm gần 4 lần.

Doanh nghiệp cần thích nghi

Số hóa ngày càng bao trùm hầu hết các lĩnh vực của đời sống. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, cuộc chuyển đổi kỹ thuật số trên toàn cầu hiện này chính là cơ hội lớn cho các nước đang phát triển như Việt Nam. Nhờ việc DN ứng dụng công nghệ số, người dân cũng được tiếp cận nhanh hơn với các loại hình dịch vụ, giảm hẳn thời gian khi phải trực tiếp đến tận nơi như trước đây. Lĩnh vực hàng không là một ví dụ. Nhờ công nghệ số, các thủ tục khi muốn di chuyển bằng đường hàng không đã giảm đi rất nhiều. Thủ tục mua vé, đặt chỗ đều được thực hiện “online” vô cùng đơn giản.

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, ông Phí Anh Tuấn – Phó Chủ tịch Hội Tin học TP Hồ Chí Minh (HCA) cho rằng, việc đưa các ứng dụng của công nghệ số vào hoạt động của ngành hàng không đang giúp ngành này tiết kiệm một số tiền khổng lồ về giấy in, mực in, nhân sự ngồi trực tại quầy. Nói về sự thích nghi của các DN với thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, ông Tuấn nêu quan điểm: “Mỗi DN cần phải tạo ra một môi trường số hóa cho chính mình, sẵn sàng cho kết nối với DN khác trong hệ sinh thái số hóa”.

Có thể thấy, xu hướng số hóa là tất yếu, các DN Việt Nam buôc phải vận hành theo xu hướng này nếu không muốn bị tụt lại phía sau. Bởi càng về sau này, các phương thức kinh doanh kiểu truyền thống sẽ càng trở nên lạc hậu và dần dần sẽ bị đào thải trong kỷ nguyên số. Nhận định về những diễn biến của nền kinh tế số, ông Kamal Malhotra – Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam cho rằng, công nghệ 4.0 làm thay đổi cách thức sản xuất, hình thức sở hữu và quản trị của các nền kinh tế, trong đó có xuất hiện các ngành, nghề mới.

Tuy nhiên, vị chuyên gia cũng nhấn mạnh đến sự tác động của cuộc cách mạng này sẽ đe doạ đến hàng triệu việc làm, rô – bốt sẽ thay thế hàng triệu lao động giản đơn. Điều này đòi hỏi các nền kinh tế phải có sự ứng phó kịp thời. Trong đó lựa chọn hướng đi về phát triển bền vững vào đào tạo nguồn lao động có nguy cơ bị thay thế bằng người máy, với những kỹ năng mới để phù hợp với yêu cầu công việc mới.

Giới chuyên gia kinh tế cũng nhận định, công nghệ số đang tạo nên nền tảng về sự bình đẳng cho giữa DN lớn và DN nhỏ, và khi đã tận dụng được những cơ hội từ công nghệ số, sẽ không còn khoảng cách giữa quy mô lớn hay nhỏ của các DN, lúc đó tất cả đều bình đẳng trong việc tiếp cận tri thức và tiếp cận khách hàng. Chính bởi vậy, trong nền kinh tế số, cơ hội của các DN là như nhau.

Minh Phương