60 năm đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại (19/5/1959-19/5/2019)
Tại Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 15 khóa II, Đảng ta đã đề ra đường lối đấu tranh vũ trang chống đế quốc Mỹ và tay sai, vì mục tiêu giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Trên con đường đi đến thắng lợi ấy, Bộ Chính trị đã có nhiều quyết sách quan trọng. Một trong những quyết sách ấy là việc quyết định mở tuyến giao liên vận tải quân sự Trường Sơn.
Nhiệm vụ ấy đã được Thường trực Tổng Quân ủy giao cho Đoàn 559. Và, từ đó, ngày 19/5/1959 đã trở thành ngày truyền thống của Binh đoàn Trường Sơn; của những người con anh dũng của dân tộc Việt Nam đã không quản ngày đêm, mở đường để chi viện cho tiền tuyến lớn, đóng góp không nhỏ vào thắng lợi cuối cùng của dân tộc ta. Kể từ số báo này, Đại Đoàn Kết khởi đăng loạt bài nhìn lại những năm tháng hào hùng đó của Đoàn 559.
Bài 1: Sứ mệnh lịch sử của con đường và Bộ đội Trường Sơn
Vượt đường Trường Sơn vào chiến trường. Ảnh tư liệu.
Trong chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, dân tộc ta đã phải đương đầu với nhiều kẻ thù có dã tâm xâm lược, thôn tính nước ta. Nhân dân ta đã anh dũng, bất khuất, kiên cường, đoàn kết chiến đấu, lập nên nhiều thắng lợi vĩ đạị, mang tầm vóc thời đại. Trong đó đường Trường Sơn- đường Hồ Chí Minh là một sáng tạo chiến lược độc đáo của Đảng ta, một kỳ tích của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Sự ra đời Đoàn công tác đặc biệt
Cách mạng ở miền Nam sau Hiệp định Geneve (1954-1959) là thời kỳ vô cùng khó khăn. Đế quốc Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm đã thẳng tay đàn áp, khủng bố tàn bạo lực lượng cách mạng và nhân dân miền Nam. Tháng 1/1959, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 15 đã đề ra nhiệm vụ cho cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới, nhằm giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, thống nhất đất nước. Để đáp ứng nhu cầu chi viện nhân lực, vật lực từ hậu phương miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam, Bộ Chính trị quyết định tổ chức tuyến giao liên, vận tải quân sự.
Sau một thời gian gấp rút chuẩn bị, ngày 19/5/1959, “Đoàn công tác Quân sự đặc biệt” chính thức ra đời. Thường trực Tổng Quân ủy trung ương giao cho Đoàn nhiệm vụ mở đường vận chuyển hàng quân sự vào miền Nam, tổ chức đưa đón cán bộ, chiến sĩ từ miền Bắc bổ sung cho miền Nam. Trong quá trình phát triển Đoàn lần lượt mang tên: Đoàn 559, Bộ Tư lệnh 559, Bộ Tư lệnh Trường Sơn. Địa bàn hoạt động ban đầu của Đoàn 559 từ Quảng Bình theo Đông Trường Sơn, qua các tỉnh Quảng Trị -Thừa Thiên-Huế. Do yêu cầu phát triển của Cách mạng ở miền Nam Việt Nam và hai nước bạn Lào và Campuchia nên tuyến chi viện này mở rộng bao trùm suốt dãy Trường Sơn, từ Bắc vào Nam, từ Đông sang Tây bao gồm cả trên đất Lào và Campuchia.
Trường Sơn trở thành một chiến trường rộng lớn với cuộc chiến tranh “ngăn chặn” và “chống ngăn chặn” quyết liệt của ta và địch. Bộ đội Trường Sơn phải đối đầu trực tiếp với đế quốc Mỹ.
Lực lượng của Bộ đội Trường Sơn từ lúc ban đầu chỉ có 500 người, nhanh chóng phát triển lên 100.000 người, lúc cao điểm là 200000 người (kể cả các lực lượng phối thuộc, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, công nhân giao thông). Bộ đội Trường Sơn có nhiều binh chủng hợp thành: Lái xe, công binh, pháo binh, phòng không, bộ binh, đường ống xăng dầu, giao liên, thông tin, quân y...
“Hậu phương” trực tiếp của miền Nam anh dũng
Cuộc chiến đấu ở Trường Sơn diễn ra ác liệt. Mỹ đã dùng một lực lượng khổng lồ không quân với hơn 4 triệu tấn bom, hàng triệu lít chất độc da cam rải xuống Trường Sơn nhằm tiêu diệt bộ đội chúng ta. Tuy nhiên Bộ đội Trường Sơn vẫn lớn mạnh không ngừng về tổ chức và thế trận.
Bộ đội Trường Sơn trong 16 năm đã làm tốt nhiệm vụ chi viện nhân lực, tài lực cho chiến trường với nhu cầu ngày càng lớn. Đã có hàng triệu người đi qua Trường Sơn vào chiến trường, hàng triệu tấn vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm, thuốc men... được vận chuyển vào Trường Sơn giao cho chiến trường; hàng vạn thương, bệnh binh được đưa ra hậu phương chữa trị, hàng nghìn thiếu niên được đưa ra Bắc học tập.
Bộ đội Trường Sơn đã anh dũng, sáng tạo trong chiến đấu, đánh bại dã tâm ngăn chặn của quân đội Mỹ, đã bắn rơi 2.455 máy bay Mỹ. Sau Chiến dịch Đường 9- Nam Lào, Lầu Năm Góc đã chua xót công nhận Mỹ đã thất bại trong cuộc chiến ở Trường Sơn.
Từ Tết Mậu Thân, Khe Sanh 1968, Đường 9-Nam Lào 1971, Chiến dịch Tây Nguyên đến Chiến dịch Hồ Chí Minh 1975, Bộ đội Trường Sơn không chỉ đảm bảo đầy đủ vật chất mà còn có nhiều lực lượng trực tiếp tham gia chiến đấu. Đặc biệt, Bộ đội Trường Sơn đã đảm bảo hành quân cơ giới thần tốc cho một lực lượng chủ lực lớn trong chiến dịch Mùa xuân năm 1975. Hai sư đoàn xe 471 và 571 với hơn 8.000 xe chở 3 Quân đoàn chủ lực hành tiến theo Đường số 1 và Tây Trường Sơn nhanh chóng, kịp thời vào tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Khi tiến vào đánh chiếm Dinh Độc Lập, Bộ Tổng Tham mưu Ngụy, Tổng nha Cảnh sát ngoài quân chủ lực còn có mặt lực lượng lái xe Trường Sơn.
Trong cuộc chiến đấu ác liệt này, Bộ đội Trường Sơn đã chịu những mất mát hi sinh không nhỏ: 2 vạn liệt sĩ, 3 vạn thương binh, hàng vạn chiến sĩ bị nhiễm chất độc da cam- dioxin.
Đường Trường Sơn- đường Hồ Chí Minh không chỉ là tuyến hậu cần chiến lược, mà còn là “Hậu phương” trực tiếp, là “Căn cứ địa” của chiến trường miền Nam Việt Nam. Tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn còn có nhiệm vụ giúp cách mạng Lào, Campuchia. Bộ đội Trường Sơn đã tham gia giải phóng và bảo vệ một vùng giải phóng rộng lớn trên địa bàn 7 tỉnh Trung Nam Lào, 4 tỉnh Đông Bắc Campuchia, góp phần làm cho cách mạng ba nước phát triển mạnh mẽ để cùng nhau vui chung niềm vui chiến thắng.
Sở dĩ đường Trường Sơn- đường Hồ Chí Minh đã làm nên những kỳ tích lịch sử như vậy, trước hết là nhờ quyết định đúng đắn, sáng suốt của Đảng, Chính phủ, sự đóng góp to lớn của nhân dân miền Bắc, sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế. Sự lãnh đạo sáng tạo, quyết đoán của Bộ Quốc phòng mà trực tiếp, thường xuyên là của Tổng Tư lệnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp, của Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Hậu cần, Tổng cục Chính trị, sự tăng cường hỗ trợ của các quân, binh chủng: Quân chủng Phòng không, Bộ Tư lệnh Công binh, Bộ Tư lệnh Thông tin, các cơ quan khoa học kỹ thuật Bộ Quốc phòng.
Đường Trường Sơn- đường Hồ Chí Minh là biểu tượng bất diệt của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của khát vọng hòa bình, độc lập và thống nhất đất nước, đồng thời là biểu tượng sáng ngời của tình đoàn kết chiến đấu đặc biệt chống kẻ thù chung của ba nước Việt Nam- Lào- Campuchia.